Sau hai ngày, cuộc gặp cấp cao lần thứ 2 giữa Nga và các quốc gia châu Phi diễn ra ở thành phố St.Petersburg, Nga đã kết thúc với một bản tuyên bố chung hôm 29.7.
Tổng thống Vladimir Putin và các nhà lãnh đạo châu Phi chụp ảnh chung sau Hội nghị cấp cao Nga – châu Phi ở St.Petersburg.
Căn cứ theo những nội dung thể hiện trong văn kiện này thì cuộc gặp khá thành công đối với Nga, có thể không được thành công mỹ mãn như Nga mong muốn nhưng cũng đủ để các địch thủ hiện tại của Nga là Mỹ, EU, NATO và đồng minh của họ thất vọng.
Phương Tây cho rằng, so với cuộc gặp cấp cao lần thứ nhất năm 2019 có 43 lãnh đạo, thì cuộc gặp lần thứ hai chỉ có 17 lãnh đạo cấp cao của các quốc gia châu Phi nên không thể coi là thành công đối với Nga. Phương Tây cho rằng, Nga đang bị ngày càng thêm nhiều quốc gia châu Phi quay lưng kể từ khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraina.
Các nước châu Phi bị phân rẽ nội bộ về việc ủng hộ hay lên án Nga hoặc đứng trung lập. Hồi năm 2019 không có tình trạng này. Họ đều bị đẩy vào tình thế buộc phải lựa chọn giữa Nga và các đối tác phương Tây, hoặc gặp nhiều khó khăn và khó xử với việc duy trì cân bằng quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây.
Các quốc gia châu Phi không giấu giếm tâm trạng không hài lòng về Nga khi đề nghị của một số quốc gia châu Phi về giải pháp chính trị hoà bình cho cuộc xung đột ở Ukraina đã không được Nga xem xét và đáp ứng thuận lợi.
Không đầy hai tuần trước cuộc gặp cấp cao thứ 2 này, Nga quyết định không tiếp tục gia hạn hiệu lực của thoả thuận về xuất khẩu ngũ cốc và lương thực của Ukraina bằng vận tải qua Biển Đen. Các quốc gia châu Phi không lâm vào tình trạng khủng hoảng cung ứng lương thực nhưng lo ngại quyết sách này của Nga tác động tiêu cực tới tâm lý của người dân ở các nước châu Phi và có thể làm cho giá lương thực gia tăng.
Cuộc xung đột ở Ukraina đã tạo ra cú hích rất quan trọng giúp các quốc gia châu Phi tăng đáng kể vị thế trong chính sách và chiến lược của tất cả các đối tác lớn bên ngoài. Đã từ nhiều năm nay, các đối tác này ganh đua nhau quyết liệt giành ảnh hưởng đối với châu Phi. Vì cuộc xung đột ở Ukraina và để đối địch với phe phương Tây, Nga càng cần tranh thủ và lôi kéo các quốc gia châu Phi hơn bao giờ hết. Phương Tây ra sức tranh thủ các quốc gia châu Phi để cô lập Nga, phân rẽ châu lục này với Nga và để cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc ở châu Phi.
Cho nên hiện tại là thời kỳ đầy phức tạp về nhiều phương diện đối với mối quan hệ giữa Nga và các quốc gia châu Phi. Kết quả của cuộc gặp cấp cao lần thứ 2 giữa Nga và các quốc gia châu Phi không mở ra được thời kỳ quan hệ hợp tác mới, nhưng cũng bao hàm tiến triển tích cực đối với cả hai bên.
Bên ngoài có thể thấy Nga và các quốc gia châu Phi nhất trí cùng nhau chèo lái đưa quan hệ hợp tác tiến về phía trước qua sóng gió của thời cuộc. Khuôn khổ diễn đàn này đã được thể chế hoá thêm một bước. Trong bản tuyên bố chung ghi nhận sự hiểu biết lẫn nhau sâu rộng và sự tin cậy lẫn nhau rõ rệt.
Ông Putin đã chủ động giảm bớt mức độ khó xử của các đối tác châu Phi bằng quyết định xoá nợ 23 tỉ USD cho các nước châu Phi; hứa cung ứng miễn phí lương thực cho một số quốc gia châu Phi; tỏ ra cởi mở với đề nghị về giải pháp chính trị hoà bình cho cuộc xung đột ở Ukraina; thể hiện thái độ cảm thông và cầu thị về yêu cầu Nga chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraina và tham gia trở lại thoả thuận ngũ cốc Biển Đen, cũng như Nga sẵn sàng tăng cường vũ trang cho các quốc gia châu Phi cùng liên minh, liên kết với Nga.
Cuộc gặp cấp cao cho thấy thời cuộc gây khó khăn và phức tạp cho mối quan hệ giữa Nga và các quốc gia châu Phi, nhưng rõ ràng không làm tụt lùi hay đảo ngược mối quan hệ này.
PV (theo laodong)
Bình luận (0)