Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là việc khó nên công tác lãnh đạo, điều hành phải quyết liệt, thống nhất về nhận thức, tư tưởng thì công việc mới suôn sẻ nếu không sẽ ách tắc, chồng chéo, lãng phí nguồn lực.
.
Thủ tướng nhấn mạnh sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là việc khó nên công tác lãnh đạo, điều hành phải quyết liệt, thống nhất về nhận thức, tư tưởng (Ảnh: VGP)
Sáng 31-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhằm phù hợp tình hình, diễn biến thực tiễn. Đây là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến nhiều người, ảnh hưởng đến hoạt động người dân và các cấp tuy nhiên không thể không làm. “Sự phát triển của đất nước và tình hình có những thay đổi, vì vậy tổ chức bộ máy hành chính cũng có những thay đổi”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, thực hiện Nghị quyết Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 48-KL/TW ngày 30-1-2023 về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030.
Như vậy, trên cơ sở chủ trương, cơ sở pháp lý và thực tiễn các địa phương, việc tổ chức sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cho phù hợp, linh hoạt, đơn giản nhưng không quá ảnh hưởng đến hoạt động hệ thống chính trị và cuộc sống của người dân.
“Chúng ta phải nhận thức đây là công việc khó, phức tạp, khi làm phải chắc chắn, thận trọng, đảm bảo hoạt động của hệ thống chính trị bình thường và cuộc sống người dân. Là việc khó nên công tác lãnh đạo, điều hành phải quyết liệt, thống nhất về nhận thức, tư tưởng thì công việc mới suôn sẻ, nếu không sẽ ách tắc, chồng chéo, lãng phí nguồn lực”, Thủ tướng nói; đồng thời Thủ tướng lưu ý cần chỉ ra những cái được, chưa được, phát huy những mặt được và khắc phục những gì chưa được trên tinh thần tinh giản bộ máy nhưng phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Cũng theo Thủ tướng, công việc nhiều, thời gian ngắn, yêu cầu cao, các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống chính trị phải vào cuộc tích cực, hiệu quả. Trong quá trình sắp xếp có ảnh hưởng đến việc điều hành về mặt hành chính, quan hệ công việc của các cơ quan, tổ chức chính trị các cấp, ảnh hưởng người dân vì liên quan giấy tờ thủ tục… nên khi xắp xếp đơn vị hành chính sẽ có nhiều việc phải làm. Thủ tướng đề nghị các địa phương có các kinh nghiệm quý, bài học hay thì trong qua trình sắp xếp tổ chức bộ máy cần chia sẻ. Ông cũng lưu ý, sau xếp sắp cơ sở vật chất và các hoạt động khác dôi dư, có những việc cần phải sắp xếp thì lưu ý giải pháp phù hợp, tránh lãng phí nguồn lực cho xã hội, cho đất nước.
Tại điểm cầu TP.HCM, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết TP quán triệt sâu sắc Kết luận 48 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 35 của Quốc hội và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030. Đồng thời cũng nhận thức đây là việc quan trọng, phức tạp, cần phải được tiến hành kỹ lưỡng, khoa học.
Giai đoạn 2019-2021, TP đã sắp xếp 3 quận (quận 2, quận 9 và Thủ Đức) để thành lập thành phố Thủ Đức; sắp xếp 19 phường thành 9 phường. Qua sắp xếp, TP đã giảm 170 cán bộ, công chức cấp huyện; 100 cán bộ, công chức và 124 người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Hiện nay, các đơn vị hành chính được sắp xếp cơ bản hoạt động ổn định.
Bên cạnh thuận lợi, TP cũng gặp những khó khăn. Đó là vấn đề quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, sắp xếp đội ngũ cán bộ cũng như cơ sở vật chất. Đặc biệt ảnh hưởng của việc sắp xếp này đến hoạt động người dân, doanh nghiệp. “Đây cũng là bài học thực tiễn đối với TP cho việc sắp xếp tới”, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho hay.
Theo ông Phan Văn Mãi, TP.HCM có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, 312 đơn vị hành chính cấp xã. Đặc điểm nổi bật với các đơn vị hành chính này diện tích nhỏ, nhưng dân số rất đông và hoạt động hành chính theo quy mô dân số/quy mô kinh tế rất lớn.
Theo quy định, TP có 4/22 đơn vị cấp huyện, 31/312 đơn vị cấp xã đạt cả hai tiêu chuẩn diện tích và dân số; có 11/22 đơn vị cấp huyện và 217/312 đơn vị cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích. Tuy nhiên, có 21/22 đơn vị cấp huyện và 223/312 đơn vị cấp xã đạt trên 100% tiêu chuẩn về dân số.
“Đây là đặc biểm nổi bật của TP.HCM, diện tích nhỏ, dân số đông và hoạt động hành chính rất lớn”, ông Phan Văn Mãi nói; và ông cho rằng đặc điểm này đặt ra cho TP nhiều khó khăn trong sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp xã đòi hỏi phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học; vừa thực hiện đúng các chủ trương của Trung ương, vừa phù hợp thực tế TP nhằm hướng đến xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhưng không gây xáo trộn lớn, tạo động lực phát triển TP.
N.Trinh
Bình luận (0)