Sau 2 năm lên TP (gộp quận 2, quận 9 và Thủ Đức), đến nay TP.Thủ Đức cũng chỉ là một quận có quy mô “khủng” về dân số, diện tích, còn lại vẫn chẳng có gì thay đổi. Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, cần có những giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn nhân lực; thể chế, cơ chế đặc thù cho TP.Thủ Đức (TP.HCM) thì mới có thể tạo ra sự bứt phá trong phát triển chính quyền đô thị kiểu mới tại đây.
Sau gần 2 năm hoạt động theo mô hình mới TP.Thủ Đức vẫn gặp nhiều khó khăn
Tháng 11-2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 131 về Tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1111 cho phép thành lập TP.Thủ Đức thuộc TP.HCM trên cơ sở sáp nhập 3 quận 2, 9, Thủ Đức từ đầu tháng 1-2021. Đây được xem là mô hình “TP trong TP” trực thuộc Trung ương duy nhất ở Việt Nam hiện nay với những đặc thù hứa hẹn sẽ trở thành một hình mẫu khu đô thị sáng tạo, dẫn dắt kinh tế, một “cực” tăng trưởng mới; đồng thời kỳ vọng trong tương lai, TP.Thủ Đức có thể tạo ra giá trị gia tăng bằng 30% của TP.HCM, đạt khoảng 7% GDP của cả nước. Tuy nhiên, sau gần 2 năm hoạt động theo mô hình mới, với các quy định hiện hành thì TP.Thủ Đức vẫn chưa thể hiện đúng tầm vị trí của một đô thị vệ tinh trong một siêu đô thị là TP.HCM.
Cần nhân lực số để tránh quá tải
Một trong những khó khăn mà TP.Thủ Đức đang phải đối diện là sức ép và quá tải công việc. Mặc dù TP.Thủ Đức thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị nhưng chính quyền vẫn được vận hành tương tự như mô hình chính quyền cấp quận/ huyện. Thực tế này đòi hỏi cần có những bước đi trước mắt lẫn dài hạn về giải pháp, kế hoạch tái cấu trúc cơ cấu nhân lực, trong đó cân nhắc tỷ lệ ngày càng cao nhân lực số.
PGS.TS Vũ Tuấn Hưng – Viện Khoa học Xã hội Nam bộ – cho biết, bài toán nhân lực sẽ dần được giải quyết nếu thực hiện số hóa và sử dụng phổ biến nguồn nhân lực số (bao gồm trí tuệ nhân tạo, robot, hệ thống công nghệ tự động). Đây là nguồn nhân lực được lập trình để giải quyết các công việc ở những mảng phù hợp với hiệu suất cao, không bị giới hạn về thời gian, văn hóa, tâm lý, tình cảm… góp phần tiết giảm tối đa nhân sự là con người.
Để xây dựng nguồn nhân lực số, ông Hưng cho rằng, TP.Thủ Đức cần xây dựng các thể chế, chính sách thúc đẩy hoạt động hướng đến việc đầu tư các nguồn nhân lực này để hỗ trợ trong các khâu quản lý hành chính. Ưu tiên, khuyến khích, thu hút đầu tư với các tập đoàn, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa trong sản xuất. Đồng thời cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ thực chất hơn nữa các mô hình khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ để giảm thiểu lao động thông qua tăng năng suất lao động và hỗ trợ các cơ quan công vụ thực hiện tốt công việc.
“Hiện TP.Thủ Đức có 3 phó chủ tịch UBND và 13 cơ quan chuyên môn có không quá 3 phó trưởng phòng là chưa phù hợp với tình hình thực tế quản lý hành chính Nhà nước với 34 phường, 600 cơ sở giáo dục, 154 cơ sở tín ngưỡng, 285 cơ sở tôn giáo, hơn 300 dự án lớn nhỏ khác nhau. Tuy nhiên, nếu làm được nguồn nhân lực số sẽ tạo đà cho việc thực hiện thành công chiến lược phát triển nhanh và bền vững hơn cho TP.Thủ Đức. Hướng đi này phù hợp với xu hướng số hóa hiện nay”, ông Hưng nói.
Cũng có ý kiến cho rằng, TP.Thủ Đức là một trong 22 đơn vị hành chính của TP.HCM góp phần vào thành công xây dựng đô thị thông minh mà TP.HCM đang hướng đến. Do đó, trước mắt cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ công chức đáp ứng chính quyền số cho Thủ Đức.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Y – Học viện Cán bộ TP.HCM, TP.Thủ Đức phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức tham gia vận hành tốt bộ máy chính quyền số để thực hiện hiệu quả các chủ trương đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ. Trước hết, Thủ Đức cần đổi mới tư duy và thống nhất trong nhận thức về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức. Song song đó, lựa chọn, bố trí sắp xếp vị trí nhân sự chuyên trách công nghệ thông tin từ cấp phường đến TP (TP.Thủ Đức – PV) đúng người, đúng việc. Đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành công nghệ số, kinh tế số và xã hội số đối với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức theo vị trí việc làm.
Thủ Đức không thể là một quận/huyện
TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện chính quyền đô thị nên hệ thống thể chế dành cho chính quyền đô thị tại TP.HCM chưa thật sự hoàn thiện. Cụ thể, mô hình chính quyền TP.Thủ Đức trong TP.HCM chưa có nghị định, quy định rõ ràng, riêng biệt về thẩm quyền, chức năng. Các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và Nghị quyết số 131 còn chung chung. Mặt khác, việc phân cấp, ủy quyền được xem là “chìa khóa” cho chính quyền đô thị vận hành hiệu quả, thực hiện tốt các quyết sách mà Đảng bộ, chính quyền TP.HCM đề ra nhưng đến nay vẫn chưa có quy định đặc thù về phân cấp, ủy quyền cho chính quyền đô thị TP.HCM nói chung và TP.Thủ Đức nói riêng.
TS. Dư Phước Tân – Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM – cho rằng, điểm nghẽn về mô hình tổ chức và vận hành bộ máy của TP.Thủ Đức đang thực hiện tương đương cấp quận/ huyện gây ra nhiều hệ quả. Đơn cử như bất cập giải quyết hồ sơ hành chính hoặc không thể thực hiện được nhu cầu thành lập các trung tâm tự chủ tài chính như trung tâm phát triển quỹ đất, trung tâm quản lý hạ tầng đô thị. Mặt khác, chỉ tiêu kỳ vọng TP.Thủ Đức sẽ đóng góp 30% GRDP TP.HCM là khá cao so với xuất phát điểm gần 3%. Do vậy, Trung ương nên cho phép triển khai thí điểm những cơ chế chính sách mới đối với TP.Thủ Đức bằng những lộ trình phù hợp và ưu tiên nguồn lực. Cơ chế chính sách đặc thù có thể nhận diện gồm: Tự chủ trong cung ứng dịch vụ công cũng như công tác duy tu, bảo trì hạ tầng theo hướng chủ động, hiệu quả, tiết kiệm, giảm giá dịch vụ; tự chủ trong phân bổ ngân sách từ cấp trên là TP.HCM và được quyền tự chủ trong khai thác quỹ đất và nguồn thu từ đất trên địa bàn để tạo nguồn lực đầu tư phát triển; tự chủ trong việc ra quyết định lựa chọn công nghệ sao cho phù hợp đặc thù của từng khu vực. Bên cạnh đó là cơ chế tự chủ trong thiết kế và vận hành bộ máy quản lý sao cho phù hợp; cơ chế tuyển chọn nhân sự và tự quyết về chế độ ưu đãi nhân sự, tạo động lực làm việc, thông qua UBND TP.HCM; cơ chế tự chủ trong điều hành kế hoạch đầu tư công đối với các công trình, dự án theo thứ tự ưu tiên và tự điều chỉnh.
Đồng quan điểm, PGS.TS Phước Minh Hiệp – Tạp chí Cộng sản – nhấn mạnh, cần có sự phân định rõ ràng trách nhiệm của TP.HCM và TP.Thủ Đức; bãi bỏ cơ chế TP.Thủ Đức ngang hàng với cấp quận, huyện để nâng cao thẩm quyền so với trước đây.
Một ý kiến khác cho rằng, trong cơ chế chính sách ưu đãi cho TP.Thủ Đức, Trung ương cũng nên tính đến sự hình thành của các TP tương tự sau này để có cơ chế chính sách thực thi một cách nhất quán, không thay đổi khi áp dụng về sau.
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)