Xây dựng gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm hạnh phúc của mỗi người chính là cơ sở để thực hiện khát vọng phát triển đất nước với những con người Việt Nam có tầm vóc thể lực, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức, hội tụ trí tuệ, tài năng để nước ta hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ, song vẫn giữ vững được bản sắc văn hóa dân tộc.
Vụ án Nguyễn Võ Quỳnh Trang “giết người”, “hành hạ người khác” là một trong những vụ án thể hiện mặt trái của gia đình Việt Nam hiện nay. Ảnh: I.T
Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại TP.HCM mới đây.
Quá nhiều tác động tiêu cực
TS. Trần Tuyết Ánh – Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch) – cho biết, gia đình là nơi lưu truyền những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; là thành trì vững chắc ngăn chặn những tệ nạn, những nọc độc văn hóa xâm nhập vào nước ta. Ông bà, cha mẹ chính là tấm gương để con cháu noi theo. Xây dựng văn hóa trong gia đình, ứng xử văn hóa của từng thành viên trong gia đình là một nội dung quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu trên các phương diện kinh tế, văn hóa, xã hội thì gia đình Việt Nam cũng phải đối diện với nhiều tác động tiêu cực của kinh tế thị trường và sự biến đổi xã hội.
Trong đó, sự xuống cấp của một số mối quan hệ ứng xử văn hóa, đạo đức gia đình, đạo đức xã hội ngày càng trở nên nghiêm trọng. Gia đình Việt Nam đang khủng hoảng về chức năng giáo dục, tâm lý tình cảm ở cả khu vực nông thôn lẫn thành thị. Quá trình xã hội hóa của trẻ bắt đầu từ môi trường gia đình nhưng nhiều gia đình chưa thực hiện tốt chức năng giáo dục, đặc biệt là giáo dục đạo đức, pháp luật cho thế hệ trẻ. Những khó khăn về phương pháp giáo dục, thiếu thời gian, không đủ kiến thức, môi trường xã hội phức tạp… khiến nhiều bậc cha mẹ không làm tốt tốt vai trò giáo dục.
Mặt khác, vấn đề chăm sóc người cao tuổi trong gia đình cũng rất đáng quan tâm. Ở đô thị, do con cháu phải lo cuộc sống nên một số gia đình đưa cha mẹ vào các trung tâm dưỡng lão và phó mặc cho trung tâm. Một số người cao tuổi không có lương hưu, không có thu nhập… Điều này dẫn đến sự khủng hoảng về tâm lý, tình cảm của người cao tuổi, thậm chí có trường hợp đã từng bị con cháu lạm dụng.
“Giá trị đạo đức, ứng xử trong gia đình không được duy trì, rèn giũa, mối quan hệ giữa các thành viên lỏng lẻo là nhân tố dẫn đến những hành vi ứng xử lệch lạc, vi phạm pháp luật trong gia đình và ngoài xã hội. Điều này dẫn đến những hệ lụy xã hội khôn lường, nhất là sự đứt gãy về mặt giá trị, đạo đức và văn hóa truyền thống”, bà Tuyết nói.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, trong vài thập niên qua, bối cảnh kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam và thế giới có tốc độ chuyển đổi nhanh khiến gia đình Việt Nam đứng trước những thay đổi chưa từng có. Tình trạng chung sống không kết hôn, môi giới hôn nhân, mang thai hộ, làm mẹ đơn thân… đã được một bộ phận xã hội chấp nhận.
PGS.TS Đặng Thị Lan – Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội – cho biết: “Bên cạnh những thành tựu, sự khởi sắc trên lĩnh vực kinh tế, chúng ta đã phải đối mặt với những vấn đề phức tạp trong lĩnh vực văn hóa, đạo đức, lối sống con người. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân, nhất là giới trẻ đang trở thành vấn nạn khiến toàn xã hội quan tâm. Tình trạng nghiện game online, kích động bạo lực, sống ảo, hấp thụ lối sống không lành mạnh, sống hưởng thụ, không lý tưởng, không hoài bão… khiến không ít người, nhất là giới trẻ sa ngã, mắc vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật”.
Con người – cơ sở hoạch định chiến lược
Để xây dựng gia đình Việt Nam hạnh phúc trong bối cảnh hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng cần phải xác lập được hệ giá trị gia đình Việt Nam. Đây là một vấn đề hết sức hệ trọng và cấp bách.
Theo TS. Trần Thị Thủy – Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, hệ giá trị này đòi hỏi quá trình kiến tạo, vun đắp theo chiều dài phát triển của đất nước, do đó nó không dễ mất đi, không dễ thay đổi. Các hệ giá trị gia đình, con người Việt Nam là cơ sở để hoạch định các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa của dân tộc. Việc vun đắp, ý thức gìn giữ, phát huy các hệ giá trị gia đình, con người trong xã hội Việt Nam hiện nay vừa là nhiệm vụ của Đảng, chính quyền; vừa là nhiệm vụ của cá nhân, cộng đồng. Theo đó có 4 nguyên tắc phải thực hiện. Thứ nhất, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc xây dựng hệ giá trị gia đình. Các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội, cấp ủy Đảng cần nhận thức rõ mối quan hệ và tầm quan trọng của xây dựng hệ giá trị gia đình và hệ giá trị quốc gia, dân tộc. Từ đó, giúp định hướng người dân trong việc xây dựng hệ giá trị gia đình; Thứ hai, phát huy những giá trị của hương ước, lệ làng, quy ước cộng đồng trong việc xây dựng hệ giá trị gia đình, đồng thời bổ sung cụ thể các cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, đầy đủ về công tác gia đình và xây dựng gia đình hiện nay; Thứ ba, cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức, làm tổn hại đến sự ổn định và phát triển bền vững của gia đình. Phát huy tinh thần làm gương của thế hệ đi trước nhằm giáo dục những giá trị chân, thiện, mỹ cho các thế hệ sau; Thứ tư, giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc từ cái nôi gia đình. Lưu truyền giá trị quốc gia, dân tộc tạo nên sức mạnh nội sinh trong việc xây dựng và phát triển đất nước.
PGS.TS Nguyễn Hữu Minh – Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) – cho rằng, cần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, tạo thuận lợi cho người vợ và người chồng có cơ hội ngang nhau tham gia vào các hoạt động kinh tế, có vai trò bình đẳng trong các quyết định gia đình. Song song đó phải có các hình thức thích hợp nâng cao kiến thức và kỹ năng của cha mẹ trong việc giáo dục con cái nhằm hạn chế, tiến tới xóa bỏ hành vi bạo lực của cha mẹ đối với con cái. Về lâu dài cần nhận thức đầy đủ hơn vai trò quan trọng của gia đình đối với sự phát triển xã hội nói chung, từ đó chú ý một cách toàn diện khía cạnh gia đình trong các chính sách kinh tế – xã hội. Các chính sách kinh tế – xã hội cần phải tính tới những tác động đối với đời sống gia đình nói chung. Cần xây dựng hệ tiêu chí thống nhất và cụ thể hóa các mục tiêu xây dựng gia đình của Đảng, tạo thuận lợi cho quá trình tuyên truyền và triển khai thực tế các kế hoạch hành động xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ.
Minh Phương
Bình luận (0)