Gần đây có vài bài báo phản ánh một hình thức phạt học sinh ở nhà trường, ghi là “thụt xì dầu”. Nhiều bạn đọc nêu thắc mắc, không rõ “thụt xì dầu” là gì.
Một nhóm thanh thiếu niên bị phạt thụt dầu (ảnh minh họa)
Xem lại các bài báo đã đăng thì thấy có số ít trường hợp viết “thụt xì dầu”, còn đa phần là viết “thụt dầu”.
Hình thức phạt “thụt dầu” là như thế nào?
“Thụt dầu” là động tác dùng hai tay bắt chéo qua ngực, nắm vào hai dái tai bên đối diện, đứng lên ngồi xuống”. Hình thức phạt “thụt dầu” có thể lạ lẫm với nhiều người nhưng đối với những người đã trải qua ghế học đường có thể dễ dàng nhận ra, đúng như đã được mô tả ở trên – là người chịu phạt thực hiện động tác dùng hai tay bắt chéo qua ngực nắm vào hai dái tai, tay trái nắm dái tai phải và ngược lại, đứng lên ngồi xuống nhiều lần. Động tác phạt này đối với học sinh phạm lỗi tưởng nhẹ nhàng, nhưng nếu lặp đi lặp lại nhiều lần hoặc với tốc độ nhanh thì sẽ gây mệt mỏi, choáng váng cho học sinh.
Tên gọi “thụt dầu” xuất phát từ đâu?
Trước hết, động từ “thụt” – theo giải thích trong Từ điển tiếng Việt: “Thụt: Đẩy chất lỏng hoặc chất khí qua ống dẫn, bằng sức ép” (trang 933, Từ điển tiếng Việt – 1995, NXB Trung tâm Từ điển học). Trong khi đó, Việt Nam tự điển của Nhà sách Khai Trí – 1970 – giải thích và nêu ví dụ rõ hơn: “Dùng hơi ép tống mạnh ra. Ví dụ: Ống thụt; thụt ống bễ; thụt dầu từ thùng ra ve…” (trang 1615, quyển Hạ). Động tác phạt “thụt dầu” này mô phỏng hoạt động bơm chiết dầu hỏa (còn gọi là dầu lửa/dầu tây) từ thùng lớn sang can hoặc chai nhỏ bằng ống thụt kim loại, trước năm 1975 chúng tôi thấy có nhiều ở các tiệm bán tạp hóa ở miền Nam. Về sau, các ống thụt kim loại cồng kềnh kể trên dần bị thay thế hẳn bằng các ống bơm ruột gà bóp tay bằng nhựa trong – không phải thụt như trước – tiện dụng hơn. Người bóp bơm dầu hỏa để bán lẻ có thể quan sát được dầu chảy qua ống nhựa trong.
Khi hỏi nhiều bạn đồng tuế, đồng môn sinh ra và lớn lên ở miền Bắc thì nhận được câu trả lời là các bạn không hề biết dụng cụ và cách sang chiết như kể trên ở các hợp tác xã mua bán thời ấy, mà chỉ thấy các mậu dịch viên dùng miệng hút xăng dầu bằng ống tuy-ô. Có một điều đáng lưu ý, chúng tôi thấy việc dùng ống thụt ấy rất phổ dụng trong việc sang chiết bán lẻ dầu hỏa (chủ yếu người dân mua lẻ về dùng để thắp đèn), chứ không/chưa/ít thấy dùng trong việc bán lẻ các chất lỏng khác như rượu, nước mắm, xì dầu…; trong đó, đặc biệt xì dầu (nước tương) thường được đóng chai nhỏ sẵn, có dán nhãn, để bán như hiện nay, nên không có việc “thụt xì dầu” để bán lẻ như dầu hỏa. Như vậy, cách viết đúng tên gọi của hình thức phạt này là “thụt dầu” chứ không phải “thụt xì dầu” như một vài trường hợp đã vô tình nhầm lẫn. Nguyên nhân có lẽ do một số người viết do không hề biết nguồn gốc của tên gọi hình thức phạt “thụt dầu” có xuất xứ từ một hoạt động trong thực tế đã xa trước kia là “thụt dầu” khi bán lẻ dầu hỏa, cũng như không biết nghĩa của từ tố dầu trong tổ hợp từ “thụt dầu” là nói đến dầu gì, nên suy luận ra là xì dầu và viết “thụt xì dầu” chăng?
Vài dòng nêu cảm nhận qua cách dùng từ “thụt xì dầu” ở các bài báo, rất mong nhận được sự trao đổi của bạn đọc gần xa để vấn đề được tỏ tường hơn.
Đỗ Thành Dương
Bình luận (0)