Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cần dạy sinh viên về rủi ro khi để ‘dấu chân số’ trên không gian mạng

Tạp Chí Giáo Dục

Mỗi cá nhân khi dùng internet đều để lại “dấu chân số”, nó đe doạ quyền “được lãng quên” của họ. “Năng lực số” đang được đề xuất đưa vào chương trình đào tạo đại học, giúp sinh viên "sống khoẻ" trong thế giới số.

Ngày 10.11, tại Hà Nội, Trường ĐH Khoa học Xã hội – Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, Hiệp hội các trường ĐH – CĐ Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Meta (tên mới của Tập đoàn Facebook) tổ chức hội thảo “Năng lực số cho sinh viên trong bối cảnh chuyển đổi số giáo dục ĐH”.

Cần dạy sinh viên về rủi ro khi để ‘dấu chân số’ trên không gian mạng - ảnh 1

TS Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học Xã hội – Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, chia sẻ về khung năng lực số cho sinh viên mà nhóm nghiên cứu của ông đã xây dựng. THANH HÙNG

Tại hội thảo, TS Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học Xã hội – Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, đã chia sẻ về khung năng lực số cho sinh viên mà nhóm nghiên cứu của ông đã xây dựng, đồng thời đề xuất hoàn thiện khung này ở phạm vi quốc gia để đưa vào sử dụng cho hệ thống giáo dục ĐH.

Mặt trái của thời đại số

TS Hùng đã bắt đầu bằng câu chyện về cuốn sách The book of Veles, và cảnh báo của McKinsey về biến đổi của thị trường việc làm trong thời đại số, như là những đại diện về một phần mặt trái của công nghệ.

Theo TS Hùng, cuốn sách kể trên là của nhiếp ảnh gia Jonas Bendiksen, nói về chuyến khám phá thị trấn Veles ở Bắc Macedonia của ông. Sau khi xuất bản, sách được bán rất chạy. Thậm chí, Bendiksen còn mang cuốn sách của mình đến một cuộc liên hoan ảnh phóng sự nổi tiếng tại Pháp.

Cần dạy sinh viên về rủi ro khi để ‘dấu chân số’ trên không gian mạng - ảnh 2

Bìa The book of Veles và một số hình ảnh giả mạo trong cuốn sách. Đ.V.H

Tuy nhiên, tất cả những hình ảnh và nội dung trong cuốn sách đều là giả, đều được tạo từ những phần mềm đơn giản. Thậm chí, ngay cả lời giới thiệu về cuốn sách, tác giả cũng tự tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo. Nhưng không ai nhận ra đó là cuốn sách giả. Vì thế, Bendiksen đã tự tạo một nick giả trêm Facebook để tự "bóc phốt" mình.

Đây là cách Bendiksen tìm cách đặt ra những câu hỏi quan trọng xoay quanh nhiếp ảnh, về sự dễ dàng trộn lẫn thực và giả. “Vấn đề quan trọng hơn mà Bendiksen đặt ra cho chúng ta, liệu chúng ta đã thực sự quan tâm điều này?”, TS Hùng cho biết.

Tiếp theo, TS Hùng đưa ra con số dự báo từ năm 2020 của McKinsey, một hãng tư vấn hàng đầu thế giới, rằng trong vòng 10 năm (2020 – 2030), khoảng 400 triệu việc làm sẽ bị mất do tự động hóa bằng máy móc.

Còn theo tổ chức lao động quốc tế thì Việt Nam nằm trong nước có nguy cơ cao về việc làm bị ảnh hưởng bởi công nghệ số trong khu vực Đông Nam Á.

Sau câu chuyện này, TS Hùng đặt câu hỏi: “Bạn sẽ dùng công nghệ để nâng tầm mình lên, hay bạn sẽ phải chịu mất việc làm?”.

TS Hùng nói: “Công nghệ đang mang lại cho chúng ta cuộc sống tiện nghi hơn, thoải mái hơn, kết nối và học tập dễ dàng hơn, làm việc linh hoạt hơn. Nhưng nó cũng mang lại cho chúng ta những thách thức. Và hai trong những thách thức tôi vừa nêu ra chỉ là một phần trong mặt trái của công nghệ. Làm thế nào để chúng ta làm chủ công nghệ, dùng công nghệ để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho chúng ta, trường ĐH là nơi có thể giúp sinh viên tìm câu trả lời”.

Cần sử dụng công nghệ thông minh hơn

Được biết, từ năm 2020 Tập đoàn Meta (The Facebook) đã giúp Trường ĐH Khoa học Xã hội – Nhân văn triển khai dự án “Nâng cao năng lực số cho học sinh, sinh viên”. Một phần của dự án này là tích hợp các nội dung đào tạo kỹ năng số từ chương trình Tư duy thời đại số của Tập đoàn Meta vào học phần “Nhập môn Năng lực thông tin”, đồng thời xây dựng khung năng lực số dành cho sinh viên.

Cần dạy sinh viên về rủi ro khi để ‘dấu chân số’ trên không gian mạng - ảnh 3

Sơ đồ khung năng lực số dành cho sinh viên mà nhóm nghiên cứu của TS Đỗ Văn Hùng đề xuất. CHỤP TÀI LIỆU

Sau khi tham khảo nhiều định nghĩa, nhóm nghiên cứu của TS Hùng đã xác định, năng lực số của mỗi cá nhân được phát triển dựa trên các nền tảng của năng lực thấu cảm, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, sáng tạo và đổi mới. Có những năng lực này thì con người sử dụng công nghệ tốt hơn, thông minh hơn, hỗ trợ cuộc sống của ta tốt hơn, học tập tốt hơn.

Xuất phát từ định nghĩa đó, nhóm nghiên cứu đề xuất một khung năng lực gồm 7 nhóm nội dung và 25 tiêu chí với 6 bậc đánh giá cơ bản: ghi nhớ, hiểu, áp dụng, phân tích, đánh giá, sáng tạo.

7 nhóm nội dung (kiến thức và kỹ năng) gồm: vận hành thiết bị và phần mềm, giao tiếp và hợp tác trong môi trường số, an toàn và an sinh số, sáng tạo nội dung số, học tập và phát triển kỹ năng số, sử dụng năng lực số cho nghề nghiệp, khai thác thông tin và dữ liệu.

“Trong quá trình triển khai dự án, khi làm việc với sinh viên, chúng tôi luôn cảnh báo các em: khi bạn tìm kiếm thông tin, bạn luôn nhớ, tất cả thông tin dù xuất hiện ở đâu, từ các kênh chính thức hay mạng xã hội, cũng đều có mục tiêu nào đó. Bạn phải luôn tự hỏi, những thông tin đó sinh ra để làm gì, để từ đó cẩn trọng khi dùng lại thông tin”, TS Hùng chia sẻ.

Khi “dấu chân số” không cho ta quyền “được lãng quên”

Theo TS Hùng, để tăng cường năng lực số cho sinh viên, an toàn và an ninh số là một nhóm nội dung rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn tới tương lai sau này của sinh viên, bao gồm cả đời sống riêng tư cũng như việc các em tham gia thị trường lao động sau này.

Cần dạy sinh viên về rủi ro khi để ‘dấu chân số’ trên không gian mạng - ảnh 4

Sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội – Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội được dạy các nội dung tăng cường năng lực số. HẠNH QUỲNH

Thời đại số khiến cho một số khái niệm bắt đầu xuất hiện, như dấu chân số, danh tính số… Khi mỗi chúng ta sử dụng interenet chỉ bằng một thao thác rất đơn giản như gõ một từ khoá tìm kiếm chẳng hạn, thì nó được lưu lại ngay. Cũng như vậy, khi bạn xem một video clip trên YouTube, hay thả một câu bình luận ở đâu đó… Những “dấu chân số” ấy sẽ là một tập hợp tạo nên “danh tính số” của bạn.

Vì “dấu chân số” mà quyền “được lãng quên” bỗng trở thành một vấn đề nổi cộm. Đó là tình huống một số nhân vật khi bắt đầu thành danh thì bị cộng đồng mạng “đào mộ” quá khứ.

“Ở đời thực chúng ta có quyền được lãng quên. Nhưng trên mạng, một khi chúng ta đã lưu lại dấn chân số thì dường như chúng ta không còn quyền này nữa. Vậy cần phải ứng xử thế nào khi không được lãng quên?”, TS Hùng nêu vấn đề.

Cần dạy sinh viên về rủi ro khi để ‘dấu chân số’ trên không gian mạng - ảnh 5

Tọa đàm và tập huấn năng lực số cho sinh viên tại Trường ĐH Khoa học Xã hội – Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội. HẠNH QUỲNH

Trong tài liệu Cẩm nang phát triển năng lực số cho sinh viên, TS Hùng và nhóm tác giả còn đưa ra cảnh báo về nguy cơ này ảnh hưởng tới “tiền đồ” của sinh viên ra sao khi các em tốt nghiệp ĐH. Theo đó, các nhà tuyển dụng, các công ty có thể tìm kiếm thông tin về ứng viên của mình trên internet, nếu tập hợp “dấu chân số” mang lại ấn tượng xấu về “danh tính số” của ứng viên, thì cơ hội được tuyển dụng của ứng viên bị ảnh hưởng đáng kể.

TS Hùng cho rằng, để phát triển năng lực số cho sinh viên, trường ĐH nên có những môn học chuyên biệt, hoặc tích hợp nội dung này vào các môn học trong từng học phần.

Trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực số cho học sinh, sinh viên”, Trường ĐH Khoa học Xã hội – Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội đã thiết kế một số môn học khá đặc thù cho phát triển năng lực số như năng lực thông tin, nhập môn tin học ứng dụng, năng lưc số nâng cao…

Việc các chương trình đào tạo của trường ĐH dạy học, hoặc tích hợp năng lực số không chỉ giúp sinh viên có được một đời sống vui, khỏe mạnh, an toàn, hạnh phúc trong thời đại số, mà còn trang bị cho các em hành trang kiến thức, kỹ năng số bước vào thị trường việc làm, phù hợp với từng ngành nghề được đào tạo.

Theo Quý Hiên/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)