Trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo hướng “Chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực (NL) và phẩm chất người học” thì việc khuyến khích HS thể hiện bản thân là một phần công việc giảng dạy của GV.
Học sinh xem thông tin trên internet (ảnh minh họa)
Dạy học theo định hướng phát triển NL chính là sự quan tâm đến hoạt động học của HS, qua đó các NL (tự chủ và tự học; giao tiếp và hợp tác; giải quyết vấn đề và sáng tạo và các NL cơ bản) của HS được khai thác, phát huy, hình thành và thể hiện các phẩm chất tốt đẹp.
“Cái tôi” mong manh giữa tiêu cực – tích cực
Tâm lí muốn khẳng định bản thân là sự biểu lộ của “cái tôi” mà ai cũng có qua sự thể hiện bản lĩnh, cá tính, phát huy cao nhất NL cá nhân trong môi trường và lĩnh vực hoạt động của mình. Mỗi người sẽ có cách riêng để thể hiện mình và mang một dấu ấn riêng, tuy nhiên nhìn chung để khẳng định bản thân, mỗi người cần tự tin, tôn trọng chính bản thân mình và tôn trọng người khác để có lợi cho mình và mọi người mà không làm ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội. Đó là phẩm chất cần và đủ để tồn tại trong cuộc đời và vươn lên trong cuộc sống một cách tốt đẹp. HS là những cá nhân cụ thể và luôn là đối tượng muốn khẳng định mình, muốn thể hiện bản thân, chứng tỏ mình đã lớn, đủ khả năng làm những chuyện “đại sự” nhưng lại thờ ơ với những quy định chung của chuẩn mực đạo đức, lối sống và do thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm sống, nhân cách chưa hoàn thiện, chịu ảnh hưởng bởi nhiều tác nhân (nhiều khi là tiêu cực)… nên nếu thiếu định hướng dễ dẫn đến nhận thức sai lệch về những giá trị sống nên thể hiện bản thân một cách lệch lạc, sai lầm. Ranh giới giữa việc nhận thức tự khẳng định bản thân tích cực và “cái tôi” tiêu cực là rất mong manh.
Trong thời kỳ hội nhập cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin với muôn vàn những điều hay và cũng trăm nghìn những điều xấu tiêm nhiễm các em bất cứ lúc nào làm cho HS dễ bị ảnh hưởng các hành vi tiêu cực từ mạng xã hội. Việc thiếu các sân chơi lành mạnh, bổ ích cho HS; nhịp sống nhanh làm cho các mối quan hệ gia đình trở nên ít bền vững hơn, cha mẹ tất bật với “cơm áo gạo tiền” thiếu sự quan tâm, thấu hiểu khiến một bộ phận HS khi ra khỏi nhà trường là thấy trống vắng, cô đơn, buồn chán hoặc với cuộc sống đủ đầy được nuông chiều nên hình thành có thói quen học theo những thói hư tật xấu như đua đòi, kiêu căng, ngạo mạn, tự cao tự đại, tôi là trên hết, hay bị “tự ái” trong giao tiếp… Từ đó HS sẽ sống trong mặc cảm, tự ti hoặc ảo tưởng, tự tâng bốc mình với một cái tôi cá nhân quá cao dẫn đến các biểu hiện khẳng định bản thân một cách lệch lạc, như hành vi hành hung bạn bè rồi quay clip đưa lên mạng xã hội, coi như một “chiến tích” phần nào phản ánh sự xuống cấp của các giá trị đạo đức xã hội khiến dư luận phẫn nộ.
Trách nhiệm của nhà trường và gia đình
Vì thế giáo dục, định hướng HS có tư duy lành mạnh; nhận thức đúng đắn, tích cực về các giá trị sống; hiểu được “cái tôi” cá nhân nằm trong cái chung cộng đồng, từ đó biết sống có mục đích, biết khẳng định bản thân một cách tích cực là trách nhiệm giáo dục của nhà trường và gia đình, trong đó GV giữ một vai trò quan trọng.
Để HS có thể tự tin thể hiện bản thân tích cực thì từ từng tiết học cụ thể trên lớp, mỗi GV phải luôn gợi ý cho HS thấu hiểu là để trưởng thành thì cần chủ yếu là dựa vào NL bản thân, dựa vào thực lực mình có, dựa vào sự tự tin và khát vọng của mình; cần tự hiểu bản thân để làm chủ chính mình, không làm những điều trái với chuẩn mực đạo đức xã hội, phải tự biết mình cần gì và phải làm gì để biết sống thật với bản thân mình và mọi người. Khẳng định bản thân đúng hướng sẽ trở thành nguồn nội lực khổng lồ, giúp vượt qua những gian nan, thử thách trong công việc và cuộc sống. Cần thể hiện bản thân qua học tập và làm việc tích cực; lời nói, giao tiếp vui vẻ, hòa nhã, lành mạnh; quan tâm, đối xử tốt với những người xung quanh; biết cống hiến cho xã hội… Đó là những con đường khẳng định cái tôi được mọi người thừa nhận. Ngoài ra còn cần dạy HS biết nhìn lại chính mình, hàng ngày bình tĩnh nhớ lại việc mình làm để thấy hài lòng với những việc làm có ý nghĩa và hối hận với những việc trái với lẽ phải từ đó hoàn thiện dần nhân cách.
Trong giảng dạy, thông qua các bài kiểm tra và nhận xét đánh giá, GV cần thường xuyên theo dõi và thông báo về sự tiến bộ của HS hướng đến việc đạt được các mục tiêu học tập; khuyến khích HS thực hiện tốt nhiệm vụ học tập; phát hiện, tìm ra những thiếu sót, những nguyên nhân ảnh hưởng xấu đến kết quả để có những giải pháp điều chỉnh kịp thời, giúp cải thiện, nâng cao chất lượng học tập; thường xuyên cung cấp thông tin phản hồi chỉ ra các vấn đề HS cần chỉnh sửa, đồng thời đưa ra lời khuyên cho hành động tiếp theo; gia tăng sự khen ngợi, động viên tạo những cảm xúc tích cực ở HS; không so sánh HS này với HS khác, hạn chế những lời nhận xét tiêu cực, trước sự chứng kiến của các bạn học, để tránh làm thương tổn HS; GV không chỉ đánh giá kiến thức, kỹ năng… mà phải chú trọng đến đánh giá các NL, phẩm chất (tự quản, tự học, hợp tác, giải quyết vấn đề…) để tạo dựng điều kiện cho HS thể hiện bản thân trong giờ học và nuôi dưỡng hứng thú học tập, xây dựng niềm tin cho sự tiến bộ của bản thân mình.
Tránh làm tổn thương “cái tôi” của HS
Nhìn chung, do không thể ngăn chặn ý hướng khẳng định bản thân của HS và không thể làm tổn thương “cái tôi” đó, vì điều đó có thể tạo cho HS sự ức chế tâm lý, làm phát sinh nhiều hậu quả không thể lường được nên để định hướng HS phát triển và thể hiện bản thân chuẩn mực, GV cần biết lắng nghe để hiểu được và tôn trọng những suy nghĩ, tâm tư tình cảm, ước muốn của HS. Tôn trọng tinh thần độc lập, tư duy sáng tạo của mỗi HS; cần biết được HS đang nghĩ gì, cần gì để có cách chia sẻ, động viên, khích lệ phù hợp, có cách dẫn dắt để giúp HS trưởng thành hơn trong nhận thức; cần có sự đối xử công bằng để tránh hiểu lầm, sống thụ động hoặc nổi loạn; điều chỉnh kịp thời những nhận thức sai lầm, những tư duy lệch lạc của HS để giúp mỗi HS có cách thể hiện cái tôi một cách tích cực, biết khẳng định bản thân bằng những hình thức đúng đắn, tạo được ấn tượng đẹp đối với người khác, có lợi cho bản thân, gia đình và xã hội.
Trần Đăng Huy (TP.Cần Thơ)
Bình luận (0)