Từ quy mô 42 lớp học, sau 7 năm Trường TH Ngô Quyền (Q.Bình Tân) đã tăng lên đến 106 lớp, với tổng số 5.170 học sinh – gấp 4 lần quy mô 1 trường tiểu học bình thường…
Sĩ số học sinh/lớp ngày càng tăng, giáo viên đứng lớp rất cần sự đồng hành từ phía phụ huynh
Sau 7 năm, trường “nở” ra thêm 64 lớp
Năm học 2022-2023, Trường TH Ngô Quyền có 5.170 học sinh, với quy mô 106 lớp học. Trong đó có 50 lớp bán trú và 56 lớp 1 buổi. Trường có 78 phòng học và 10 phòng chức năng. Sĩ số trung bình là 49 học sinh/lớp, ở những lớp bán trú tỷ lệ sẽ cao hơn, dao động từ 54-55 học sinh/lớp.
Thầy Võ Phương Bình – Hiệu trưởng Trường TH Ngô Quyền chia sẻ, địa bàn trường nằm trong khu vực với 3 khu công nghiệp, nhu cầu gửi trẻ mỗi năm mỗi cao. Năm ngoái, con số học sinh toàn trường là 4.931 em. Do cơ sở vật chất phòng học không đáp ứng đủ 100% học sinh học 2 buổi/ngày, vì vậy để thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở các khối lớp 1, 2, 3 trường thiết kế học sinh lớp 1 buổi được học 7 buổi/tuần. Trong đó, sáng học chính khóa và chiều học kỹ năng sống, tiếng Anh, tin học…
“Áp lực lớn nhất đó là về công tác quản lý, quản trị nhà trường khi quy mô trường gấp gần 4 lần trường bình thường, khối lượng công việc tăng gấp 4 lần song nhân sự không tăng lên. Vì thế, Ban Giám hiệu nhà trường phải thay nhau gồng gánh thêm, làm đến 9-10 giờ tối mới về”, thầy Bình nói.
Đặc biệt, theo thầy Bình, áp lực về phía giáo viên cũng rất lớn khi sĩ số học sinh/lớp quá đông, vượt chuẩn đến 20 học sinh/lớp, đòi hỏi thầy cô phải sáng tạo, đổi mới, linh hoạt trong phương pháp giảng dạy, để làm sao tương tác tiếp cận đến tất cả học sinh. Ngoài ra, việc đó còn là tương tác với phụ huynh để nắm bắt kịp thời học sinh.
“Năm học 2021-2022, do ảnh hưởng của dịch nên phần nào ảnh hưởng đến kết quả học sinh cuối năm. Toàn trường có 0,7% học sinh chưa hoàn thành chương trình học. Số học sinh ở lại lớp toàn trường là 36 em, trong đó riêng lớp 1 là 23 em. Điều này càng đặt áp lực lên giáo viên trong năm học này. Ngoài ra, tâm lý học sinh trong bối cảnh dịch bệnh cũng phần nào bị tác động, cũng trở thành áp lực đặt ra thêm cho thầy cô”, thầy Bình nêu rõ.
Để hóa giải áp lực cho giáo viên, thầy Võ Phương Bình cho biết trong năm học trường tăng cường tuyên truyền vận động giáo viên, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ để thầy cô vững tay trong đứng lớp, mạnh dạn đổi mới. Đặc biệt là đẩy mạnh kết nối với chuyên gia tâm lý, giáo dục nhằm tháo gỡ những khó khăn cho phụ huynh trong giáo dục trẻ, giúp phụ huynh nhìn nhận đúng vai trò, trách nhiệm trong đồng hành với giáo viên. Cạnh đó, ngay đầu năm học nhà trường xây dựng kế hoạch phụ đạo học sinh. Tận dụng CNTT trong liên lạc với phụ huynh. Tới đây, trường cũng sẽ triển khai việc giảng dạy trực tiếp kết hợp với dạy trên internet ở một số hoạt động giáo dục như kỹ năng sống để tăng cường, bổ trợ thêm kỹ năng cho học sinh…
Càng áp lực, càng cần sự đồng hành của phụ huynh
Năm nay, lớp 2/10, Trường TH Ngô Quyền có sĩ số 55 học sinh – tăng 3 học sinh so với năm trước, là lớp học 1 buổi. Khoảng gần 10% học sinh trong lớp còn yếu, chậm do ảnh hưởng của dịch trong năm học vừa qua. Con số này của năm học trước chỉ dưới 5%.
Ngoài áp lực về sĩ số học sinh đông, học sinh chỉ được học 1 buổi, cô Nguyễn Thị Thúy Liễu (giáo viên chủ nhiệm lớp) cho hay, năm học này giáo viên còn phải đối diện với áp lực về tỷ lệ học sinh yếu, chậm có tăng lên do ảnh hưởng của dịch. Để việc giảng dạy đáp ứng được yêu cầu phát huy phẩm chất, năng lực học sinh theo Chương trình GDPT 2018, giáo viên sẽ phối hợp nhiều hơn với phụ huynh, trao đổi với phụ huynh hướng dẫn trẻ xem và chuẩn bị bài ở nhà trước khi lên lớp. Trên lớp học, giáo viên tích cực tổ chức các hoạt động, tương tác nhiều hơn với học sinh trong giờ học.
“Cái hay của Chương trình GDPT 2018 là kiến thức bài học vận dụng thực tế rất nhiều, giúp các em học thích thú và dễ dàng tiếp thu kiến thức. Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi sự phối hợp với phụ huynh nhiều hơn nữa. Sau mỗi tiết học, tôi sẽ cho học sinh ghi dặn dò vào vở để nhờ phụ huynh hỗ trợ thêm những phần kiến thức các con đã học trên lớp và xem trước những phần nội dung mới. Ngoài ra, group Zalo của lớp cũng được giáo viên tận dụng, trao đổi thêm với phụ huynh để hỗ trợ giúp các em có thể dễ dàng vận dụng thực tế kiến thức trong bài học”, cô Liễu nói.
Cô Thúy Liễu nhìn nhận, chính sự phối hợp này đã phần nào giúp bớt áp lực cho giáo viên khi sĩ số lớp học đông. Chỉ những bạn học sinh trung bình, kém mới cần nhiều đến sự hỗ trợ, gợi ý từ giáo viên. Ngay buổi họp đầu năm, giáo viên sẽ hướng dẫn cách phụ huynh phối hợp với cô như thế nào, cách hỗ trợ con chuẩn bị bài ở nhà ra sao, hướng dẫn phụ huynh một số cách vận dụng thực tế từ bài học trên lớp để phụ huynh có thể học cùng với các con. Nhờ vậy, khi lên lớp, các con rất hăng hái phát biểu, thích thú…
Đỗ Yến
Bình luận (0)