Tỉ lệ sinh viên ĐH “đạo văn” ở một số trường ĐH VN chiếm tỉ lệ cao so với thế giới. Nhiều học viên cao học cũng bị hủy luận văn thạc sĩ, bài báo khoa học vì hành vi này.
Kết quả khảo sát tình trạng “đạo văn” của Trường ĐH Duy Tân – Ảnh: Minh Giảng – Đồ họa: V.Cường |
Đây là những thông tin được đại diện một số trường ĐH đưa ra trong hội nghị “Liêm chính học thuật” do Trường ĐH Hoa Sen tổ chức ngày 29-5. Tùy từng trường hợp, “đạo văn” được xác định là hành vi sao chép hoàn toàn hoặc một phần nội dung bài viết hay tác phẩm của người khác vào sản phẩm của mình.
Trên 70% sinh viên “đạo văn”
Ông Võ Thanh Hải – phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân – đưa ra số liệu khảo sát sinh viên khi mới nhập học tại trường này với câu hỏi: “Bạn từng sao chép nguyên bản bài viết của các tác giả trên mạng, sách tham khảo, giáo trình… một đoạn văn hay nhiều hơn 1/2 trang… mà không trích dẫn chưa?”.
Theo đó, chỉ có 16% câu trả lời không, còn lại đều cho biết mình có thực hiện việc này. Trong đó 13,5% cho biết thực hiện nhiều lần, 12% thường xuyên thực hiện, 49% có thực hiện và 9,5% ít thực hiện. Về lý do không ghi trích dẫn khi sao chép nội dung từ bài viết của tác giả khác, 36% cho rằng mình không biết phương pháp trích dẫn, 12% không nhớ tác giả là ai, 21% cho biết vì áp lực tiến độ thực hiện, 9% không quan tâm đến việc trích dẫn…
Trong khi đó, nhóm tác giả Trường ĐH Hoa Sen đã thực hiện công trình nghiên cứu về hành vi “đạo văn” của sinh viên trường. Kết quả đưa ra rất đáng báo động. Nghiên cứu được thực hiện trên 681 bài luận môn học của sinh viên các ngành nhân lực, du lịch, tài chính, kế toán, kinh doanh và marketing. Theo TS Đỗ Bá Khang – người thực hiện nghiên cứu, mức độ tương đồng của các bài luận này trung bình là 29%, đây là một tỉ lệ cao so với thế giới. “Trên thế giới người ta có các điểm cắt từ 10-20% (sự tương đồng), có nơi nếu mức độ tương đồng chỉ 5% cũng bị xem là đạo văn. Vì thế mức trung bình 29% của sinh viên Trường ĐH Hoa Sen như vậy là khá cao” – ông Khang nói. Cũng theo kết quả nghiên cứu này, nếu lấy mức tương đồng ở mức 20% thì có đến 73% bài luận có “đạo văn” và ở 15% có đến 84% số bài luận “đạo văn”. Các bài luận dài có tỉ lệ “đạo văn” nhiều hơn so với các bài luận ngắn.
Ngược lại, Trường ĐH Hàng hải VN chưa kiểm tra sinh viên “đạo văn”, chỉ tập trung kiểm tra hành vi “đạo văn” của giảng viên, những người có học hàm, học vị tại trường cũng như các học viên cao học. TS Trần Long Giang – phó viện trưởng Viện nghiên cứu Trường ĐH Hàng hải VN – cho biết trường kiểm tra sao chép trong công tác thẩm định các giáo trình, kiểm tra sao chép đồ án tốt nghiệp của sinh viên cao học và kiểm tra sao chép các bài báo đăng trên tạp chí Khoa Học Công Nghệ Hàng Hải. Kết quả, theo ông Giang, một số luận văn thạc sĩ đã bị hủy vì có tỉ lệ tương đồng với các tài liệu khác. Nhiều bài báo khoa học có tỉ lệ tương đồng cao hơn quy định cũng bị trường trả lại cho người viết, không gửi cho tạp chí khoa học.
Sử dụng phần mềm kiểm tra “đạo văn”
Nhằm ngăn ngừa hành vi này, một số trường ĐH đã sử dụng phần mềm kiểm tra sự tương đồng. Theo đó, các bài báo, công trình nghiên cứu, giáo trình, luận văn… sẽ được đưa vào phần mềm này. Với dữ liệu toàn thế giới, phần mềm sẽ đọc và so sánh sự tương đồng của bài viết với các bài viết đã công bố chính thức trước đó trong nguồn dữ liệu, từ đó đưa ra kết quả tương đồng. Phần mềm cũng chỉ rõ phần tương đồng này đã được trích trong tài liệu nào. Tùy vào đặc thù của mình, mỗi trường sẽ quy định tỉ lệ phần trăm bao nhiêu thì bị xem là “đạo văn”.
TS Đỗ Bá Khang cho biết khi tiến hành nghiên cứu về “đạo văn”, sinh viên hoàn toàn không biết gì về việc trường sẽ sử dụng phần mềm này để kiểm tra. Sau khi có kết quả trường sẽ thông báo rộng rãi về việc áp dụng phần mềm này trong toàn trường. Mỗi sinh viên được cấp một tài khoản trên phần mềm. Sinh viên sẽ phải nộp các báo cáo, bài viết của mình qua phần mềm này để kiểm tra sự tương đồng. Tỉ lệ tương đồng trong các báo cáo của sinh viên đã giảm hẳn. Ông Khang cũng cho rằng đây là công cụ giữ vai trò ngăn ngừa “đạo văn” và cần có sự hợp tác của nhiều trường ĐH để ngăn ngừa tình trạng này.
Trong khi đó, ông Trần Long Giang cho biết trường bắt đầu áp dụng phần mềm này từ cuối năm 2014. Phần mềm còn có một số hạn chế như cơ sở dữ liệu tiếng Việt của phần mềm này cho lĩnh vực kỹ thuật (ví dụ: xây dựng, cơ khí, tự động hóa…) còn chưa phong phú, do vậy vẫn còn hiện tượng bỏ sót khi kiểm tra “đạo văn”, phí bản quyền cao.
Tuy nhiên, việc sử dụng phần mềm kiểm tra “đạo văn” đã giúp nâng cao chất lượng của các bài báo đăng trên tạp chí khoa học, trích dẫn đầy đủ, có độ tin cậy cao; hạn chế sự sao chép luận văn tốt nghiệp của học viên cao học, giáo trình chuyên môn do đội ngũ giảng viên nhà trường biên soạn được nâng cao về mặt chất lượng.
Internet càng phát triển, “đạo văn” càng phổ biến! Theo các chuyên gia, nạn “đạo văn” không mới nhưng trong thời đại Internet ngày càng phát triển, hành vi này ngày càng phổ biến hơn bởi tính thuận tiện và chi phí rẻ. Hành vi này ngăn cản sự phát triển các kỹ năng quan trọng của sinh viên như đọc – viết, kỹ năng nghiên cứu, phân tích và hệ thống vấn đề, khả năng sáng tạo, phản biện, phản ánh không chính xác năng lực của người học, người nghiên cứu… Để hạn chế tình trạng “đạo văn”, một đại biểu cho rằng cần phải sinh hoạt với sinh viên về vấn đề này, đưa vào nội dung chương trình chính khóa học phần phương pháp luận, tăng cường các học phần mang tính sáng tạo cho người học, đổi mới phương pháp đánh giá quá trình học tập của sinh viên, xây dựng phần mềm chống “đạo văn” và xử lý nghiêm các hành vi “đạo văn”. Việc xử lý hành vi “đạo văn” không nhằm mục đích kỷ luật mà là giáo dục, nâng cao ý thức. |
MINH GIẢNG (TTO)
Bình luận (0)