Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

90% bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi do hút thuốc lá

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng nay 30-5, tại TPHCM, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25 đến 31-5).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Chánh Văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 giảm tỷ lệ người hút thuốc lá trưởng thành từ 47,4% xuống còn 39%. Chúng ta phải phấn đấu nỗ lực để xây dựng một môi trường lành mạnh, không khói thuốc ở tất cả cơ sở trường học, bệnh viện, cơ quan, xí nghiệp, ở những nơi đông người.

Đi bộ hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá tại TPHCM

Việt Nam hiện nay là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Trung bình 2 nam giới từ 15 tuổi trở lên thì có 1 người hút thuốc lá. Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành vào năm 2010, tại Việt Nam, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 47,4%, ở nữ giới là 1,4%. 2/3 phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc ở nhà. 33 triệu người Việt Nam không hút thuốc nhưng thường xuyên phải hít phải khói thuốc lá từ những nơi công cộng như bến xe, nhà ga… 

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, Việt Nam là nước thứ 47/180 quốc gia phê chuẩn Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá vào năm 2004. Sau 10 năm thực hiện Công ước khung, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ như giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá; ban hành Luật phòng, chống tác hại thuốc lá; ban hành Chiến lược quốc gia về Phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020 đồng thời nhân rộng các mô hình môi trường không khói thuốc lá…Việt Nam cũng thực hiện quy định cấm quảng cáo thuốc lá trực tiếp đến người tiêu dùng dưới mọi hình thức và sẽ tăng thuế thuốc lá từ 65% lên 70% kể từ ngày 1-1-2016.

Theo tổ chức Y tế Thế giới, 90% bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi, 75% bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là do sử dụng thuốc lá.

Tin, ảnh: Nguyễn Trung

(SGGP)

Bình luận (0)