Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đã cận kề, tuy nhiên sức mua hàng Tết tại các chợ truyền thống không hề tăng. Lo sợ tình trạng mua bán ế ẩm, các tiểu thương không dám trữ hàng như mọi năm.
Chợ An Đông đìu hiu, tiểu thương ngồi chờ khách
Lượng khách giảm 70-80%
Ghi nhận của chúng tôi tại các chợ chuyên bán sỉ hàng hóa phục vụ tết như bánh, mứt, đồ khô… cho thấy khá vắng người mua.
Tại chợ Bình Tây, khu vực bán hàng Tết như bánh, kẹo, đồ khô, quần áo rất đìu hiu. Chẳng hạn như sạp Loan Hương, hàng Tết được trưng bày ngăn nắp, giá được dán lên từng loại hàng: hạt dưa – 170.000đ/kg, hạt điều lớn – 250.000đ/kg, hạt óc chó – 150.000đ/kg… Dù hàng hóa có nhãn mác rõ ràng nhưng lâu lâu mới có khách ghé coi. Cô Nguyễn Thị Loan (chủ sạp) cho biết: “Năm ngoái, thời điểm này bán rất hút khách, mối đến mua hàng nườm nượp, hàng bán ra không kịp. Nhiều tiểu thương từ các tỉnh miền Tây cũng lên đây để xem hàng, mua về dự trữ bán Tết. Tuy nhiên thời điểm hiện tại bán rất ế, lượng khách hàng giảm khoảng 70%”.
Kế bên sạp Loan Hương là sạp Hồng Trúc cũng chung cảnh ngộ. Các sản phẩm phục vụ Tết đều được niêm yết giá như kẹo bắp – 70.000 đồng/kg; mít khô – 180.000 đồng/kg, hạt điều 130.000 đồng/kg, rong biển cháy mè – 270.000 đồng/kg, đậu phộng tỏi ớt – 100.000 đồng/kg, sen sấy – 320.000 đồng/kg, vỏ hạnh nhân – 220.000 đồng/kg, hạt dẻ – 300.000 đồng/kg… “Với khách lẻ tôi bán giá này, còn khách sỉ giá thấp hơn nhưng lượng đơn hàng bán ra mỗi ngày rất ít. Hơn 10 năm bán hàng ở đây, chưa bao giờ tôi thấy cảnh hàng Tết ế ẩm như thế này. Mọi năm, khách đến mua hàng bán không kịp thở, tôi phải thuê thêm 3 người phụ. Không chỉ có khách vãng lai, một số khách mối mua nhiều phải đặt hàng trước cỡ nửa tháng mới có. Năm nay, ngồi mãi chỉ có vài khách/ngày. Nhiều người đến sạp hỏi giá rồi lẳng lặng bỏ đi, không mua”, chị Trúc chủ sạp – buồn bã.
Mọi năm rất nhiều tiểu thương ở các tỉnh, thành phía Nam tới TP.HCM lấy sỉ hàng Tết về bán nhưng năm nay số lượng này giảm mạnh.
“Nếu năm ngoái có 10 người tới TP.HCM nhập hàng thì năm nay còn chừng 2, 3 người. Một phần do họ sợ dịch bệnh lây lan, phần khác do giãn cách xã hội kéo dài thu nhập bị ảnh hưởng nên họ không có khả năng dự trữ hàng. Với lại hàng Tết thường có hạn sử dụng rất ngắn, nếu mua về bán không kịp, hết hạn sử dụng xem như bỏ”, chị Đào tiểu thương chợ Bình Tây chuyên bán hàng Tết cho biết.
Tại chợ An Đông, thời điểm này những năm trước khách ra vào mua bán nhộn nhịp, chật kín lối đi nhưng năm nay lại quá đìu hiu. Khi được hỏi về tình hình kinh doanh tại chợ, nhiều tiểu thương đều than “quá ế”.
Chị Lý Thị Kiều Oanh (chủ sạp Kiều Oanh) cho biết, chị bán các loại dưa mắm, dưa kiệu, cà pháo… Đây là mặt hàng bán được vào ngày thường lẫn dịp Tết. Tuy nhiên từ khi chợ hoạt động trở lại sau thời gian dài đóng cửa phòng chống dịch bệnh Covid-19, hàng hóa bán ra rất chậm. “Những khách quen từ tỉnh lên nhập hàng cũng không thấy. Số lượng đơn hàng giảm 70-80%. Tình cảnh này kéo dài tôi e rằng tiểu thương như chúng tôi sẽ không trụ nổi”, chị Oanh tâm tư.
Các chợ Tân Định, Bến Thành (Q.1), Thủ Đức (TP.Thủ Đức), Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình)… cũng rất đìu hiu, người bán nhiều hơn người mua. Các khu vực bánh mứt, quần áo, quà lưu niệm… chỉ có chủ sạp.
Chị Lý Kim Chi – chủ sạp Kim Chi, chợ Bến Thành – cho biết: “Thời điểm này của những năm trước, khách Việt Nam lẫn nước ngoài đều mua hàng tấp nập. Hàng hóa nhập về liên tục không kịp bán nhưng hiện tại chỉ bán cầm chừng. Đợi hết hợp đồng, tôi sẽ trả sạp vì không thể trụ nổi”.
Giá tăng, không dám nhập hàng
Nhiều tiểu thương cho biết, hàng Tết năm nay không đa dạng như mọi năm, đa phần là những mặt hàng quen thuộc như: mứt bí, mứt dừa, kẹo bắp, kẹo dưa hấu, hạt dưa… Không chỉ vậy, nguồn hàng nhập về cũng gặp nhiều khó khăn, giá cả tăng liên tục.
“Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hàng nhập khẩu khan hiếm, chủ yếu là hàng Việt Nam. Giá vận chuyển tăng dẫn đến hàng nhập vào cũng tăng theo”, anh Hùng Cường – tiểu thương bán bánh, mứt tại chợ Bến Thành – cho biết.
Anh Huỳnh Tuấn Anh – sạp Bá Thành chợ Bình Tây (chuyên bán gia vị tổng hợp) – cũng cho biết: “Nấm mèo 170.000 đồng/kg lên 180.000 đồng/kg; nấm đông cô lớn bình thường có giá 310.000, 320.000 đồng/kg nay lên 350.000 đồng/kg… Giá nhập vào lên liên tục, bắt buộc chúng tôi phải tăng giá bán ra như vậy mới có lời. Đó cũng là một trong những lý do hàng bán ra rất chậm”.
Sạp Bá Thành (chuyên bán gia vị tổng hợp tại chợ Bình Tây) chỉ lác đác vài khách đến mua
Do giá hàng hóa tăng, cộng thêm hàng bán ra chậm nên các tiểu thương ở các chợ không dám nhập nhiều hàng Tết. Chị Trần Thị Trúc Linh (tiểu thương chuyên kinh doanh các mặt hàng tôm khô, mực khô, bò khô…) ngao ngán: “Nếu như trước đây bán được cho 10 khách thì giờ chỉ bán được 3, 4 khách. Giá các mặt hàng tăng hơn so với những năm trước, chợ vắng khách, hàng hóa phục vụ Tết đều có hạn sử dụng rất ngắn nên tôi cũng không dám dự trữ hàng nhiều…”.
Anh Lê Văn Hùng (sạp Hùng Hạnh, chợ Bình Tây) chia sẻ: “So với năm ngoái, đơn hàng năm nay của tôi chỉ được khoảng 40%, phần lớn là mối quen. Nhận thấy tình hình chưa khả quan nên tôi chỉ dám nhập hàng về kiểu bán tới đâu nhập tới đó chứ nhập nhiều lỡ bán không hết thì bỏ, lỗ vốn”.
Nằm ngay mặt tiền nên sạp Thu Hồng là một trong những sạp bán được nhiều hàng nhất tại chợ Bình Tây trong thời điểm này. Tuy nhiên, “Lượng khách của tôi giảm khoảng 70%. Nếu những năm trước có 10 khách từ tỉnh lên TP mua hàng về bán Tết thì năm nay có chừng 2, 3 người. Đây là tình hình chung, bởi ai cũng lo bán hàng không được. Với lại thời điểm giãn cách kéo dài, người dân đã hết tiền nên nhu cầu mua sắm Tết không như mọi năm”, chị Thu Hồng (chủ sạp) nói.
Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, các chợ truyền thống tại TP.HCM ngưng hoạt động nhiều tháng trời. Khi được hoạt động trở lại, các tiểu thương vô cùng vui mừng vì có công ăn việc làm, họ kỳ vọng nhất vào dịp Tết. Tuy nhiên hiện tại tình hình mua bán không mấy khả quan, ít nhiều ảnh hưởng đến tâm trạng của tiểu thương…
Song Hồ
Bình luận (0)