Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều người lo ngại Tết năm nay hàng hóa sẽ khan hiếm, giá cả leo thang. Tuy nhiên, trái ngược với lo lắng của người tiêu dùng, thị trường Tết năm nay khá bình ổn, hàng hóa lại đa dạng về chủng loại và mẫu mã…
Người tiêu dùng chọn mua giỏ quà tại Co.op mart. Ảnh: H.Triều
Bình ổn, giảm giá để kích cầu tiêu dùng
Nhận định về thị trường Tết 2022, theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, có thể không sôi động bằng năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sức mua sẽ không bằng những năm trước. Tuy nhiên, sức mua vẫn ở mức tăng tương đối khi có rất nhiều người lao động, nhất là công nhân sẽ ở lại TP đón Tết. Đây là những cơ sở kỳ vọng sức mua sẽ tốt lên trong những ngày cuối năm.
Về phía các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ như siêu thị đã phát triển các mặt hàng mới, thực hiện bình ổn, giảm giá, tăng mẫu mã… để thu hút khách hàng.
Cụ thể Sài Gòn Food đã thay đổi mục tiêu chiến lược, đặc biệt là chiến lược phát triển sản phẩm mới hướng đến bữa ăn thiết yếu của người Việt với những món thân quen như bún phở, mì hủ tiếu… Tết Nhâm Dần 2022, đơn vị đã tung ra thị trường các dòng sản phẩm xốt trộn và nước dùng canh với tiêu chí giá hợp lý, hợp khẩu vị, tiện lợi đôi đường. Bà Nguyễn Thị Thu Trinh – Phó Tổng Giám đốc Sài Gòn Food – cho biết: “Các sản phẩm này rất tiện lợi, phù hợp với mọi người, mọi nhà và mọi hoàn cảnh”.
Vựa cây kiểng Minh Tân. Ảnh: P.Cát
Ông Nguyễn Ngọc Thắng – Giám đốc Khối vận hành hoạt động Co.opmart – cũng cho biết, nhằm tích cực đồng hành cùng những khó khăn của người tiêu dùng sau dịch, toàn hệ thống bán lẻ của đơn vị cố gắng giữ và giảm giá trong giai đoạn cuối năm. Đặc biệt, thực hiện chuỗi chương trình giảm giá trực tiếp đến 50% cho hàng ngàn sản phẩm Tết; 10 ngày cận Tết có thể tiếp tục giảm giá sâu hơn để giảm áp lực mua sắm cho người dân, duy trì song song các chương trình khuyến mãi tặng quà, tặng điểm thưởng mức cao, tặng phiếu mua hàng… Ngoài ra, những ngày cận Tết, Saigon Co.op sẽ tăng cường nhóm hàng thực phẩm tươi sống, các món chế biến sẵn để gia tăng tính tiện lợi và tiết kiệm thời gian cho người tiêu dùng.
Hiện hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đang triển khai chương trình giảm giá khuyến mãi 8 tuần liên tục đối với các ngành hàng đồ dùng, may mặc, hóa mỹ phẩm, thực phẩm công nghệ… để kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh người dân đang thắt chặt chi tiêu. Bên cạnh đó thực hiện chính sách khuyến mãi cho khoảng 2 triệu giỏ quà Tết, được gói theo yêu cầu của khách hàng và doanh nghiệp…
Chợ truyền thống cũng giảm giá
Sau ngày 1-10-2021, các chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM cũng dần dần hoạt động chợ lại. Thời gian đầu số sạp vẫn còn thưa thớt nhưng những ngày cuối năm thì đông hơn. Để tạo sức mua, các tiểu thương đều tranh thủ giảm giá 5-10% các mặt hàng bánh mứt, đồ khô, rượu bia, nước ngọt, đặc sản vùng miền, quần áo, giày dép…
Không những thể, ghi nhận tại một số chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), Bình Tây (Q.6), Bến Thành (Q.1) cho thấy, các mặt hàng phục vụ Tết khá dồi dào. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, TP phải giãn cách trong một thời gian dài, nhiều người lao động bị sụt giảm thu nhập nên cũng còn dè dặt trong chi tiêu mua sắm. Theo đó, hiện sức mua tại các chợ truyền thống không được sôi động như mọi năm.
Tại chợ Bình Tây, hiện mỗi ngày sạp Hồng Phượng bán được khoảng 10-15kg các loại hạt, bánh mứt nhưng chủ yếu cho khách mua sỉ về tỉnh bán. Bà Phượng Bảy – chủ sạp Hồng Phượng – cho biết: “Số lượng này chỉ bằng 1/3 so với các năm trước. Khách mua ít và lượng khách lui tới cũng không đông, chủ yếu người quen. Dù đã giảm giá nhưng hàng bán vẫn không chạy. Năm trước tôi thuê 2 nhân viên bán luôn tay, năm nay thuê 1 nhân viên vẫn rảnh rang. Mấy chục năm trời kinh doanh chưa năm nào bán ế như vậy”.
Hầu hết các mặt hàng tại sạp Hồng Phượng đều giảm từ 10-20 ngàn đồng/kg. Như hạt dưa loại nhỏ, 180 ngàn đồng/kg còn 160 ngàn đồng/kg; bánh ngũ cốc 160 ngàn còn 140 ngàn đồng/kg; da cá hồi 280 ngàn còn 260 ngàn đồng/kg..
Tại chợ Bến Thành, bà Mai Hoa – chủ sạp tạp hóa – cho hay: “Mặc dù là cận Tết như nhưng lượng hàng bán ra vẫn chưa bằng ngày bình thường của những năm trước. Tuy nhiên, được mở bán có đồng ra đồng vào là chúng tôi mừng rồi. Nhiều tiểu thương trong chợ nói với nhau hãy ráng lên để có thu nhập tiêu Tết”…
Ngoài các mặt hàng thực phẩm thì hoa, cây kiểng cũng là mặt hàng có sức tiêu thụ mạnh trong dịp Tết. Tuy nhiên cũng như bánh kẹo, mứt…, sức mua cây kiểng, hoa tươi vẫn còn rất chậm.
Nhiều mặt hàng trang trí Tết bày bán tại chợ Bình Tây. Ảnh: P.Cát
Tại vựa cây kiểng Minh Tân (đường Mai Chí Thọ, P.An Phú, TP.Thủ Đức), kiểng chưng Tết năm nay vẫn chủ đạo là bưởi diễn đã được bày bán. Tán cây vừa phải nhưng quả sai trĩu, màu vàng ươm rất đẹp.
Ông Trần Minh Tuấn – chủ vựa Minh Tân – cho biết: “Năm trước tôi nhập khoảng 150 cây về bán thì năm nay nhập chỉ một nửa. Bởi tác động của đợt dịch lần thứ tư lên đời sống người dân thể hiện rõ nét, ai cũng khó khăn, chắc chắn xu hướng người tiêu dùng sẽ tiết kiệm nên vựa quyết định giảm số lượng. Hơn nữa, giá loại kiểng này khá đắt, dao động từ 8-40 triệu đồng/chậu nên kén người chơi, chưa kể tính thêm phí vận chuyển từ ngoài Bắc vào tới đây còn cao hơn nữa vì thế vựa không dám mạo hiểm”.
Theo ông Tuấn, những ngày này khách đến mua rải rác, chỉ nhộn nhịp từ sau ngày 20-12 âm lịch. Bưởi diễn chỉ để được trong nhà từ ngày 25 Tết, nếu mang vào sớm, thiếu nắng quả sẽ rụng vì thế khách mua hiện nay chủ yếu nhà biệt thự có sân vườn.
Để thu hút người mua, năm nay ông Tuấn bán giá mềm hơn so với năm trước. Ông cũng trông mong vào khách quen sẽ tiếp tục quay lại đặt hàng.
Thời điểm này các phụ kiện trang trí Tết, phong bao lì xì cũng tràn ngập các chợ, các tuyến phố. Mẫu mã đẹp mắt và giá cả phải chăng để thu hút người mua…
Phú Cát
Bình luận (0)