Buổi thuyết trình của sinh viên Khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Ảnh: Anh Khôi |
Vì sao giáo viên (GV) không biết cách tổ chức dạy học cho học sinh (HS)? GV thường “rối tinh” với các phương pháp dạy học mới như bàn tay nặn bột, trường học mới VNEN, dạy học theo chuyên đề? Lỗi này thuộc về các trường sư phạm.
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển tại Hội nghị đổi mới công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý và GV trong các cơ sở đào tạo GV do Bộ GD-ĐT tổ chức vừa qua tại Hà Nội. Trước yêu cầu đổi mới chương trình – sách giáo khoa (CT-SGK) sau 2015, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đề nghị các trường sư phạm phải cấp thiết đổi mới CT đào tạo để 4 năm nữa, sinh viên (SV) ra trường có thể “bắt tay” luôn vào giảng dạy CT-SGK mới.
Lỗi tại các trường sư phạm
Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, CT-SGK hiện hành được thực hiện từ năm 2002 đến nay và đã bộc lộ nhiều hạn chế. Bên cạnh nguyên nhân khách quan do điều kiện về khoa học công nghệ, khả năng tiếp cận tri thức thế giới thì một bài học chủ quan được rút ra đó là muốn đổi mới CT-SGK thành công phải có sự tham gia của các trường sư phạm. Khi thực hiện viết CT-SGK hiện hành, các trường sư phạm chưa chủ động vào cuộc. Chính vì vậy, đi vào thực tiễn, GV không thực hiện được những yêu cầu của CT-SGK đề ra. GV lúng túng trước các phương pháp dạy học mới như bàn tay nặn bột, trường học mới VNEN, dạy học tích hợp theo chuyên đề. GV không biết cách tổ chức dạy học. Ông Hiển lấy ví dụ GV đưa HS đi tham quan bảo tàng, ngoài việc nghe hướng dẫn viên giới thiệu, GV không biết sẽ phải lên kế hoạch để HS có thể khai thác được những dữ liệu như thế nào phục vụ bài học. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định lỗi này thuộc các trường sư phạm. Các trường không dạy cho giáo sinh của mình điều này.
Thứ trưởng Hiển cũng nhấn mạnh SV sư phạm không được thở, được sống với những vấn đề của đời sống xã hội hiện nay, không có những trăn trở với những tiêu cực trong đời sống, không có sự trắc ẩn và tham gia giải quyết những vấn đề khác nhau đang diễn ra, sẽ khó có thể trở thành những GV am hiểu, tâm huyết với giáo dục và biết yêu thương HS. Đào tạo ra GV mà không biết cách nhận xét HS tiểu học, chỉ “cộp dấu” để nhận xét cho nhanh thì không thể chấp nhận được. “Nội dung dạy cho SV sư phạm hóa phải khác với nội dung dạy SV ngành hóa học của trường tự nhiên. Nhưng hiện nay, không có sự khác biệt giữa cơ sở đào tạo sư phạm và các cơ sở đào tạo ngành khoa học cơ bản khác. Tại các trường sư phạm, giảng viên sư phạm không rõ trường phổ thông đang dạy gì, sẽ có gì thay đổi về mục tiêu, nội dung dạy học. Vì thế sản phẩm của trường sư phạm – những GV phổ thông vừa tốt nghiệp – cũng mơ hồ với thực tiễn giáo dục tại trường phổ thông” – Thứ trưởng Hiển cho biết. Thừa nhận của lãnh đạo một số trường sư phạm tại hội thảo cũng cho thấy hầu hết các trường sư phạm vẫn chưa xây dựng, điều chỉnh được nội dung CT để phù hợp với định hướng đổi mới giáo dục phổ thông “chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất người học”, việc đổi mới phương pháp dạy học của giảng viên không có nhiều chuyển biến. Giảng viên trường sư phạm chưa biết cách tổ chức cho SV học tập, nghiên cứu khoa học. Chính vì thế nên khi ra nghề, GV không biết cách tổ chức cho HS học tập, tổ chức hoạt động trải nghiệm. ThS. Hoàng Thị Hạnh (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2), cho biết một khảo sát nhận thức của SV sư phạm về tầm quan trọng của việc tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho HS phổ thông, đã khiến nhóm nghiên cứu giật mình. Trong số 300 SV được hỏi ý kiến thì trên 50% cho rằng “không quan trọng”, trên 30% cho rằng “ít quan trọng”. Chỉ có 11% cho rằng “quan trọng” và 8% cho rằng “rất quan trọng”.
Trong khi việc tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo, tổ chức dự án nghiên cứu, học tập từ thực tế đang là một trong những mục tiêu chính của lần đổi mới giáo dục phổ thông này. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, có một thực tế, việc nghiên cứu khoa học ở HS phổ thông đã trở thành một trong những hoạt động thu hút sự tham gia của nhiều HS. Nhưng rất nhiều GV phổ thông lại không có khả năng hướng dẫn HS, vì bản thân các GV khi học trong trường sư phạm đã không được hướng dẫn, tham gia nghiên cứu khoa học. Giảng viên sư phạm đầu tư cho nghiên cứu khoa học ít, nên cũng không tạo cơ hội cho SV được tham gia.
Bài toán cho các trường sư phạm
Một nguyên nhân khiến SV sư phạm cho rằng hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho HS không quan trọng được ThS. Hoàng Thị Hạnh cho biết đó là 72,7% giáo sinh đặt tầm quan trọng của giáo án tốt lên hàng đầu. Do vậy, không ngạc nhiên khi rất nhiều SV đầu tư gần như toàn bộ thời gian thực tập của mình vào việc soạn giáo án. Không khó để nhận thấy đối với tất cả giáo sinh, việc tâm niệm soạn giáo án như thế nào, hình thức ra sao và học thuộc giáo án bằng con đường nào là điều các em quan tâm nhất. Giáo sinh quan niệm giảng dạy tốt đi liền với việc soạn và thuộc giáo án. Do đó, đây cũng là một trong những lý giải quan trọng của việc tại sao có tới 50,5% giáo sinh cho rằng việc tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp là không quan trọng. Một bất cập nữa của SV sư phạm được ThS. Hạnh chia sẻ đó là ở ĐH Sư phạm Hà Nội 2 có tới 90% SV cho biết mình chưa từng đứng trước đám đông để thuyết trình về một vấn đề nào đó, chưa từng dẫn CT cho một nhóm nhỏ nào.
Thí sinh thi vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2014. Ảnh: M.Tâm |
Trước những bất cập của các cơ sở đào tạo sư phạm hiện nay, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng xem đây là thách thức, là bài toán mà các trường sư phạm phải suy nghĩ để điều chỉnh. Các trường sư phạm không nên ngồi chờ đổi mới phổ thông xong mới xúc tiến đổi mới đào tạo, cũng không nên máy móc chờ có văn bản cụ thể chỉ đạo, mà ngay bây giờ phải triển khai việc đổi mới đào tạo GV, khắc phục ngay các bất cập, đặc biệt là gắn mục tiêu, yêu cầu giáo dục phổ thông mới vào việc đào tạo. Theo ông Nguyễn Vinh Hiển, trong nội dung đổi mới giáo dục phổ thông sắp tới, việc dạy tích hợp (tiểu học và THCS) và phân hóa, dạy theo chuyên đề (cấp THPT) được chú trọng, vì thế các trường sư phạm cần tính toán điều chỉnh từ cơ chế quản lý đến nội dung đào tạo. Cùng nằm trong các “đề bài” được ông Hiển giao cho lãnh đạo các trường sư phạm tại hội thảo, vấn đề tăng thời lượng, tăng mức độ trong việc cho SV sư phạm tiếp cận với hoạt động thảo luận, nghiên cứu, đổi mới thực tập sư phạm, để SV làm quen với cách tổ chức cho HS học tập, vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống, được đề cập trong hội thảo. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng giao trách nhiệm cho các trường sư phạm đó là sau 4 năm tới, SV sư phạm ra trường phải dạy được luôn CT-SGK mới. Còn nhiệm vụ bồi dưỡng chỉ thực hiện đối với đội ngũ GV cũ hiện nay.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)