|
Trên mạng internet đang lan truyền đề thi môn ngữ văn 7 trong kỳ khảo sát chất lượng học kỳ 2 năm học 2014-2015, do Phòng GD-ĐT huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) ra có câu hỏi yêu cầu “dịch” hai câu thơ sau bằng tiếng địa phương sang tiếng phổ thông: “Mô rú mô ri mô nỏ chộ/ Mô rào mô bể chộ mô mồ”.
Có nhiều ý kiến khác nhau về đề thi này, nhiều người cho rằng đề thú vị, là cách giữ gìn nét riêng của ngôn ngữ địa phương, gợi mở sự suy nghĩ cho học sinh (HS)… Nhiều người khác cho rằng đề thi quá vớ vẩn, HS được dạy và học tiếng phổ thông sao lại ra đề thi về tiếng địa phương, lại có tính đánh đố các em.
Cá nhân tôi thấy đề thi này rất lạ, đáng suy nghĩ, bởi nó vượt qua cách ra đề sáo mòn lâu nay. Đó cũng là cách mà một số đề thi gắn với những vấn đề rất thời sự, như liên quan đến vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, về “hiện tượng” Sơn Tùng M-TP, về một số câu chuyện có thật trong thực tế… Những cách ra đề này gợi mở sự suy nghĩ đáng kể cho người học, đồng thời ít nhiều tạo ra sự phân hóa HS, nhất là ở các kỳ thi tuyển sinh. Từ đây, cũng gợi mở cách suy nghĩ mới cho giáo viên, cần phải chú trọng tìm kiếm những kiểu đề mới hơn, lý thú hơn, có tính giáo dục hơn.
Tuy nhiên, với đề thi “dịch nghĩa” ở trên, tôi nghĩ rằng phù hợp với một bài kiểm tra ở lớp hơn là thi học kỳ cho HS của cả một huyện. Đây là một đề có tính đánh đố HS, bởi lẽ dù có thể nằm trong chương trình giáo dục tích hợp (ở trường, ở huyện) nhưng hoàn toàn không nằm trong sách giáo khoa. Hơn nữa, dù các từ trong đề thuộc về ngôn ngữ của địa phương nhưng không phải ai ở địa phương đó cũng biết. Trong khi đó, việc ra một đề thi kiểu này hình như phảng phất một tư duy cục bộ địa phương (giả sử các địa phương khác cũng ra đề về những nội dung rất riêng của địa phương mình, hoặc vùng có HS là người các dân tộc thiểu số lại ra đề kiểu này có thể sẽ trở nên đánh đố HS các dân tộc khác, thì có lẽ đều trở thành hiện tượng không hay)… Và, liệu đề thi này có tính giáo dục nhiều không khi thi xong rồi thì quên vì những từ đó không phải là từ dùng phổ biến?
Đề thi toán đánh đố HS lớp 3
Có lẽ cần phân biệt ý nghĩa của việc dạy – học với việc thi. Nếu đặt nặng yếu tố bản sắc đặc trưng thì chú trọng việc dạy để HS hiểu, bảo tồn, phát huy, nhất là với những giá trị có ý nghĩa thực tiễn cuộc sống. Nhà trường có thể dạy tích hợp những vấn đề của địa phương nhưng không nhất thiết ra đề thi mà những vấn đề đó nên dừng lại ở góc độ “để biết thêm” hơn là một loại kiến thức cần kiểm tra, đánh giá ở một kỳ thi có tính chính thức và phổ quát. Cũng như vậy, rất nên dạy về lịch sử, đặc điểm kinh tế – tự nhiên – xã hội của địa phương nhưng không nên đưa vào thi học kỳ, chuyển cấp… mà nên dùng ở các hội thi mang tính phong trào (như thi tìm hiểu lịch sử – truyền thống địa phương).
Trong khi đó, một đề thi chính thức cần có sự chỉn chu về tính giáo dục, ý nghĩa về mặt kiến thức chuyên môn, kể cả ý nghĩa thực tiễn nếu đề ra mang tính thực tế cao. Đề thi nên từ trong kiến thức đã học, sau đó mở rộng, liên hệ, nâng cao, vận dụng hơn là đánh đố ở một góc hẹp nào đó.
Không chỉ đánh đố HS, đề thi toán lớp 3 ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) cũng được một số cư dân mạng gọi là “cực kỳ bá đạo”, khi cả phụ huynh, giáo viên đều lắc đầu. Bài toán có 4 tham số (là các số tự nhiên trong phạm vi 100), 4 phép tính (cộng, trừ, nhân, chia) nhưng có đến 9 ẩn số. Phương pháp ra đề toán này được cho là sau khi có một chuỗi phép tính, người ra đề chỉ việc bỏ bớt các con số và buộc HS lớp 3 (chỉ 8-9 tuổi) thực hiện lại. Điều thú vị nữa là, đề thi này được báo Anh The Guardian đưa vào mục “Science” (khoa học) với câu hỏi đầy ẩn ý: “Bạn có thể làm được bài đố toán dành cho HS Việt Nam 8 tuổi mà phụ huynh và giáo viên đều bối rối?” (*).
Người lớn đôi khi nghĩ trẻ em là “người lớn thu nhỏ” nên có một số cách ứng xử chưa phù hợp. Đối với những dạng đề đánh đố như nêu trên, người ra đề chỉ cần đặt mình vào vị trí của HS (với lứa tuổi, trình độ, nhận thức… tương ứng) sẽ có thể có suy nghĩ đúng mực hơn!
ThS. Nguyễn Minh Hải
Một đề thi chính thức cần có sự chỉn chu về tính giáo dục, ý nghĩa về mặt kiến thức chuyên môn, kể cả ý nghĩa thực tiễn nếu đề ra mang tính thực tế cao. |
---|
Bình luận (0)