Như một cánh đồng hoang nước xâm xấp nhiễm phèn, đất nghèo dinh dưỡng, xung quanh là những mái nhà thấp tè thưa thớt nằm bên cạnh đô thị sầm uất bậc nhất TP.HCM – nơi đây là vựa lúa một thời.
Đất không thiếu nhưng để có rau xanh ăn, anh Nguyễn Văn Thành phải trồng trong khay, chậu
Ngược phà Bình Quới, mất chừng 15 phút di chuyển xe máy trên con đường được đổ bê tông trải dài, trước mặt chúng tôi là cánh đồng heo hút hoang trũng, lau sậy bạt ngàn. Xa xa thấp thoáng bóng người mưu sinh bằng nghề bắt ốc, hái rau và chăn bò. Đây là hình ảnh không dễ tìm khi tốc độ đô thị hóa nhanh chóng mặt.
Vựa lúa một thời
Theo các bậc cao niên ở Bình Quới (phường 28, quận Bình Thạnh), khoảng 20-25 năm trước, thời điểm này đã vào mùa lúa chín, hương lúa thơm ngát cả cánh đồng. Tầm 3-4 giờ sáng, bếp nhà ai cũng đỏ lửa cơm nước chuẩn bị bữa sáng để ra đồng. Ông Nguyễn Văn Thái, 73 tuổi, sống giữa cánh đồng lúc bấy giờ nhớ lại: “Ngày xưa khổ mà vui hết biết. Đến mùa lúa, sau tiếng gà gáy đầu đã nghe tiếng cười nói rộn vang cả xóm. Bây giờ ruộng nhiễm phèn phải bỏ hoang nhiều năm, một số nơi đất cao cũng chẳng trồng được hoa màu vì chim, chuột phá. Nhìn cỏ, cây dại xâm lấn mà xót xa”.
Ngấp nghé tuổi 75, chứng kiến bao biến cố thời cuộc, ông Hai Chát không thể nào quên ký ức một thuở gắn liền với mảnh đất này từ thời thơ bé theo cha mẹ ra đồng. Ông Chát bảo lúc bấy giờ đất đai ở đây phì nhiêu lắm, trồng lúa cho hạt gạo thơm ngọt đặc trưng, nhiều nơi còn đến đây đặt mua lúa giống. Chỉ mới đây, một vài hộ thôi xuống giống vì năng suất không đạt, thậm chí lỗ nặng, sau đó thì nhà nhà bỏ hẳn cây lúa. Quen mùi bùn đất, chẳng biết làm gì để sống, không ít người lại chuyển sang trồng hoa màu nhưng cũng chỉ tồn tại một, hai mùa thì cỏ dại bao phủ dày đặc. “Mua đất sạch về trộn, cố cải tạo khóm đất trước nhà để trồng vài cây đậu bắp, luống rau lang chứ khó trồng trọt như trước”, ông Hai Chát nói.
Mệnh danh là vựa lúa, hoa màu khá lớn của thành phố một thời, nay đất nông nghiệp Bình Quới ở trên cạn chỉ có lau sậy, dưới nước có bồn bồn, rau muống và ốc bươu vàng hoành hành. Những người nông dân sớm hôm với ruộng đồng giờ cũng đã quen với công việc khác, số ít trầm mình dưới phèn hái bồn bồn, chùm bao, rau muống cải thiện bữa ăn.
Được biết, gần đây có nhiều người ở nơi khác đến thuê đất, che lều tạm để trồng trọt, chăn nuôi. Có người về hưu nuôi gà, nuôi cá cho vui tuổi già chứ chẳng có kinh tế gì. Riêng chủ đất cũng chỉ một vài người có điều kiện bám trụ với con heo, con bò, trồng đám dứa, cây mai để vừa giữ đất vừa vui thú điền viên.
Khó khăn lắm chúng tôi cũng tìm được vài vạt lúa nhỏ đang giai đoạn ra đòng. Theo tìm hiểu, hiện chỉ còn chưa đến 5 hộ/ hàng trăm hộ trồng lúa một thời ở đây còn gieo sạ một vụ/ năm. Diện tích cũng bị teo tóp dần do đất nhiễm phèn, hộ nào trồng nhiều nhất cũng chỉ nửa công để thỏa nhớ công việc vất vả một thời. Đất nghèo dinh dưỡng cộng thêm sâu bọ phá hoại nên dù có đất, anh Nguyễn Văn Thành phải trồng rau trong khay, chậu dành ăn cho gia đình.
Mưu sinh trên đồng hoang hóa
Ruộng lúa ngày xưa nay hoang hóa nhưng người mưu sinh khắp nơi tìm về ngày càng đông. Trước chỉ có người dân địa phương đặt lợp, đặt lờ kiếm con cá đắp đổi qua ngày, sau người ở các nơi khác kéo đến, bắt cá, tôm theo kiểu tận diệt.
Mỗi tuần, anh Lê Văn Khai (P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức) dành hai buổi đến đây để hái rau muống. Có non công đất được gia đình chia lại ở đây, nhiều năm nay anh Khai bỏ công cải tạo để có được đám rau muống nước phụ tiền chợ bên cạnh công việc chạy xe ôm thu nhập bữa được bữa không. “Thời tiết thuận lợi thì ổn, ngược lại thì cái ăn hàng ngày cho gia đình 4 miệng ăn cũng khá vất vả”, anh Khai nói.
Từ cánh đồng hoang hóa nhìn về trung tâm thành phố
Với gia đình có ruộng đất đã khó, người không có tài sản gì ngoài căn nhà cấp 4 siêu vẹo trên đất quy hoạch hàng chục năm thì bấp bênh biết bao nhiêu. Trên các con đường đất dẫn vào đồng, không khó bắt gặp những người mưu sinh với nghề hái bông súng, rau dại. “Vợ chồng tôi hái rau muống, bông súng ở đây cũng gần 10 năm rồi. Hồi đó bông súng nhiều lắm nên thu nhập cũng khá, sau này thay đổi chủ đất, họ rào lại không có mà hái nữa, chỉ trông chờ mưa xuống, chùm bao hay bồn bồn vươn đọt non rồi hái mang ra chợ bán. 50.000-100.000 đồng là khoản thu nhập cho một ngày lội dưới sình dưới nắng mưa”, chị Tuyến – người địa phương chia sẻ.
Nhà ba đời làm nông, đất đai cũng lắm song đến đời anh Ngô Hòa thì gia đình không may gặp biến cố phải bán rẻ để lấy tiền trang trải. Ban đầu bán một công, rồi đến hai, ba công… ngặt nỗi, đất bán từ cái thời chỉ vài chục triệu đồng/ công. Hiện gia đình anh Hòa sống lây lất từ đồng lương công nhân ít ỏi của vợ. Bản thân anh mất sức lao động sau vụ tai nạn ở công trình xây dựng chỉ có thể phụ vợ bữa ốc, bữa rau từ cánh đồng hoang này.
Băng đồng chúng tôi đi đến bờ sông Sài Gòn. Trông về bờ bên kia là khu đô thị Thảo Điền (TP.Thủ Đức) sầm uất với những tòa lâu đài với lối kiến trúc hiện đại. Chỉ tay về bên ấy, giọng anh Hòa chùng xuống, chậm rãi: “Bà con không dám mơ nơi này phát triển như bên Thảo Điền, cuộc sống được sung túc mà chỉ mong được xóa quy hoạch để được xây, sửa lại căn nhà tránh mưa tránh nắng”.
T.An
Bình luận (0)