Theo yêu cầu của Đề án ngoại ngữ quốc gia (ĐANNQG) 2020, học sinh (HS) tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) phải đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam. Tuy nhiên năng lực ngoại ngữ đầu vào của HS TCCN hiện nay rất khác nhau, thường chưa đạt chuẩn theo quy định của ĐANNQG 2020.
Trước thực tế này, Bộ GD-ĐT khuyến khích và ra hướng dẫn cho các trường TCCN, trường ĐH, CĐ có đào tạo trình độ TCCN triển khai hình thức dạy học ngoại ngữ tăng cường để hỗ trợ chương trình đào tạo chính khóa nhằm đảm bảo năng lực ngoại ngữ của HS TCCN khi tốt nghiệp.
Bước đầu các trường cần xây dựng, công bố chuẩn đầu ra, lộ trình đạt chuẩn cũng như các loại chứng chỉ ngoại ngữ được chấp nhận cho miễn học/thi ngoại ngữ (nếu có). Đối với HS THPT chưa được học ngoại ngữ theo chương trình mới (chương trình học 10 năm ban hành theo quy định của ĐANNQG 2020) thì khuyến khích HS tham gia học nhưng không bắt buộc.
Trước khi triển khai dạy và học, cần kiểm tra năng lực đầu vào để làm căn cứ xếp lớp học theo năng lực. Nội dung học tập, giáo trình, tài liệu và hình thức triển khai dạy học ngoại ngữ tăng cường cần đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, với năng lực của HS. Thời lượng tổ chức học ngoại ngữ tăng cường do các trường quyết định trên cơ sở điều kiện thực tế của trường, yêu cầu về chuẩn đầu ra ngoại ngữ của từng ngành/lĩnh vực đào tạo và đảm bảo quy định hiện hành về khối lượng kiến thức tối thiểu đối với mỗi trình độ đào tạo. Hình thức tổ chức giảng dạy có thể dạy học trên lớp, trực tuyến, ngoại khóa, câu lạc bộ… Đặc biệt coi trọng việc hướng dẫn và tạo môi trường cho HS tự học, phối hợp đồng bộ với các chương trình học ngoại ngữ chính khóa. Đối với đội ngũ giảng dạy, cần bố trí giáo viên, giảng viên có năng lực thực tế trên cơ sở đội ngũ giáo viên, giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng của trường. Ưu tiên các giáo viên, giảng viên có năng lực ngoại ngữ đạt chuẩn theo quy định của ĐANNQG 2020; khuyến khích sử dụng giáo viên bản ngữ…
N. Trinh
Bình luận (0)