Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Doanh nghiệp “chỉ” điểm yếu sinh viên

Tạp Chí Giáo Dục

Thiếu tác phong công nghiệp, giao tiếp kém, kỹ năng làm việc nhóm yếu, đòi “trèo cao”…, đó là những vấn đề mà các doanh nghiệp đặt ra cho sinh viên tại Ngày hội tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm tổ chức ở Trường CĐ Viễn Đông vừa qua.

Thiếu kỹ năng mà đòi “trèo cao”

Tại ngày hội, nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng thất nghiệp hay làm trái ngành đào tạo của sinh viên hiện nay lỗi không chỉ do cơ cấu đào tạo, thị trường lao động, chính sách… mà phần lớn là bản thân sinh viên tự chuốc lấy.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho hay: “Tín hiệu mừng cho TP.HCM là so với cả nước, số sinh viên mới tốt nghiệp bị thất nghiệp ít hơn. Hiện thành phố có khoảng 80% sinh viên mới ra trường có việc làm, tuy nhiên trong số đó có đến 50% sinh viên không ổn định chỗ làm việc hoặc làm trái ngành nghề đã được đào tạo”.

Sinh viên tìm hiểu thông tin việc làm tại ngày hội

Nói về lý do dẫn đến sinh viên thất nghiệp hoặc làm trái ngành nghề, ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hepza, phân tích: “Hiện nay, các khu công nghiệp – khu chế xuất tại TP.HCM có hơn 1.000 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút hơn 270.000 lao động. Các doanh nghiệp luôn có nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề, đặc biệt là kỹ sư, cử nhân nhưng bộ phận khá lớn sinh viên không tìm được việc làm hoặc làm trái ngành đào tạo. Lý do dẫn đến nghịch lý này là sinh viên vừa tốt nghiệp thường thiếu kỹ năng thực hành, yếu ngoại ngữ, đặc biệt là kỹ năng mềm hạn chế”.

Thiếu chuyên môn, kỹ năng mềm nhưng sinh viên mới tốt nghiệp lại đòi hỏi quá cao về chế độ đãi ngộ nghề nghiệp. “Doanh nghiệp cần nhân lực chất lượng, tuyển dụng xong chấp nhận đào tạo lại nhưng nhiều sinh viên mới ra trường lại muốn có thu nhập trước, thậm chí là đòi mức lương cao, ổn định công việc sau khiến doanh nghiệp không tuyển dụng được”, ông Trần Hữu Trung, Giám đốc nhân sự Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, chia sẻ.

Sinh viên phải tự… cứu mình

Cuối năm 2015, Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), lao động sẽ có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Theo đó, thị trường lao động lúc này sẽ cần nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng thị trường đa dạng, đảm bảo chuẩn về chất lượng nhưng hiện sinh viên mới ra trường vẫn chưa đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng. Vậy sinh viên phải làm gì để tự cứu mình?

Bàn về vấn đề này, bà Tạ Thị Thanh Huyền, Giám đốc phân tích và tư vấn Công ty cổ phần Chứng khoán SJC, nhắc nhở: “Các em không nên đặt nặng về vấn đề việc làm mà ngay từ bây giờ vấn đề quan trọng nhất là chú tâm học tập ở trường, cọ xát với thực tế, tận dụng kỳ nghỉ hè để vào các doanh nghiệp thực tập nhằm rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Tùng lại đặt nặng yếu tố kỹ năng mềm và lòng tự tin. Ông cho hay: “Những người thành đạt thông thường trình độ chuyên môn chỉ đạt 30% nhưng kỹ năng mềm quyết định thành công đến 70%. Khi sinh viên đến doanh nghiệp xin việc, nhà tuyển dụng sẽ có nhiều hình thức phỏng vấn khác nhau nhưng yếu tố tự tin được doanh nghiệp đánh giá rất cao”.

Viết đơn xin việc, vòng phỏng vấn là rất quan trọng nhưng nhiều sinh viên quá chú trọng vào bản thân, chưa tìm hiểu kỹ doanh nghiệp…, cũng được nhiều doanh nghiệp chỉ ra tại ngày hội. “Khi viết đơn xin việc, người lao động phải cố xem xét lại trong quá trình học mình đọng lại những kiến thức gì để có một lá đơn gây ấn tượng cho nhà tuyển dụng. Khi được tuyển dụng, sinh viên nên tìm hiểu kỹ đơn vị đó làm gì, phát triển như thế nào? Nhà tuyển dụng rất mong người lao động quan tâm, hòa nhập với doanh nghiệp để cùng nhau phát triển nhưng đa phần người lao động lại không quan tâm đến vấn đề này, khi doanh nghiệp hỏi chỉ toàn giới thiệu về mình, những mong muốn của bản thân…”, ông Trần Hữu Trung thẳng thắn cho biết.

Bài, ảnh: DƯƠNG BÌNH

“Nhà tuyển dụng rất mong người lao động quan tâm, hòa nhập với doanh nghiệp để cùng nhau phát triển nhưng đa phần người lao động lại không quan tâm đến vấn đề này, khi doanh nghiệp hỏi chỉ toàn giới thiệu về mình, những mong muốn của bản thân…”, ông Trần Hữu Trung, Giám đốc nhân sự Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, thẳng thắn nói.

 

Bình luận (0)