Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sách ngôn tình, nỗi lo không của riêng ai!: Vấn đề và trách nhiệm

Tạp Chí Giáo Dục

Cùng với hội nhập kinh tế, hội nhập văn hóa đang là vấn đề nóng của đời sống thời @ ở nước ta.

Song song với mặt tích cực, không ít vấn đề tiêu cực của văn hóa ngoại đang lấn chiếm văn hóa nội làm xói mòn, biến dạng những giá trị sống truyền thống của một bộ phận cư dân, nhất là tuổi trẻ ở các đô thị lớn. Vì lợi ích nhóm, vì giá trị thương mại thuần túy không ít dịch giả, nhà xuất bản, nhà mạng, nhà sách ngày càng tung ra thị trường nhan nhản loại sách diễm tình hừng hực “lửa”. Tuổi trẻ (nhất là ở lứa vị thành niên) là tuổi của khát khao tò mò, khám phá nên việc nhiều em bị hút hồn bởi loại sách này là điều dễ hiểu. Tác hại của nó gần như không mấy ai không rõ. Song để nói không với nó thật không đơn giản chút nào.

Để “giảm nhiệt” vấn đề này rất cần sự chung tay của nhiều phía.

Thứ nhất, với các nhà văn, dịch giả, nhà xuất bản, nhà mạng và nhà sách: Cần kiên quyết hạn chế đến mức tối đa việc viết, dịch, xuất bản và bày bán những tác phẩm ngôn tình ướt át, mùi mẫn đầy chất “sến”, chất gợi dục. Để ý tưởng này thành hiện thực mong sao Cục Xuất bản – In và Phát hành (Bộ Thông tin – Truyền thông) cũng phải mạnh tay hơn nữa trong việc kiểm duyệt và “tuýt còi” kịp thời khi cần thiết với những ấn phẩm nhạy cảm trên.

Thứ hai, với nhà trường và các đoàn thể: Để giúp học sinh không sa đà, đắm mình vào tác phẩm ngôn tình, cần quan tâm hơn nữa việc tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp sao cho vui tươi, lành mạnh hấp dẫn, phù hợp tâm lý lứa tuổi. Để cuốn hút học sinh vào các sân “chơi mà học”, tổ chức Đoàn – Đội trong và ngoài trường cần luôn đổi mới sáng tạo không ngừng nội dung và hình thức sinh hoạt. Hãy tổ chức nhiều hơn, hấp dẫn, thiết thực hơn những ngày hội đọc sách, những buổi thi kể chuyện theo sách, thuyết trình hội thảo sách… Hoạt động này không chỉ lôi kéo học sinh đến với thế giới sách giàu ý nghĩa giáo dục bổ ích mà còn giúp các em hình thành thế giới quan thẩm mỹ chân chính; từ đó biết nói không với loại sách tầm thường thuần túy giải trí rẻ tiền này.   

Thứ ba, với các phụ huynh: Cần quan tâm theo sát, định hướng nhu cầu đọc cho con em ngay từ ngày trẻ bắt đầu biết làm quen với 24 chữ cái. Khi phát hiện việc đọc của con em có vấn đề cần kịp thời vào cuộc đọc chính cuốn sách ấy; rồi kịp thời ngăn chặn uốn nắn một cách tế nhị thuyết phục bằng những phân tích lý giải thật thông minh khoa học.

Thứ tư, với các bạn trẻ: Để không bị mảng sách sến này “hớp hồn”, các em phải có ý thức trau dồi rèn luyện sao cho cái tốt, cái đẹp, cái thiện chân chính luôn là bạn đồng hành; là niềm khát khao vươn tới. Khi đã có trong mình một nhân cách chuẩn, một lối sống tích cực, một tư tưởng sáng hẳn các em sẽ dị ứng và xa lánh loại sách phản cảm kia.

NGƯT Nguyễn Ngọc Ký

Bình luận (0)