Tòa soạnThư đi – tin lại

“Ma trận” đóng góp

Tạp Chí Giáo Dục

Không riêng gì địa phương tôi mà tất cả các trường học trong các địa phương khác đều phải có “nghĩa vụ” đóng góp cho địa phương mình!

Có thể nói đụng tới chuyện gì cũng phải đóng góp; không phải theo phương châm “tùy theo sức của mình” mà ra chỉ tiêu cụ thể cho từng trường. Trường lớn thì 15, 20 triệu đồng; trường vừa thì 10, 12 triệu; trường nhỏ thì 5, 7 triệu… Nào đóng góp quỹ xóa đói giảm nghèo; nào đóng góp cho người nghèo vui Tết; nào đóng góp cho Quỹ mái ấm công đoàn; nào đóng góp cho quỹ học sinh nghèo “Giúp em tới trường”… Bản thân giáo viên thuộc diện nghèo nhưng lại phải đóng góp cho việc xóa đói giảm nghèo! Điều này kể cũng lạ!

Nếu trường nào không thực hiện, cuối năm sẽ “cắt” thi đua vì không “chấp hành quy định đóng góp”. Số tiền đóng góp ấy ở đâu ra? Xin thưa, đó là tiền hoạt động phí hàng năm của nhà trường. Thay vì số tiền này sử dụng cho các hoạt động dạy và học, ngoại khóa thì nay “xén bớt” để nộp về trên!

Nhà trường không phải là doanh nghiệp, không làm ra đồng tiền mà hoạt động từ nguồn ngân sách Nhà nước. Ai cũng cho rằng: Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Lẽ ra phải ưu tiên, phải dành cho giáo dục những thuận lợi nhất để không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập… Nay hoạt động phí bị cấu véo, cắt xén kể cả đồng lương còm của giáo viên cũng không được yên ổn!

Bởi vì “huy động” sự “đóng góp” của giáo viên, của nhà trường quá… thuận tiện! Đến tháng cứ trừ lương một lượt, đồng loạt từ thẻ. Khỏi phải đi thu gom từng đồng mà cắt trong lương, trong hoạt động phí cái rẹt là có hàng trăm triệu đồng!

Điều đáng nói ở đây là tất cả sự đóng góp trên hầu như không công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài truyền thanh, truyền hình…) thu bao nhiêu, chi bao nhiêu; chi cho những việc gì? Thành ra cũng không ai lên tiếng, cũng không ai hỏi vì theo họ; hỏi ra cũng chẳng ai trả lời mà cũng chẳng có tác dụng gì!

Cứ thế, hàng năm nhà trường luôn nhận được những công văn, chỉ thị từ trên đưa xuống kêu gọi đóng góp! Đối với nghĩa vụ đóng góp, theo chúng tôi, phải thực hiện theo tinh thần tự nguyện, tự giác trên tinh thần “lá lành đùm lá rách” và “người trong một nước phải thương nhau cùng”. Ai có nhiều góp nhiều, ai hoàn cảnh khó khăn thì góp ít! Của ít lòng nhiều mà!

Chuyện “đóng góp” giờ đây đang bị biến dạng, trở thành sự “bắt buộc tự nguyện” và là nỗi ám ảnh thường xuyên đối với nhà trường, đối với giáo viên…

TRẦN TRƯỜNG SA (Nhà giáo ở Sóc Trăng) 

Bình luận (0)