Chất lượng học tập của học sinh làm nên giá trị của nhà trường. Trình độ chuyên môn của giáo viên có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng học tập của các em. Chính vì vậy, việc bồi dưỡng và nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên hiện nay là việc làm thiết thực, phù hợp với xu thế của các nền giáo dục tiên tiến hiện nay trên thế giới.
Chất lượng học tập của học sinh làm nên giá trị của nhà trường
Việc người dạy luôn nắm bắt những đổi mới, những vấn đề của thời cuộc là việc nên làm, rất cần thiết cho bản thân mình, cùng song song đem lại hiệu quả rất cao trên người học, với công nghệ 4.0, các em học sinh phát triển nhanh về nhiều mặt, các em có những phương pháp, những hành động mà đôi khi chính thầy cô chưa thể nắm bắt được. Sự học không ngừng học, không phải là học vì lấy bằng cấp, hay chứng chỉ, mà cần phải học để cập nhật thông tin, kiến thức, kịp thời nhận ra những vấn đề bất cập của bất cứ sự phát triển của xã hội nào cũng sẽ có. Cho nên nắm bắt kịp thời xu hướng, để đổi mới trong giao tiếp, ứng xử, trong chuyên môn của đội ngũ nhà giáo, phải chăng là điều rất nên làm.
Vai trò “đầu tàu” trong tập thể sư phạm
Thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn nghiệp vụ ở tổ khối, cần có sự chia sẻ hoạt bát, thân tình trên tinh thần xây dựng, đóng góp cái mới hơn là những rập khuôn, giáo điều mà không mang lại nguồn năng lượng tái tạo tích cực cho người giáo viên. Vai trò này rất cần sự trợ giúp của cán bộ quản lý trong nhà trường, đặc biệt là hiệu phó chuyên môn, các khối trưởng, tổ trưởng.
Để nâng cao hiệu quả của việc này, chúng ta rất cần những người đứng vào những vị trí này có tài năng thực sự, và có tầm nhìn vĩ mô về định hướng của ngành giáo dục và sự ảnh hưởng vô cùng to lớn của nghề nghiệp trồng người mang lại cho xã hội. Bởi, suy cho cùng thì những học sinh của ngày hôm qua, khi trải qua thời gian rèn luyện ở nhà trường, sẽ là trụ cột, của tất cả các ngành nghề khác. Không ai trong chúng ta, không bước qua thời học sinh, và thầy cô giáo là những người ngoài việc truyền tải kiến thức thì còn là khuôn vàng thước ngọc, cho chúng ta có hoài bão, có ước mơ, đi đúng giá trị của một cuộc đời con người.
Kết luận như vậy, để khẳng định rằng, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho tất cả giáo viên là nhiệm vụ cần lắm những hành động có tâm, có tầm của các cấp lãnh đạo. Không cần những cuộc thi, cũng không cần lắm những chứng chỉ ngoại ngữ, mà người giáo viên không cần dùng đến. Như trường hợp với giáo viên mầm non, chúng ta đâu nhất định phải có những bằng cấp về ngoại ngữ, mà hồ sơ chuẩn giáo viên bắt buộc phải bổ sung, rồi giáo viên mầm non ráo riết đi tìm bằng mọi cách để đạt chuẩn ấy theo quy định, nhưng những gì học được, không được áp dụng trên trẻ. Suốt ngày dài công việc của họ là chăm sóc cho trẻ ăn, cho trẻ ngủ, vệ sinh cho trẻ, dạy những kỹ năng cần thiết, đọc thơ, múa hát, kể chuyện cho trẻ nghe, vui chơi trò chuyện với trẻ, dạy trẻ nói cho rành ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ, thì cái bằng cấp tiếng Anh (A-B), có hữu dụng với công việc họ đang làm hay không?
Giáo viên mạnh dạn trao đổi, phản biện
Thiết nghĩ, giáo viên mầm non chỉ nên nâng cao trình độ, năng lực, của mình bằng cách đọc nhiều tài liệu về an toàn cho trẻ, tâm sinh lý của trẻ theo độ tuổi mình đảm nhận cho chuyên sâu, hoặc truyền tải đến giáo viên những bài viết, câu chuyện ý nghĩa về tình yêu thương dành cho trẻ mầm non. Những cuộc họp chuyên môn mang tính khiển trách, trừ điểm thi đua, hay có khi là dịp, là cơ hội hạ bệ nhau, có khi phản tác dụng, không mang lại những hiệu quả tích cực, mà lẽ ra việc họp tổ, họp chuyên môn phải có. Những cuộc họp chuyên môn đó, hiện nay đang là thực trạng của tất cả các trường, ở các cấp học. Đó là những gì tôi biết từ các bạn đồng nghiệp, từ các nguồn thông tin qua tất cả các cuộc học tập bồi dưỡng chuyên môn. Nhận ra điều đó, tôi nghĩ rằng việc thay đổi cách thực hiện việc bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên cần thay đổi ngay từ ở cơ sở. Đa số giáo viên hiện nay, ngại phản biện, ngại trao đổi thẳng thắn, đó chính là nguyên nhân chính làm cho chúng ta mất đi cái nhiệt huyết, tư tưởng mới mẻ của một nhà giáo, rất cần phải nên có.
Bên cạnh đó, việc tự học hỏi, tự nâng tầm hiểu biết về kiến thức giáo dục, là việc làm cần sự tự giác của giáo viên, học ở sách vở, ở các kênh truyền thông, tin tức báo chí, ở đồng nghiệp, học những sáng kiến hay, những thông điệp mà bạn bè chia sẻ, để không phải lạc hậu, khi thời buổi công nghệ số phát triển, đi kèm sự đòi hỏi sự tinh tế, nhạy bén, của người giáo viên rất nhiều. Mà những điều này, không thể ai bồi dưỡng cho riêng chúng ta, chỉ có chính bản thân người giáo viên không trau dồi kiến thức, kỹ năng, hiểu biết giá trị nhân văn của nghề nghiệp mình đang làm việc. Kiến thức không tự nhiên mà đến, nó cần người ta tìm kiếm từ kho tàng tài nguyên sách.
Bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên, phải chăng rất nên cần một môi trường sư phạm – trong đó văn hóa đọc, cần được đề cao, nhân rộng. Ngọn nguồn của mọi giá trị tình yêu thương với học sinh, với chất lượng một ngành giáo dục con người, tạo nên những nguồn năng lực vững mạnh phát triển đất nước, đều bắt đầu từ những người giáo viên nhân dân. Việc nâng cao trình độ, nâng cao năng lực cần có những tầm nhìn phù hợp với từng cấp học, tránh tình trạng rập khuôn, cứng nhắc, không mang lại kết quả tương xứng với công sức, thời gian, công sức các thầy cô chạy đua theo bằng cấp, nguồn vào của thi công chức chọn giáo viên đã trải qua những cuộc thi sát hạch công bằng, đủ tiêu chuẩn rồi, thì khi các giáo viên đảm nhiệm công việc tại cơ sở, thì nên lắm việc khuyến khích, tạo điều kiện cho giáo viên có nguồn tài liệu từ những tạp chí, tờ báo uy tín của ngành giáo dục, bên cạnh những cuốn sách có ý nghĩa truyền tải thông điệp ý nghĩa của nghề giáo. Từ đó, tình yêu nghề được nâng cao lên song song với nguồn kiến thức vô tận từ trang sách mở ra, người giáo viên sẽ có nguồn cảm hứng truyền tải đến các em học sinh những bài giảng đầy tính sáng tạo, thu hút.
Hồ Xuân Đà
Bình luận (0)