Không chỉ giúp học sinh học tốt, giáo viên có hình thức kiểm tra mới mẻ, tạo hứng thú cho học sinh khi học môn lịch sử, “Ứng dụng học lịch sử kết hợp thực tế tăng cường” còn giúp du khách tra cứu thông tin các điểm đến khi đi du lịch.
Trần Đức Huy kỳ vọng “Ứng dụng học lịch sử kết hợp thực tế tăng cường” giúp học sinh tìm được hứng thú khi học lịch sử
“Ứng dụng học lịch sử kết hợp thực tế tăng cường” do hai sinh viên Trần Đức Huy và Lê Xuân Cường (Khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) nghiên cứu thực hiện. Nói về ứng dụng này, Đức Huy cho biết hiện nay Bộ GD-ĐT đã cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học, tuy nhiên làm thế nào để học sinh không bị ảnh hưởng khi sử dụng điện thoại là điều mà phụ huynh và nhà trường phải quan tâm. “Có thể khi mang điện thoại vào lớp học, học sinh sẽ bị chi phối, không tập trung tiếp thu bài. Nhưng khi tận dụng điện thoại để học tập, để giáo viên tương tác với học sinh trong những môn học cần thiết thì không chỉ giúp các em sử dụng điện thoại đúng mục đích khi mang vào lớp mà còn giúp tiết học trở nên sinh động, đạt hiệu quả cao”, Đức Huy chia sẻ.
Hình ảnh được nhóm nghiên cứu chụp lại sau khi dùng app “Lịch sử AR” tìm kiếm địa danh Nhà thờ Đức Bà
Khi đưa vào kiểm tra, ứng dụng sẽ đánh giá thành tích của học sinh theo thang điểm, biểu tượng…
Trong đồ án cuối kỳ năm học trước, Đức Huy đã thực hiện đề tài “Ứng dụng học lịch sử kết hợp thực tế tăng cường”. Thấy đề tài khả thi, giảng viên hướng dẫn đã khuyến khích em phát triển thêm và hiện thực hóa ý tưởng. Sau nhiều tháng cùng Lê Xuân Cường (bạn học cùng lớp) tìm hiểu, nghiên cứu, Đức Huy đã có được những thành công ban đầu. “Chúng em đã tạo ra được ứng dụng vận hành trên điện thoại thông minh. Khi sử dụng điện thoại có kết nối internet, tải app “Lịch sử AR” về là học sinh có thể sử dụng học lịch sử sinh động, hấp dẫn thông qua các tính năng của ứng dụng”, Đức Huy cho biết.
Mở app “Lịch sử AR”, sau đó quét vào bản đồ sẽ hiện lên những thông tin bài học cùng thông tin tham khảo và cảnh hai bên chiến đấu…
Theo Đức Huy, “Ứng dụng học lịch sử kết hợp thực tế tăng cường” gồm 2 chức năng chính: thứ nhất là hỗ trợ học lịch sử từ tài liệu giấy (bao gồm sách giáo khoa, bản đồ, hình ảnh…); thứ hai là dùng để tìm hiểu về nguồn gốc lịch sử của các di tích, địa danh…, giúp người đi du lịch nắm rõ thông tin nơi mình đến mà không cần có người thuyết minh, hướng dẫn, mang lại trải nghiệm thú vị hơn. Chẳng hạn, đối với chức năng hỗ trợ học lịch sử từ sách giáo khoa, trong bài “Cuộc chiến tranh giành quyền tự chủ của họ Khúc, họ Dương” (sách giáo khoa lớp 6, bài 26, trang 71) có bản đồ “Chiến thắng Bạch Đằng năm 938”. Thay vì học sinh phải đọc sách giáo khoa hoặc đọc thêm sách tham khảo mới có thể phân tích, hiểu hết bản đồ thì khi mở app “Lịch sử AR”, sau đó quét vào bản đồ sẽ hiện lên những thông tin bài học, thông tin tham khảo cùng cảnh hai bên chiến đấu được tái hiện dưới dạng đồ họa 3 chiều trực quan ngay trên sách với một số hình thức như nghe âm thanh, xem video, tương tác vật thể ảo… Với giáo viên, có thể cho học sinh kiểm tra trắc nghiệm hoặc trò chơi, app sẽ có chức năng đánh giá theo mức độ. “App này đang được chúng em hoàn thiện, khi hoàn thành thì chúng em mới cho người dùng trải nghiệm. Chúng em đang có hướng phát triển mới để khi sử dụng, người dùng có thể tự bổ sung thông tin, qua đó giúp cho ứng dụng ngày càng hoàn thiện, hỗ trợ học sinh học tập tốt hơn, hoặc hỗ trợ các hoạt động du lịch, tham quan di tích lịch sử…”, Đức Huy kỳ vọng.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)