Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học ngoại ngữ hợp lý, giúp nâng cao tư duy

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều bậc cha mẹ tự đặt câu hỏi: Nên cho trẻ học ngoại ngữ từ lúc nào và học như thế nào là hợp lý? Rất khó có một câu trả lời thỏa đáng, nhưng nhìn chung, học ngoại ngữ sớm và có cách học hợp lý sẽ giúp nâng cao tư duy cho trẻ, tạo điều kiện để trẻ phát triển ngôn ngữ tốt hơn.

Không vội vàng, cũng không đủng đỉnh!

Nhiều phụ huynh muốn con trẻ có thời gian học ngoại ngữ dài nên cho học từ rất sớm, lúc nói tiếng Việt chưa sõi. Các chuyên gia đều cho rằng như vậy là quá vội vàng vì có thể làm trẻ sẽ “quên” tiếng mẹ đẻ. Không chỉ vậy, ngôn ngữ gắn liền với tư duy, nên một khi đã tư duy bằng tiếng nước ngoài thì khả năng tư duy theo lối của tiếng Việt, của người Việt e sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Do đó, nếu trẻ học ngoại ngữ một cách bài bản từ bậc mầm non thì có thể gặp khó khăn khi học tiểu học ở trường công, thậm chí có ít nhiều không thuận lợi khi giao tiếp hàng ngày.

Học sinh tiểu học học ngoại ngữ với giáo viên người bản địa. Ảnh: N.Trinh

Tuy vậy, học ngoại ngữ muộn thì sẽ gặp nhiều khó khăn. Lớn nhất là việc phát âm. Các nguyên âm, phụ âm của tiếng Việt và các ngoại ngữ đều có sự khác biệt lớn, một khi đã phát âm thuần tiếng Việt rồi thì sẽ khó phát âm tiếng nước ngoài. Thí dụ: Chữ “them” trong tiếng Anh (phát âm là /em/), trẻ không được rèn sẽ rất khó đọc đúng, dễ trở thành /dem/ hoặc /zem/… Ở các ngoại ngữ khác cũng có hiện tượng tương tự.

Các chuyên gia cũng cho rằng không nên đợi đến tuổi dậy thì mới bắt đầu học ngoại ngữ. Tuổi hợp lý là bắt đầu bậc tiểu học (6-7 tuổi), sau khi vốn tiếng Việt đã cơ bản hoàn chỉnh. Lúc này trẻ có khả năng nhớ rất tốt và đã nhớ thì ít quên nên học tiếng nước khác thuận tiện, nhất là trong học từ vựng. Việc học ngoại ngữ lúc này sẽ giúp trẻ tư duy tốt hơn cũng như rèn thêm vốn ngôn ngữ cho trẻ. Thí dụ: Học từ “white horse” sẽ giúp trẻ hiểu rằng tiếng Việt có từ tương đương là “bạch mã” hoặc “ngựa trắng” mà không nhầm lẫn “bạch mã” với “mã bạch”, hoặc “ngựa trắng” với “trắng ngựa”. Cả hai trường hợp này đều liên quan trực tiếp đến năng lực tư duy và ngôn ngữ.

Vừa học vừa chơi, vừa học vừa hành

Học ngoại ngữ phải có sự kiên trì, nhẫn nại, không thể nóng vội, đốt giai đoạn. Cha mẹ hiểu được điều đó thì sẽ định hướng con trẻ học tốt hơn!

Vì không nên gò bó nên cần tạo điều kiện cho trẻ vừa chơi vừa học, vừa học vừa hành, thiếu các yếu tố “chơi” và “hành” thì hiệu quả học ngoại ngữ sẽ giảm đi rõ; càng tạo sự liên kết giữa “chơi” và “hành” thì hiệu quả học tập càng cao. Chơi, đó là tạo cho trẻ sự tiếp xúc với ngoại ngữ một cách tự nhiên, gần gũi, chứ không phải là thứ gì đó quá xa lạ, như một lời bật ra trong quá trình giao tiếp, một hình tượng nào đó quanh ta, một sự liên tưởng giữa các hiện tượng, sự vật gần gũi… Hành, đó là sử dụng vốn ngoại ngữ để dùng vào ngay những xử lý đời thường, như để hiểu được một đoạn phim có phụ đề, để đọc được một cuốn truyện tranh bằng ngoại ngữ…

Học ngoại ngữ rất nên tránh cách truyền đạt một chiều, bởi tiếng nước ngoài phải được thể hiện qua phát âm, qua đặt câu, dùng từ, kể cả cách nhấn từ (trọng âm), nhấn câu… Từng đoạn đối thoại sẽ giúp rèn kỹ năng nghe, nghĩ, nói, ứng xử. Nếu nghe sai sẽ dẫn đến nói sai nhưng qua đó cũng tập được cách nghĩ, cách xử lý tình huống; nếu nghe đúng thì có thể trả lời đúng nhưng chưa hẳn đã ứng xử khéo (đơn giản nhất là dùng từ hay câu nào cho phù hợp với đối tượng, với hoàn cảnh…). Khi đã có một vốn từ nhất định và rèn được cách tư duy phù hợp thì việc phát triển các kỹ năng sẽ càng thuận lợi hơn, nhất là tránh sử dụng các câu theo kiểu của tiếng Việt. Dĩ nhiên, từ đây, cũng đặt ngược lại cách nghĩ, cách dùng từ đặt câu bằng tiếng Việt sao cho phù hợp, chứ không khéo sẽ bị “ngoại hóa”.

Tóm lại, học ngoại ngữ phải chú ý tính hợp lý ở ngôn ngữ (chọn tiếng nào cho phù hợp), lứa tuổi, chương trình học, cách thức học, kể cả mục tiêu học.

Trúc Giang

Đừng quá gò bó, áp đặt

Trong thời gian qua, nhiều trường mầm non đã thực hiện việc dạy tiếng Anh cho trẻ từ 3 tuổi. Thực tế không đạt nhiều kết quả tích cực. Bởi phần nhiều lớp học, cách dạy chưa phù hợp, cách kiểm tra, đánh giá cũng chưa sát, nên chơi là chính, học không đáng kể.

Tuy vậy, nếu ngược lại, ngay từ sớm đã áp đặt, đòi hỏi cao thì trẻ dễ chán. Bởi học ngoại ngữ phần nhiều chưa áp dụng ngay, không phải kiểu như học đọc, viết tiếng Việt. Do đó, nên chọn chương trình học ngoại ngữ phù hợp với lứa tuổi, sao cho trẻ thấy vui vẻ, thoải mái; chương trình học nên đối thoại, trao đổi để rèn khả năng phản ứng cũng như tạo sự tự tin, dạn dĩ cho trẻ. Cần chú trọng các loại hình tác động trực quan đối với trẻ (chiếu phim, ca nhạc, hoạt cảnh…) để trẻ có thể cảm thụ đồng thời bằng nhiều giác quan, thì sẽ nhớ lâu hơn, thấm sâu hơn.

 

Bình luận (0)