Nhà ở một địa bàn, công việc làm hàng ngày lại ở một địa bàn khác đã khiến không ít phụ huynh gặp khó khăn trong việc đưa đón con đi học.
Cha mẹ làm một nơi, con học một chỗ
Mặc dù đã bước vào kỳ nghỉ hè nhưng nghĩ đến những tháng ngày vừa qua phải đưa đón con đi học, anh Triều (quận Thủ Đức) lại không khỏi ngao ngán. Ngày nào cũng như ngày đó, cứ chuẩn bị đến giờ tan trường của con, vợ chồng anh Triều lại phân công nhau tranh thủ về sớm đón con. Những hôm nào cả hai vợ chồng không đón được lại đành điện thoại nhờ người thân hoặc bác xe ôm quen gần nhà làm thay nhiệm vụ. “Nhà ở Thủ Đức, 2 con nhỏ lại học ở Trường Tiểu học Đặng Văn Bất (quận Thủ Đức), nhưng vợ tôi thì làm ở quận 8, tôi thì làm ở quận 3 nên việc đưa đón con cái đến trường cực lắm cô ơi. Sáng ra tiện đường đi làm chở con đi cùng thì không sao, nhưng đến giờ tan trường thì hai vợ chồng cứ phải nhắn tin, điện thoại xem liệu ai có thể về sớm được để đón con. Vì đoạn đường từ cơ quan của hai vợ chồng chạy về đến Thủ Đức cũng hơn nửa tiếng, chưa tính kẹt xe, không thể kịp được việc đón con nếu như về đúng giờ tan sở. Thông thường gia đình nhờ đến xe ôm là chính, vì đâu phải hôm nào cũng được về sớm và đâu phải hôm nào cũng nhờ được người thân. Nhiều lúc hai vợ chồng muốn xin cho con về quận 3, hoặc quận 8 học để tiện đưa đón nhưng sợ không được vì trái tuyến”, anh Triều thổ lộ.
Phụ huynh đưa đón con đi học. Ảnh: I.T
Với vợ chồng anh Minh (nhà đường Trần Quốc Thảo, quận 3) cũng đang “ngồi trên lửa” vì không biết năm tới hai vợ chồng phải tìm cách như thế nào để đưa đón con. Năm nay con gái anh Minh vào lớp 1, đúng tuyến là Trường Tiểu học Kỳ Đồng (quận 3), tuy nhiên hai vợ chồng lại làm việc tận khu dân cư Sông Giồng (quận 2). Anh Minh chia sẻ: Mặc dù Trường Tiểu học Kỳ Đồng rất gần nhà, điều kiện dạy học tốt nhưng hôm nào hai vợ chồng cũng cứ đi làm tận tối mới về tới nhà. Lớp mầm non cháu học trường tư thục gần nơi công tác, nay vào cấp 1 phải thực hiện đúng tuyến khiến vợ chồng tôi chưa biết đưa đón con ra sao. Ông bà người thân ở tận ngoài quê. Để cháu đi bộ đến trường thì không an tâm vì cháu mới có 6 tuổi. Kỳ tuyển sinh sắp tới, trước mắt tôi cứ thử nộp hồ sơ vào Trường Tiểu học An Phú (quận 2), gần công ty hai vợ chồng làm và trình bày hoàn cảnh gia đình mong Ban Giám hiệu nhà trường xem xét. Nếu không được, chắc vợ chồng tôi phải thuê xe ôm hoặc tìm cách khác như nhờ bảo mẫu, bảo vệ để mắt đến các cháu thêm chút thời gian.
Học xa nhà chưa chắc đã tốt
Có không ít vấn đề khiến phụ huynh gặp khó khăn về thời gian đón con cái. Ngoài nơi làm việc của cha mẹ xa trường học con cái thì một số gia đình lại bận buôn bán, công việc đột xuất… Vì thế vào giờ tan học, bảo mẫu một số trường đã phải nán lại để trông nom những học sinh có bố mẹ đến đón muộn.
Cô Phan Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trương Quyền (Q.3) chia sẻ, “Mỗi ngày trường tôi có đến gần chục em về muộn so với giờ tan trường với nhiều lí do khác nhau. Vì sự an toàn của các em, đội ngũ bảo mẫu luôn trông nom và chỉ ra về khi đã giao các em đến tay phụ huynh. Nếu muộn quá thì bảo mẫu nhờ đến bảo vệ trông các em”.
Thầy Bùi Ngọc Phi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trọng Tuyển (Q.Bình Thạnh) cũng cho rằng, đối với trường hợp học sinh chưa có ba mẹ đến đón kịp giờ, bảo vệ nhà trường luôn đứng ra trông nom các em.
Tại một số quận huyện, trong quá trình tuyển sinh đầu cấp đã linh động giải quyết những trường hợp phụ huynh khó khăn thời gian đưa đón con. Đa số ưu tiên cho con em cán bộ, nhân viên có hộ khẩu gia đình ở quận khác nhưng làm việc ngay tại quận đó. Như thế con cái có thể học gần nơi cha mẹ công tác và cha mẹ thuận tiện khi đưa đón con.
Cô Võ Ngọc Thu, nguyên Trưởng phòng GD-ĐT quận 5 cho biết: “Dù muốn, dù không thì mỗi năm quận 5 vẫn phải giải quyết khoảng 20% cho những trường hợp trên. Các em sẽ được nhận vào các trường còn chỗ học, và yêu cầu phụ huynh phải có giấy xác nhận cơ quan công tác để tránh trường hợp chạy trường”.
“Mặc dù quận 5 rất tạo điều kiện nhưng chúng tôi vẫn luôn luôn tư vấn cho phụ huynh không nên cho con đi học ở trường quá xa khu nhà ở, đặc biệt là nhà ở quá xa so với địa bàn làm việc. Đối với phụ huynh sẽ tiện đường đưa đón con, nhưng các em học sinh tiểu học còn quá nhỏ, sẽ rất mệt mỏi khi phải di chuyển quãng đường xa từ nhà đến trường. Sáng ra phải dậy sớm, di chuyển trên các tuyến đường xe đông, bụi bặm, ồn ào. Chưa kể mùa mưa đến, nước ngập, kẹt xe, cha mẹ vất vả 1 thì con cái vất vả 10. Và sức khỏe, việc học hành của trẻ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng”, cô Thu cho biết thêm.
Ngọc Trinh
Bình luận (0)