Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học nghề ở trường phổ thông – Cưỡi ngựa xem hoa

Tạp Chí Giáo Dục

Đăng ký học nghề nhưng học sinh không có nhiều lựa chọn môn học theo sở thích, sở trường. Không chỉ học nghề lơ mơ, không thể thực hành, đa phần học sinh chỉ nhắm tới mục đích lấy điểm nghề để được cộng điểm khuyến khích. Bao giờ môn học này đổi mới theo hướng thực học và giúp học sinh định hướng nghề nghiệp tương lai phù hợp?

Phạm vi chọn nghề hẹp

Đến hẹn lại lên, cứ vào đầu tháng 6, học sinh bậc THCS và THPT ở TPHCM lại bước vào kỳ thi nghề. Theo Sở GD-ĐT TPHCM, năm nay toàn TP có trên 132.000 học sinh tham gia thi nghề. Trong tổng số 11 nghề quy định thì tin học được chọn học nhiều nhất. Tiếp đến là nghề điện dân dụng, dinh dưỡng, thủ công. Khảo sát thực tế cho thấy do thiếu điều kiện về cơ sở vật chất lẫn đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp, nhiều trường đã bó hẹp phạm vi học nghề, học sinh chỉ được học những nghề mà nhà trường có thể dạy như tin học, thủ công, dinh dưỡng, điện dân dụng… Thậm chí, để tiện quản lý, có trường THCS bắt cả lớp chỉ được học một nghề nên cả nam lẫn nữ đều phải tuân theo. 

Nấu ăn và tin học được nhiều học sinh chọn làm môn học và thi nghề. Ảnh: Khánh Huy

Một hiệu trưởng bộc bạch: “Giáo dục dạy nghề nhằm định hướng và giúp các em hiểu biết về ngành nghề tổng thể hoặc một nghề cụ thể nào đó. Muốn biết kỹ lưỡng, hình dung về một nghề cụ thể thì phải kết hợp học với hành. Nhưng nhà trường chủ yếu dạy lý thuyết là chính. Muốn thực hành đòi hỏi phải có đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật, vật tư nguyên liệu và điều này vượt khả năng của trường học…”. Một thực tế đáng đề cập nữa là do thiếu đội ngũ giáo viên chuyên trách dạy môn nghề, nhiều trường phải bố trí giáo viên dạy kiêm nhiệm (như vừa dạy môn vật lý – kỹ thuật công nghiệp vừa phụ trách dạy nghề điện dân dụng; hoặc dạy môn sinh học thì kiêm luôn dạy nghề trồng trọt – chăn nuôi…). Đó là chưa kể, có trường bổ sung giáo viên dôi dư, chưa đảm bảo tiết dạy quy định sang dạy nghề nên học sinh hiểu về nghề lơ mơ, “chẳng đến đầu đến đũa”.

“Cứu cánh” cho học trò yếu?

Theo Sở GD-ĐT TPHCM, hàng năm có khoảng trên dưới 130 ngàn học sinh THCS và THPT đăng ký thi nghề nhưng chỉ tập trung ở các nghề như tin học, dinh dưỡng (nấu ăn), điện gia dụng. Còn công nghệ may, cơ khí… rất ít người học vì các trường không dạy. Hơn nữa học sinh chọn các môn học nghề phổ biến trên cũng vì dễ lấy điểm, còn chạy theo nghề yêu thích thì có khi bị điểm thấp. Có lẽ, do được “mồi” học nghề là để cộng thêm điểm trong các kỳ thi quan trọng như chuyển cấp vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT nên đa phần học sinh chọn môn học nghề để lấy điểm khuyến khích là chính. 

Học sinh phổ thông TPHCM thi nghề môn tin học chiếm tỷ lệ cao nhất.

Theo một số hiệu trưởng trường THPT, bất cập còn thể hiện ở chỗ chương trình quy định nghề là môn học bắt buộc, nhưng dạy đứt quãng và giới hạn đối với học sinh lớp 9 và 11. Tuy các em phải làm các bài kiểm tra, có ghi sổ điểm, nhưng không đưa vào đánh giá xếp loại học lực mà chỉ nhằm mục đích xếp loại hạnh kiểm, cuối khóa học được cấp chứng chỉ nghề phổ thông. Đây là thực tế khiến môn học giáo dục nghề nghiệp dù duy trì nhiều năm qua nhưng không mang lại ý nghĩa và hiệu quả như đặt ra.

Với nhiều trường có chất lượng đào tạo không cao, đầu vào có nhiều học sinh trung bình khá thì xem đây là “cứu cánh” để học trò chạm vào suất học lớp 10 trường công lập hoặc đậu tốt nghiệp THPT. Như thế sẽ tạo ra sự thiếu công bằng trong đánh giá học lực, nhất là kỳ thi cạnh tranh vào lớp 10 công lập. Đã có nhiều ý kiến đề nghị ngành GD-ĐT nên bỏ điểm cộng khuyến khích này. Do mục đích học nghề như thế, nên học sinh phổ thông cũng học theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” chứ không phải học để biết, để làm. 

Giáo dục hướng nghiệp dạy nghề là môn học bắt buộc ở trường phổ thông và Bộ GD-ĐT đặt kỳ vọng nó sẽ giúp học sinh làm quen với các nghề phổ thông, rèn luyện trải nghiệm lao động. Nhiều ý kiến cho rằng, đã học nghề thì phải đến trung tâm – nơi có đội ngũ giáo viên chuyên trách, học đi đôi với hành, với thiết bị đầy đủ. Để làm tốt việc hướng nghiệp dạy nghề, nhà trường nên tổ chức các khóa học ngoại khóa, đi thực tế tại các nhà máy, xưởng sản xuất, siêu thị… để các em tiếp cận với các nghề trong xã hội.

Xây dựng mô hình liên kết 3 bên

Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Hoa Sen phân tích, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông đòi hỏi một quá trình liên tục, bài bản và rất cần đội ngũ giáo viên chuyên trách, có kiến thức, kỹ năng tư vấn, hướng nghiệp. Để tạo cầu nối, rút ngắn khoảng cách lệch pha trong hướng nghiệp, chọn nghề cho học sinh phổ thông, định hướng đúng nhu cầu của xã hội lẫn thị trường lao động thì cần xây dựng mô hình liên kết ba bên. Đó là trường phổ thông – doanh nghiệp và trường đại học. Sự tương tác này sẽ tạo môi trường trải nghiệm thực tế, trang bị kiến thức, sự hiểu biết về nghề nghiệp cho học sinh phổ thông trước khi bước vào đời.

 
 

Theo KHÁNH BÌNH/ SGGP

 

Bình luận (0)