Xây dựng nhà thông minh, giao thông thông minh, các tiện ích thông minh… Đó là những ý tưởng về một thành phố hiện đại được học sinh lớp 12A3 Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM) hiện thực hóa qua dự án “Khu đô thị thông minh”. Dự án có sự hỗ trợ của cô Nguyễn Ngọc Hương Mỹ (Tổ trưởng Tổ vật lý) và cô Thái Thị Tuyết Mơ (giáo viên môn công nghệ).
Một nhóm học sinh đang thuyết trình về ngôi nhà thông minh
Trước khi bắt tay xây dựng “thành phố trong mơ”, 40 học sinh lớp 12A3 đã có cuộc nói chuyện với ba mẹ nhằm xin tiền tài trợ cho dự án. “Thông qua cách kết nối này, các phụ huynh sẽ hiểu hơn việc học của con ở trường để có sự đồng hành, ủng hộ. Về phía học sinh, các em buộc phải có trách nhiệm với chính sự ủng hộ, tin tưởng của ba mẹ mình, phải xây dựng kế hoạch cụ thể và sử dụng sao cho hợp lý số tiền ba mẹ tài trợ”, cô Mỹ chia sẻ.
Để xây dựng thành phố thông minh, các em áp dụng những kiến thức đã học trong hai môn vật lý và công nghệ, như: kiến thức về lắp ráp mạch điện, ứng dụng của cảm biến trong môn vật lý; kiến thức về thiết kế bản vẽ xây dựng trong môn công nghệ. Qua 2 tháng triển khai, 5 mô hình về một “thành phố trong mơ” đã được các em phác họa thật chi tiết, bao gồm: 3 thiết kế nhà thông minh được cài đặt hệ thống kiểm soát rò rỉ khí gas, hệ thống chống trộm điều khiển từ xa qua điện thoại, siêu thị và hệ thống cửa tự động; hệ thống đèn giao thông thông minh và xe tự hành đưa rước trong khu dân cư. “Mỗi nhóm học sinh phải thiết kế bản vẽ thật chi tiết và dự trù kinh phí xây dựng cụ thể để hạn chế tối đa chi phí phát sinh thêm. Từ điều này, các em sẽ tự mình tiếp cận với phương pháp học tập khoa học, hình thành những kỹ năng nền tảng về làm việc khoa học, làm việc nhóm, xây dựng kế hoạch. Đồng thời, dự án còn là cơ hội để các em trải nghiệm ở nhiều ngành nghề khác nhau như kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, lập trình điện tử, kế toán, từ đó định hướng những công việc phù hợp với năng lực của bản thân”, cô Mỹ thông tin.
Giáo viên và học sinh lớp 12A3 bên các mô hình
Em Hồ Hồng Thành (thành viên thiết kế hệ thống đèn đường thông minh) cho biết: “Mang tiếng là thông minh nhưng hệ thống đèn đường chỉ được lập trình bằng những ngôn ngữ khá đơn giản. Theo em, hệ thống đèn giao thông thông minh không hẳn chỉ nằm ở công nghệ mà phụ thuộc chủ yếu vào ý thức con người. Qua hệ thống đèn đường này, chúng em mong muốn mọi người tham gia giao thông có ý thức và văn hóa hơn”. Tương tự, với hệ thống chuông báo trộm và mạch cửa tự động trong nhà thông minh, em Trần Phạm Thanh Quang bày tỏ: “Đô thị thông minh trong mắt chúng em chỉ đơn giản là một thành phố mà song song với tiện ích, kết nối thì con người còn phải được bảo vệ một cách an toàn”. Trong khi đó, qua sáng tạo thiết bị cảnh báo khí gas, em Phạm Ngọc Châu lại quan niệm rằng, một đô thị thông minh là phải vừa kết hợp được công nghệ 4.0, vừa phải tiết kiệm nguyên liệu, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Ngoài kiến thức bài học, dự án “Khu đô thị thông minh” còn là cách học sinh thể hiện trách nhiệm của tuổi trẻ học đường cùng chung tay và đồng hành trong việc xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, hiện đại, nghĩa tình. “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, những mô hình ở dự án “Khu đô thị thông minh” dù còn sơ khai và đơn giản nhưng đó chính là mong muốn, là ước mơ về thành phố thông minh trong mắt học sinh: hiện đại và ý thức, nghĩa tình, đầy trách nhiệm và xanh khi những mô hình được làm chủ yếu từ vật liệu tái chế. Từ đó là động lực để các em cố gắng phấn đấu, nỗ lực vì thành phố thân yêu”, cô Mỹ nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Đ.Yến
Bình luận (0)