Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Học sinh “kiệt sức” bởi các hoạt động ở trường

Tạp Chí Giáo Dục

Trước việc học khá nặng nề về nội dung chương trình và thi cử căng thẳng, nhiều học sinh hiện nay còn ngao ngán trước tình cảnh bị “vắt kiệt sức” vì các hoạt động dày đặc của nhà trường. Đáng nói là có rất nhiều hoạt động mang tính hình thức, rất tốn thời gian cho học sinh. Một em lớp trưởng lớp 11 mà tôi quen biết lắc đầu ngao ngán nói: “Khi mới vào lớp 10, em học rất giỏi. Sau 2 năm lớp 10 và 11 làm lớp trưởng, giờ lực học của em phải cố gắng lắm mới đạt khá. Công việc của lớp, của trường quá nhiều, nhiều khi em phải bỏ tiết học…”. Tương tự như thế, một bí thư chi đoàn lớp cũng cho biết: “Em rất thích hoạt động Đoàn. Nhưng tới đây em sẽ không tham gia nữa vì hoạt động Đoàn ở trường cứ xoay như chong chóng, quá mất thời gian, làm ảnh hưởng đến kết quả học tập của em”.

Hoạt động kỹ năng, Đoàn – Đội là cần thiết, nó giúp cho đoàn viên, học sinh năng động hơn. Tuy nhiên, nếu bị lạm dụng sẽ trở nên nặng nề, ám ảnh học sinh. Làm cho học sinh tham gia không hết mình, đối phó chiếu lệ. Ở nhiều trường, học sinh không biết đến giờ chơi là gì vì nhà trường tận dụng hết cả thời gian này để lên kế hoạch hoạt động. Nhiều cán sự lớp phải choàng gánh công việc cho tập thể lớp, giám thị, giáo viên, thi đua, phong trào, hoạt động quá nhiều. Chiếm mất hết cả thời gian học tập, nghỉ ngơi của các em. Chủ trương của ngành giáo dục là giảm áp lực việc học, tăng thời gian nghỉ ngơi cho học sinh nhưng nhiều trường đã “tước” luôn ngày nghỉ cuối tuần của các em.

Có quá nhiều hoạt động chồng chéo từ nhiều bộ phận nhà trường đưa ra, như từ ban lãnh đạo trường, Đoàn Thanh niên, giám thị, tổ bộ môn… Oái oăm là các hoạt động dày đặc ấy xuất phát từ chỗ ai cũng muốn “thể hiện”, bộ phận nào cũng muốn khẳng định “vai trò” của mình trong nhà trường, nên đã chuyển thành áp lực của các tiêu chí thi đua. Áp lực ấy chuyển thành gánh nặng và hậu quả là học sinh phải gánh lấy! Các tháng chủ điểm thì hoạt động càng nặng nề hơn. Một phụ huynh có con học tiểu học mệt mỏi tâm sự với tôi: “Để có một tiết mục múa biểu diễn cho dịp lễ 20-11 vừa qua, cô chủ nhiệm của lớp con tôi phải cho các cháu tập trước hơn một tháng, tôi phải ở lại trường cùng cháu mỗi tuần ba buổi chiều tối. Cháu phải đóng tiền mua nước uống. Phụ huynh phải may một đồng phục cho con và mua một nón kiểu để trình diễn…”. 

Là một người luôn đồng hành với việc học của học sinh, của con mình, tôi thiết tha các trường cần có sự điều chỉnh, thay đổi các hoạt động phù hợp hơn. Đừng quá hình thức mà cần đi vào thực chất, đảm bảo hài hòa với việc học tập, nghỉ ngơi của các em.

Trn Nhân Hu Nguyên

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)