Y tế - Văn hóaThư giãn

Chuyện con chuyện cha

Tạp Chí Giáo Dục

60 câu chuyện nhỏ trong Chuyện con chuyện cha của tác giả Phúc Lai chia sẻ với bạn những bí quyết khá hấp dẫn.
Những chuyện trò hằng ngày của người cha với con mình được ghi lại, làm nên kỷ niệm để lưu dấu và nhớ nhung mãi khi bọn trẻ đã lớn. Chuyện con chuyện cha - NXB Trẻ - hệt như một cuốn nhật ký, trong đó là những năm tháng đầy yêu thương của cha và con - Ảnh: Nhã Linh
Những chuyện trò hằng ngày của người cha với con mình được ghi lại, làm nên kỷ niệm để lưu dấu và nhớ nhung mãi khi bọn trẻ đã lớn. Chuyện con chuyện cha – NXB Trẻ – hệt như một cuốn nhật ký, trong đó là những năm tháng đầy yêu thương của cha và con – Ảnh: Nhã Linh

Trẻ con là chúa tò mò, hay thắc mắc những việc xảy ra xung quanh mình. Để có thể giải đáp câu hỏi của con trẻ sao cho vừa dễ hiểu, thuyết phục mà vẫn mang lại cho trẻ những bài học ý nghĩa, bạn phải có bí quyết riêng.

Chuyện con chuyện cha là cuốn tạp văn gần gũi, dễ thương nhưng không kém phần ý nghĩa kể về cuộc sống thường nhật của người cha với hai đứa con nhỏ.

Cậu con trai lớn mới vào lớp 1 có cả ti tỉ thắc mắc trong bụng, thường hay mang những vấn đề chưa hiểu hỏi ba. Những câu hỏi của cậu ngây ngô mà rất đáng yêu như “xổ số là gì hả ba ?”, “hi vọng là gì ?”, hay “tại sao nhà mình không mua ôtô ?”, thậm chí “cái chết là gì ?”…

Người cha trong câu chuyện đã kiên nhẫn giải thích mọi thứ cho con một cách đơn giản dễ hiểu nhất. Đồng thời ông còn khéo léo dẫn dắt câu chuyện hướng đến những bài học cuộc sống ý nghĩa, dạy con trai những giá trị đạo đức và cách sống trở thành người tử tế.

Còn với cô con gái nhỏ mới học mẫu giáo, bướng bỉnh và hay mè nheo, người cha ấy lại có “cách đối phó” riêng.

Ông dỗ ngọt con, nịnh con bằng những chiêu hết sức thú vị như cho con xem bộ phim hoạt hình có cô gái dễ thương mặc váy hồng con thích, rồi hỏi con có muốn đi tắm nước nóng như cô gái váy hồng xinh xắn kia không…

Người lớn là tấm gương để con trẻ học theo nên người cha trong Chuyện con chuyện cha không chỉ dạy con bằng lời mà còn dạy con bằng chính cách cư xử và hành động của mình.

Chẳng hạn như ông dạy con cách cư xử văn hóa, lịch sự bằng việc cùng con xếp hàng ở tiệm KFC; lấy mình làm gương dạy con không được xả rác hay hút thuốc nơi công cộng, không tùy tiện hắt nước ra đường…

Cùng con trò chuyện hằng ngày, giải đáp thắc mắc của con, cùng con chơi, cùng con học, cùng con quan sát, chia sẻ suy nghĩ, ý tưởng… người cha ấy dần dần trở thành người bạn thân thiết tin cậy của các con. Khi con nản lòng, cha ở bên động viên.

Khi con gặp rắc rối với bạn bè, cha ở giữa khuyên giải. Khi con làm sai, cha phạt con tự suy nghĩ…

Người cha dường như không dừng lại ở việc giáo dục trẻ nhỏ mà còn “nhắc” các bậc phụ huynh, những người ảnh hưởng trực tiếp nhân cách của trẻ, những người mà trẻ sẽ bắt chước từng lời ăn tiếng nói đến cách xử sự, hành vi thường ngày.

“Mưa lâu thấm sâu”, chỉ xoay quanh những chuyện lặt vặt hằng ngày: ăn cơm, học bài, trong nhà và ngoài đường phố, nơi công cộng.

Nhưng cha thủ thỉ, con lắng nghe, con thắc mắc, cha giải đáp… người cha đã khéo léo hướng dẫn lòng dũng cảm, cách sống chân thực, thẳng thắn, lối cư xử lễ phép, tế nhị, văn hóa, với mong mỏi các con sẽ biết quan tâm, có ích cho xã hội.

Đây chẳng phải tâm tình riêng của một người làm cha, mẹ.

MINH PHƯỢNG (TTO)

 

Bình luận (0)