Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ra ngõ là gặp… học sinh giỏi!

Tạp Chí Giáo Dục

Vào thời điểm này, các trường học trong cả nước đang gấp rút ôn tập để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sắp tới. Chuyện ôn tập như vậy là bình thường nhưng nhiều nơi đang có hiện tượng “bơm điểm” cho học sinh. Vì theo quy chế thi mới, điểm tổng kết cả năm của lớp 12 sẽ được tham gia tính điểm tốt nghiệp. Một số trường ĐH xét cả điểm tổng kết cả năm của lớp 12 để tham gia xét tuyển vào ĐH. Thế thì “tội gì” mà không nâng điểm cho học sinh của mình?

Ảnh: Nguồn Internet

Vì thế, hiện nay tìm được một học sinh lớp 12 có học lực “khá” hoặc “trung bình” thật vất vả! Hầu như chỉ có “giỏi” và “giỏi” mà thôi. Ngày xưa “Ra ngõ gặp anh hùng” thì ngày nay “Ra ngõ là gặp học sinh giỏi, học sinh xuất sắc”. Có những trường vùng sâu ở Sóc Trăng, Hậu Giang các năm trước đều có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100% thì nay cũng đang lo sốt vó vì năm nay thi chung theo cụm. Nhưng điểm số tổng kết cuối năm của học sinh vẫn cao ngất ngưởng, “chạm trần” và có khi “vượt trần” luôn!

Thầy, cô ở các trường dạy lớp 12 được rộng tay “phóng điểm” bằng thích! Nhiều em ngỡ ngàng vì sao mình cũng là “học sinh giỏi”? Ngày xưa chúng tôi đi học, cách đây khoảng hơn 40 năm về trước; đạt được danh hiệu “Học sinh giỏi” là phải phấn đấu cật lực, “trầy vi tróc vảy” mới có được! Nay “căn bệnh thành tích” không những không thuyên giảm mà còn có chiều hướng nặng hơn!

Giả sử có trường ĐH xem xét điểm học bạ để tham gia xét tuyển, nhiều học sinh sẽ “đạt được nguyện vọng” nhưng không thực chất ngay từ khâu xét điểm học bạ. Bởi điểm trong học bạ luôn được “chăm chút, nâng niu” nên rất đẹp, rất tròn trĩnh từng con số điểm 9, điểm 10!

Nếu được vào học ĐH, các em sẽ học rất vất vả, thậm chí theo không kịp vì không có nền tảng kiến thức thực chất, nền tảng kiến thức của bản thân mình! Đó chỉ là kiến thức ảo, điểm ảo để vượt qua “cửa ải” kỳ thi tuyển một cách tinh vi, “hợp pháp”…

Nếu làm như vậy, có phải là thương các em hay hại các em?

Thạch Xương Bồ

Bình luận (0)