Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học sinh lớp 12 bắt đầu học theo định hướng thi

Tạp Chí Giáo Dục

Các trường THPT tại TP.HCM đã bắt đầu xây dựng và triển khai việc học và chuẩn bị kiến thức theo định hướng kỳ thi THPT.
Học sinh lớp 12 tại TP.HCM	 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Học sinh lớp 12 tại TP.HCM. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Từ thông tin của Bộ GD-ĐT, kỳ thi năm 2021 sẽ giữ ổn định như năm 2020 nên thầy Phạm Lê Thanh, Trường THPT Tân Phú (Q.Tân Phú, TP.HCM), nói rằng đây là một tín hiệu đáng mừng cho cả học sinh (HS) và giáo viên (GV) vì ngay từ đầu năm học, thầy và trò đều có thể chủ động trong khâu xây dựng chương trình học tập và có lộ trình ôn tập trong năm học thật tốt. Ngoài ra, trường có thể kết hợp việc phân luồng HS theo từng đối tượng khác nhau để có chương trình ôn luyện phù hợp ở thời điểm kết thúc năm học, tiến tới ôn thi giai đoạn cuối.
Bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), thông tin cuối năm lớp 11 nhà trường đã có bước thăm dò việc lựa chọn bài thi tự chọn của gần 600 HS. Kết quả cho thấy trường có 15 lớp 12 thì phân chia thành 13 lớp HS chọn bài thi khoa học tự nhiên, 2 lớp chọn bài thi khoa học xã hội. Ở học kỳ 1, HS sẽ học đều tất cả các môn, sau đó sang học kỳ 2 sẽ thực hiện một trong 2 phương án mà trường đang xây dựng. Cụ thể, trong trường hợp Bộ quyết định tách đầu điểm bài thi thành phần thì nhà trường sẽ xếp thời khóa biểu phù hợp với HS có các thế mạnh khác nhau. Còn nếu Bộ chỉ tính một đầu điểm cho bài thi tự chọn thì trường sẽ cân đối các môn với thời lượng tương đương để sao cho các HS đảm bảo không có sự chênh lệch quá lớn giữa các môn thành phần. Việc làm này cũng giúp HS chuẩn bị kiến thức và kỹ năng các môn học phù hợp với định hướng yêu cầu, cấu trúc của bài thi đánh giá năng lực của các trường ĐH.
Còn ông Lê Văn Linh, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Bình (Q.Tân Bình), cho biết với HS khối 12 thì kế hoạch vừa học vừa ôn, vừa luyện bắt đầu ngay từ ngày 15.9. Những năm trước, nhà trường tổ chức kiểm tra định kỳ hằng tháng nhưng nay còn ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhà trường tổ chức kiểm tra 2 bài cho mỗi học kỳ.
Ông Lê Văn Linh cho biết, sau mỗi đợt kiểm tra, ban giám hiệu sẽ cùng GV các bộ môn phân tích những trường hợp chưa tiến bộ, khúc mắc ở khâu nào để có lộ trình bổ sung kiến thức phù hợp. Trong trường hợp cần thiết có thể một GV kèm một HS.
GV từng bộ môn cũng có kế hoạch giảng dạy phù hợp. Chẳng hạn đối với bộ môn hóa học, theo giáo viên Lê Thanh, HS sẽ tìm hiểu những quy định chung về nội dung, kiến thức sau khi tinh giản chương trình cùng nội dung kiến thức thể hiện ở các đề thi minh họa trong các năm gần nhất. Nội dung chương trình học sẽ thực hiện theo 2 lộ trình chính: Thứ nhất chú trọng vấn đề lý thuyết chủ đạo, bài tập thực nghiệm và cơ bản, trọng tâm thực hành và thí nghiệm dưới dạng chủ đề và chuyên đề tích hợp. Thứ hai là giai đoạn phân luồng HS theo học lực, theo môn thi, bài thi tổ hợp môn để có chương trình ôn luyện định hướng phù hợp ở giai đoạn ôn thi nhằm phục vụ tốt nhất cho kỳ thi THPT. Ngoài ra, nội dung giảng dạy được xây dựng năm nay theo hướng phát triển năng lực tự học của HS, phát huy khả năng tư duy, sáng tạo, giảm áp lực, phù hợp với quy chế đánh giá, xếp loại HS mới nhất.
Còn cô Lê Thị Ngọc Dung, GV Trường THPT Marie Curie (Q.3), thì cho hay sẽ tổ chức các chuyên đề kiến thức để vừa dạy, vừa bổ sung và ôn tập cho HS lớp 12. Đặc biệt, với những HS có định hướng xét tuyển bằng kết quả thi THPT với các tổ hợp môn xét tuyển thì có thêm thời gian cho việc ôn các môn định hướng.
Theo Bích Thanh/TNO

 

Bình luận (0)