Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hành trang vào đời

Tạp Chí Giáo Dục

Con đường vào đời khởi nghiệp bao giờ cũng bỡ ngỡ, gập ghềnh với mọi người, nhất là tuổi trẻ.

Để những năm tháng vào đời được dễ dàng thuận lợi, tuổi trẻ không thể không phấn đấu hiện thực hóa các điều cơ bản sau ngay trên ghế học đường.

Thứ nhất, chuẩn bị tốt những hành trang cần thiết

Đúng như đại văn hào Goethe đã nói: “Anh phải có cái gì thì anh mới làm được cái gì”. Anh muốn đi buôn thì phải chuẩn bị vốn. Anh muốn làm nhà khoa học thì phải có tri thức. Đến với những bước đi đầu đời trên đường khởi nghiệp bạn trẻ không thể thiếu 3 điều cơ bản là trữ lượng kiến thức kỹ năng mình đã tích tụ được và một ý thức mạnh mẽ sẵn sàng cho công việc cùng những hiểu biết nhất định về nó mà bạn sẽ đảm nhận. Để có các yếu tố đó bạn phải khẩn trương tích lũy rèn luyện ngay khi ở trường phổ thông cũng như khi bước chân vào giảng đường ĐH chứ không đợi đến khi gần mãn khóa đào tạo, dù có “vắt chân lên cổ mà chạy” cũng không sao đáp ứng nổi. Một thực tế không thể phủ nhận là những học sinh, sinh viên nào học tập xuất sắc, có quá trình tham gia tích cực các hoạt động của lớp, của trường… đều dễ dàng lọt vào “mắt xanh” của các nhà tuyển trạch và luôn tự tin gặt hái nhiều thành công ngay từ những ngày đầu đặt chân lên con đường khởi nghiệp. Không ít bạn sợ mất thời gian, sợ phân tán tư duy, tư tưởng nên rất ngại tham gia các hoạt động này. Hậu quả là những bạn này tỏ ra rất lúng túng, thiếu hẳn sự mạnh dạn tự tin cùng các kỹ năng tổ chức, tiếp cận khi bắt đầu khởi nghiệp một việc được giao.

Sinh viên khởi nghiệp bằng những gian hàng bán đồ tự làm. Ảnh: M.Tâm

Vì thế để chuẩn bị tốt cho việc vào đời mỗi học sinh, sinh viên không thể không chủ động, tích cực hóa các hoạt động học tập. Và đừng quên trước khi đến với công việc mà mình được tiếp nhận hãy dành thời gian, tâm lực tìm hiểu về nó càng sâu, càng kỹ càng tốt. Hãy coi những việc đó không bao giờ là sớm, nhưng cũng không bao giờ là muộn.   

Thứ hai, chấp nhận thử thách

Những ngày mới tập đi bất cứ một em bé nào cũng chấp nhận việc ngã lên ngã xuống. Vạn sự khởi đầu nan là vậy. Việc vào đời khởi nghiệp, một bước ngoặt có ý nghĩa trọng đại trong việc quyết định sự tồn tại với mỗi người, việc gặp khó trong những ngày đầu là lẽ đương nhiên. Giữa việc học và việc làm bao giờ cũng có một khoảng cách không nhỏ. Một thực tế là không mấy sinh viên khi ra trường tìm được việc đúng ngành mình đã học, đúng việc mình tâm đắc. Nếu cứ kén cá chọn canh mãi sẽ vô tình để tuột mất cơ hội việc làm. Vì vậy trong bước đường khởi nghiệp bạn nên thường trực ý thức chấp nhận mọi thử thách, mọi gian khổ, mọi sự kém may mắn kể cả “hy sinh”. Bởi “Thành công nào cũng có cái giá của nó. Thành công dễ dàng chỉ là sự khởi đầu của một tai họa”, S.Bauvi nói.

Thứ ba, khiêm nhường học hỏi và sáng tạo

“Khiêm tốn bao nhiêu cũng thiếu. Kiêu căng một tý đã thừa”. Câu châm ngôn ấy càng đúng với những ai đang trên đường khởi nghiệp. Vừa bước ra từ ghế học đường, kinh nghiệm công việc chưa hề được tích lũy. Nếu không khiêm tốn học hỏi bạn sẽ khó mà nắm bắt được bản chất, kỹ năng cần thiết của ngành nghề được lựa chọn. Những kiến thức học được nơi giảng đường dù cố gắng bao nhiêu cũng vẫn hữu hạn. Trong khi công việc khởi nghiệp lại luôn đặt ra những đòi hỏi vô hạn về những quy trình, những thao tác, những tình huống mới lạ phức tạp mà nếu không năng khiêm tốn học hỏi, cập nhật, sáng tạo bạn sẽ bị chính công việc ấy đào thải. Học trong trường, trong sách vở đã quý. Song càng quý hơn, cần thiết hơn khi biết học trong thực tế công việc.

Thứ tư, không ngừng hoàn thiện bản thân

Karl Marx đã chỉ rõ: “Con người là sự tổng hòa của các mối quan hệ xã hội”. Bạn sẽ không thể tồn tại để làm việc nếu không thiết lập được các mối quan hệ với mọi người xung quanh, với môi trường làm việc và với chính công việc mà bạn khởi nghiệp. Sự ngỡ ngàng, lạ lẫm, rụt rè, thiếu tự tin trong những ngày tháng vừa chân ướt chân ráo bước vào nghề sẽ nhanh chóng chấm dứt nếu bạn khẩn trương tranh thủ được sự cảm tình quý mến, tin yêu, giúp đỡ của đồng nghiệp, của các sếp. Để điều đó thành hiện thực bạn không thể chinh phục nó bằng “mưu mẹo”, bằng nghệ thuật sống theo kiểu đối phó, xun xoe phỉnh nịnh mà trước hết bằng cái tâm thực lòng, cái trí thực tài, cái ý thức thực bụng hết mình, tâm huyết miệt mài say sưa với công việc vừa được tiếp cận. Khi bạn đã khẳng định được những giá trị của mình thì mọi sự khẳng định khác sẽ dễ dàng được xác tín. Tất cả quyết định ở sự chân thành, khiêm nhường học hỏi, luôn thông qua các mối quan hệ mà nhận ra sự khiếm khuyết để không ngừng hoàn thiện mình. Đó thực sự là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của bạn trên đường vào đời khởi nghiệp đầy mới mẻ, thách thức.

NGƯT Nguyễn Ngọc Ký

Cần tự tin khi đối mặt khó khăn

Những ngày đầu mới đặt chân vào con đường mưu sinh, sự tự tin là điều quyết định giúp bạn nhanh chóng nắm bắt, làm chủ những bước khởi nghiệp đầu đời. Nếu không tỉnh táo, tự tin bạn sẽ mất đi sự sáng suốt và sẽ rơi vào trạng thái bối rối, bí bách không sao tìm ra lời giải khi đời sống công việc đặt ra cho bạn muôn ngàn những bài toán khó. Tự tin vì thế đã luôn là không gian tâm lý lý tưởng giúp bạn hình thành ý thức tự lực, tạo nên nghị lực và ý chí “thép” để vượt qua chính mình, làm chủ những phút giây khởi nghiệp đầu đời đầy ngỡ ngàng và thách đố.  

 

Bình luận (0)