Không phải đến bây giờ, câu chuyện về sức mạnh của sự đoàn kết mới được thể hiện, nhưng sống trong vùng tâm dịch Đà Nẵng những ngày này mới thấm thía được ý nghĩa của sự đồng hành. Con đường càng chênh vênh, sức mạnh của sự đồng lòng càng được thể hiện rõ hơn bao giờ hết…
Đoàn y, bác sĩ Hải Phòng lên đường chi viện cho Đà Nẵng
Xin làm hậu phương
Lịch nghỉ học để thực hiện giãn cách xã hội nhằm phòng chống dịch Covid-19 được thực thi nhưng ở một số ngôi trường, cổng không đóng. “Vì không được làm tiền tuyến, xin được làm hậu phương, gửi một chút yêu thương mong ấm lòng các chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch trong ngày mưa gió”, cô Nguyễn Quốc Thư Trâm – Hiệu trưởng Trường MN Bình Minh (quận Hải Châu) trải lòng. Từ ngày cả thành phố bước vào cuộc chiến chống dịch Covid-19, học trò nghỉ nhưng cô Trâm và tập thể giáo viên vẫn đều đặn đến trường. Cô Trâm nói, lúc đầu mình cùng các đồng nghiệp muốn chia sẻ chút mệt nhọc cho lực lượng làm nhiệm vụ tuyến đầu ở các chốt chặn trên địa bàn phường Thuận Phước – nơi nhà trường đóng chân nên đã cùng nhau góp để nấu nước chanh, sả gừng mang đến cho các anh. Thấy việc làm của nhà trường ý nghĩa, mỗi ngày có rất nhiều mạnh thường quân và phụ huynh đến chung tay, người vài cân đường phèn, người ít chanh, sả, gừng tươi… “Mỗi ngày, có 3 giáo viên phụ trách nấu nước chanh, sả, gừng, cho vào bình rồi chở đến các địa điểm chốt trực. Sau một ngày, các bình nước lại được mang về vệ sinh để chuẩn bị cho ngày tiếp theo. Mình dự tính sẽ tiếp sức cho lực lượng làm nhiệm vụ ở các chốt này cho đến khi nào hết dịch”, cô Trâm nói. Còn đối với các phần quà khác như gạo, mì từ các mạnh thường quân, nhà trường tiếp tế cho 30 sinh viên Khoa Giáo dục mầm non – Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng đang thực hiện cách ly tại KTX. Cô Trâm bảo: “Những việc làm rất nhỏ nhưng nhận lại lời cảm ơn từ các bạn sinh viên và nụ cười của những chiến sĩ trực chốt phòng dịch lại thấy lòng rưng rưng một cảm xúc rất lạ. Cảm xúc được sẻ chia”.
Ở Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu), những giáo viên lại lặng lẽ góp sức mình bằng cách làm 500 chiếc mũ chống tia bắn để gửi đến lực lượng y tế, cùng nhiều món quà khác như khẩu trang N95, gạo, mì tôm, nước uống…
Đó chỉ là một vài tấm lòng trong rất nhiều những tấm lòng của những người con Đà Nẵng chung tay cùng thành phố trong những ngày khó khăn nhất giữa đại dịch. Tiếp sức cho tuyến đầu và không bỏ rơi người yếu thế. Từ mỗi người dân cho đến các đơn vị đều hành động hướng đến người nghèo khó, sinh viên xa quê ở lại vùng dịch… tạo nên một hậu phương vững chắc trong lòng Đà Nẵng.
Sẽ trở về khi hết dịch
Câu chuyện chống dịch Covid-19 ở Đà Nẵng những ngày này thật cảm động. Trong lòng thành phố, mọi người siết chặt tay nhau. Ở khắp mọi miền đất nước… những y, bác sĩ, những sinh viên ngược hành trình về với Đà Nẵng với lời khẳng định: “Khi nào hết dịch, chúng tôi sẽ trở về”. Đó không chỉ là một quyết tâm mà còn là nghĩa tình với Đà Nẵng, với đất nước khi cần. 40 y bác sĩ, các chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai; chuyên gia Trung tâm Bệnh nhiệt đới; 550 giảng viên và sinh viên Trường ĐH Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng, ĐH Y Dược Huế; 400 học viên Trường Quân sự Quân khu 5; Đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy; cán bộ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP.HCM, Viện Pasteur Nha Trang; Đoàn y bác sĩ Hải Phòng, Bình Định, Huế… và nhiều nơi khác đã lên đường về với Đà Nẵng.
Câu hỏi “Có sợ không?” lúc này gần như chỉ còn mang tính thủ tục. Bởi sau lưng y, bác sĩ là gia đình, bố mẹ già, con nhỏ… là những trở trăn rất thực, đau đáu lo toan thắt ruột gan. Nhưng không vì thế mà họ lùi lại, ngược vào tâm dịch là tiếng gọi của con tim, của tình yêu nghề, yêu đất nước. Sứ mệnh cứu người của thầy thuốc thôi thúc họ bước qua lằn ranh sinh tử.
Là “hàng xóm” của Đà Nẵng, những ngày qua, Thừa Thiên – Huế cũng dốc hết sức mình vừa chống dịch, vừa chia lửa cùng Đà Nẵng trong việc tiếp nhận những bệnh nhân Covid-19 nặng về Bệnh viện Trung ương Huế (cơ sở 2) để điều trị. Ông Phan Ngọc Thọ – Chủ tịch UBND tỉnh nói: “Chúng tôi xin chia sẻ những vất vả, lo toan, khó khăn, thách thức mà Đà Nẵng đang đối mặt. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, chúng tôi đang huy động mọi nguồn lực tập trung cho công tác ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn; cùng với Đà Nẵng và Quảng Nam thực hiện giám sát việc giãn cách xã hội nhằm kiểm soát và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Với trách nhiệm và tình cảm với Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế luôn sẵn sàng đồng hành, chung sức, “chia lửa”, cùng Đà Nẵng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Hiện Bệnh viện Trung ương Huế đang huy động mọi nguồn lực để điều trị cho 22 ca mắc Covid-19 nặng được chuyển đến từ Đà Nẵng và Quảng Nam. Thừa Thiên – Huế cũng đã quyết định cử đoàn công tác gồm 20 bác sĩ và 20 điều dưỡng giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm vào Đà Nẵng để hỗ trợ công tác phòng chống dịch; góp phần cùng Đà Nẵng nhanh chóng khống chế dịch bệnh Covid-19 trong thời gian sớm nhất. Tin rằng với quyết tâm, nỗ lực của mình, cùng với sự chung sức đồng lòng của cả nước, Đà Nẵng sẽ sớm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh và Đà Nẵng cùng với Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam sẽ lại là điểm đến an toàn – hấp dẫn – mến khách, chào đón bạn bè và du khách muôn phương”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)