Bắt đầu từ năm học 2020-2021, việc khen thưởng, xử phạt, kiểm tra, đánh giá học sinh (HS) bậc trung học sẽ được áp dụng theo Thông tư số 26/2020/TT-BGD ĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại HS THCS và THPT của Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12-12-2011.
Việc đổi mới kiểm tra, đánh giá áp dụng theo Thông tư 26 sửa đổi bổ sung ở bậc trung học sẽ giúp phát huy được tính tích cực, năng lực tự học của HS…
Tính linh hoạt, đa dạng và nhất là nhân văn trong Thông tư 26 được các nhà trường đón nhận, kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra “luồng gió mới” hướng tới sự tiến bộ của HS. Cùng với tính chủ động, sáng tạo trong đổi mới giáo dục, thông tư sửa đổi bổ sung sẽ giúp đơn vị “cởi nút thắt” một cách đồng bộ trong đổi mới, chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy đón đầu Chương trình GDPT 2018.
Hướng tới sự tiến bộ của HS theo cá thể hóa
Bày tỏ sự phấn khởi trước Thông tư 26 trong kiểm tra, đánh giá HS được áp dụng từ năm học này, thầy Nguyễn Xuân Đắc (Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, Q.Tân Bình) cho biết nhà trường đã triển khai thông tư mới nhất đến giáo viên và sẽ trao đổi, phổ biến đến phụ huynh, HS trong thời gian tới.
“Thông tư mới với nhiều thay đổi quan trọng trong kiểm tra, đánh giá HS, trong đó chú trọng đến sự tiến bộ theo cá thể hóa, tạo thuận lợi cho nhà trường, giáo viên khi đánh giá một cách toàn diện, đồng bộ HS. Đặc biệt là cho phép các nhà trường đa dạng hơn trong kiểm tra, đánh giá thường xuyên HS, bao gồm cả ghi nhận hình thức kiểm tra, đánh giá trực tuyến. Từ đó sẽ giúp giáo viên, nhà trường mạnh dạn đưa CNTT vào trong kiểm tra, đánh giá theo năng lực của HS mình, ví dụ như kiểm tra tại lớp trên điện thoại thông minh, trộn đề, hạn chế được tiêu cực…”.
Thầy Đắc cũng đánh giá cao tính nhân văn trong các quy định kiểm tra, đánh giá đối tượng HS khuyết tật được chỉ ra trong Thông tư 26. So với Thông tư 58 thì rõ ràng, tính nhân văn đã được thể hiện một cách rõ rệt hơn, đối tượng HS khuyết tật được chú trọng hơn, được quan tâm nhiều hơn, tùy theo năng lực và nhận thức của các em. “Chính sự rõ nét này sẽ giúp nhà trường, giáo viên có kế hoạch bài bản hơn trong đánh giá với HS khuyết tật, không đánh đồng mà ngược lại cũng không bỏ qua… Thông tư 26 sửa đổi bổ sung cũng có ý nghĩa lớn đối với việc đổi mới trong từng nhà trường, như một hành lang pháp lý mà ở đó giáo viên được trao quyền chủ động trong thiết kế bài giảng, thiết kế hình thức kiểm tra đánh giá phù hợp với kế hoạch giảng dạy, phù hợp với đối tượng HS”, thầy Đắc nhấn mạnh.
Tương tự, cô Kiều Nguyệt Hương Liên (Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh) cho rằng, việc thay đổi các cột điểm trong kiểm tra, đánh giá ban hành trong Thông tư 26 giúp giảm nhẹ hơn áp lực học tập, thi cử cho HS. Thay vào đó, sự đa dạng hóa hơn các hình thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên không giới hạn kết hợp với kiểm tra đánh giá định kỳ, đánh giá bằng nhận xét trong Thông tư 26 lại trao cơ hội để giáo viên ghi nhận một cách khách quan nhất, đầy đủ nhất quá trình phấn đấu của HS mình cả trong học tập lẫn rèn luyện. “Sự mới mẻ này là cách tốt nhất để khuyến khích HS tự học, tự nghiên cứu. Khuyến khích các em mạnh dạn hơn khi tham gia trong các hoạt động phong trào của trường, nghiên cứu khoa học, phát triển được năng lực sáng tạo, sở thích của bản thân. Với thông tư kiểm tra, đánh giá mới, nhà trường cũng chủ động hơn trong phân bố chương trình, đảm bảo phù hợp với mọi hình thức dạy học. Giáo viên có nhiều thời gian hơn tập trung giảng dạy, phát triển năng lực HS, ghi nhận sự tiến bộ của HS theo quá trình bằng nhiều hình thức, ở tất cả các mặt rèn luyện”, cô Liên chia sẻ.
Trường phải ban hành quy chế kiểm tra, khen thưởng rõ ràng
Nhìn nhận một cách tổng quát, thầy Đặng Đình Quý (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình, TP.HCM) cho rằng, Thông tư 26 với cách đánh giá mới rất tiến bộ, đặt sự tôn trọng cho HS. Việc kiểm tra đánh giá HS dưới nhiều hình thức giúp đánh giá một cách toàn diện, qua nhiều hoạt động. Nhất là, quy định HS đạt thành tích nổi bật hoặc có tiến bộ vượt bậc trong học tập, rèn luyện được Hiệu trưởng tặng giấy khen sẽ giúp động viên HS, giúp các em nhận ra vai trò, năng lực của bản thân mình để có sự tiến bộ, cố gắng hơn nữa. “Thông tư 26 sẽ là cơ sở pháp lý để nhà trường mạnh dạn hơn trong đổi mới. Nếu như trước đây thầy cô, nhà trường có thể còn e dè khi đánh giá HS thì với thông tư này, việc đổi mới đánh giá, kiểm tra là bắt buộc. Từ cơ sở đó, các thầy cô, nhà trường cũng sẽ buộc phải chuyển mình. Nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy một cách đa dạng hơn để phù hợp với yêu cầu của kiểm tra, đánh giá mới”, thầy Quý khẳng định.
Tuy nhiên, theo thầy Quý, để thông tư thực sự có hiệu quả khi đi vào trong từng trường học thì từ mỗi nhà trường phải xây dựng được quy chế trong khen thưởng HS một cách chặt chẽ hơn. Trong đó, phải chỉ rõ bao nhiêu loại kiểm tra, những tiêu chí kiểm tra, đánh giá như thế nào để tạo tính công bằng, không quá dễ dãi, tùy tiện cũng không quá chặt chẽ cho HS. “Vấn đề đặt ra là các nhà trường, giáo viên phải nhìn nhận khen thưởng một cách đúng đắn, đúng lúc, đúng chỗ, phổ biến cụ thể rộng rãi đến toàn thể HS, phụ huynh. Trong giáo dục hiệu quả, dù thế nào cũng phải ít nhiều tạo ra cho HS áp lực ở mức vừa sức, để khuyến khích HS tiến bộ. Khi mà nhà trường đã được chủ động trong kiểm tra, đánh giá thì đòi hỏi nhà trường phải nghiên cứu thật kỹ đối tượng HS mình, trong từng bộ môn để kiểm tra, đánh giá phù hợp. Và ngay cả phụ huynh cũng cần phải có sự nhìn nhận đúng đắn trong khen thưởng, kiểm tra, đánh giá con em mình theo đúng thực lực của HS, có như thế mới hướng tới sự tiến bộ của các em…”.
Chung nhận định, thầy Dương Hữu Đức (Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng, Q.Gò Vấp) cũng nhận định, thông tư sửa đổi kiểm tra, đánh giá sẽ giúp giảm áp lực học tập cho HS từ chính các bài kiểm tra. Việc đổi mới này sẽ là bước tạo đà để từng nhà trường chủ động hơn, mạnh dạn hơn khi xây dựng kế hoạch giảng dạy, từng bước tiếp cận với Chương trình GDPT 2018. “Song song với đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng mở, nhân văn thì một yếu tố quan trọng nữa để giảm tải áp lực học tập, thi cử cho HS, giáo viên chính là làm sao phải “cởi được nút thắt” về quan điểm của phụ huynh. Áp lực chưa hẳn đến từ chương trình học, từ việc kiểm tra đánh giá mà đôi khi mấu chốt lại đến từ chính sự kỳ vọng của phụ huynh. Nhìn rộng ra, việc phân luồng HS từ bậc THCS cần phải được thực hiện có hiệu quả hơn nữa để thay đổi quan điểm của phụ huynh dành cho con em mình trong việc học, việc thi…”, thầy Đức phân tích.
Bài, ảnh: Đỗ Yến Hoa
Bình luận (0)