Trường CĐ chất lượng cao phải có 90% nhà giáo có kinh nghiệm làm việc thực tế tại các doanh nghiệp ở những ngành nghề có liên quan (ảnh minh họa)
Dự thảo Thông tư quy định chi tiết về tiêu chí đánh giá, quy trình công nhận trường CĐ đạt tiêu chuẩn chất lượng cao đang được Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến. Theo đó, có 5 tiêu chí trường CĐ chất lượng cao, gồm: Quy mô đào tạo; Trình độ nhà giáo; Gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo và việc làm sau đào tạo; Quản trị nhà trường; Trình độ học sinh, sinh viên sau đào tạo. Trong mỗi tiêu chí đều quy định các tiêu chuẩn. Cụ thể, ở tiêu chí trình độ nhà giáo (tiêu chí 2) có 5 tiêu chuẩn: Tiêu chuẩn 1 – 100% nhà giáo đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định; Tiêu chuẩn 2 – 90% nhà giáo có kinh nghiệm làm việc thực tế tại các doanh nghiệp ở những ngành nghề có liên quan; Tiêu chuẩn 3 – Hằng năm, nhà giáo được cập nhật kiến thức, kỹ năng, công nghệ tại doanh nghiệp có các ngành nghề liên quan, ít nhất 90% nhà giáo được người học đánh giá mức hài lòng trở lên; Tiêu chuẩn 4 – Ít nhất 5% đội ngũ nhà giáo nằm trong các đối tượng: có trình độ kỹ năng nghề cao hoặc là NGND, NGƯT, giảng viên chính, giảng viên cao cấp, nhà giáo tham gia bồi dưỡng thí sinh tham dự các kỳ thi tay nghề ASEAN, thế giới… Ở tiêu chí gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo và việc làm (tiêu chí 3) có 4 tiêu chuẩn, cụ thể: Tiêu chuẩn 1 – Doanh nghiệp tham gia chặt chẽ và hiệu quả trong quá trình xây dựng, rà soát, chỉnh sửa bổ sung chuẩn đầu ra, phát triển chương trình đào tạo và đánh giá kết quả học tập. Trường triển khai hợp tác đào tạo với doanh nghiệp ít nhất một ngành/nghề, trong đó có cán bộ của doanh nghiệp đạt chuẩn về nghiệp vụ sư phạm tham gia giảng dạy; Tiêu chuẩn 2 – Hàng năm, trường hợp tác với doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp xác định nhu cầu đào tạo, tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, trải nghiệm thực tiễn, giải quyết việc làm cho người học; Tiêu chuẩn 3 – Trường hợp tác với doanh nghiệp để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động của doanh nghiệp; Tiêu chuẩn 4 – Chương trình đào tạo có các nội dung về kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp, kỹ năng số và kỹ năng xanh trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Đối với ngành/nghề trọng điểm, thời gian đào tạo thực hành, thực tập, thí nghiệm chiếm ít nhất 70% tổng thời gian khóa học, trong đó đào tạo tại doanh nghiệp chiếm ít nhất 35% tổng thời gian khóa học. Điểm đánh giá của mỗi tiêu chuẩn tối đa là 3 điểm. Tùy theo mức độ đạt được trong thời gian 2 năm bao gồm trước năm đánh giá và năm đánh giá, điểm đánh giá tiêu chuẩn là 1, 2, 3 điểm. Điểm đánh giá tối đa của tiêu chí là tổng số điểm đánh giá tối đa của các tiêu chuẩn có trong tiêu chí.
Trường CĐ được đánh giá đạt tiêu chuẩn trường CĐ chất lượng cao khi đáp ứng các yêu cầu: Tổng số điểm đánh giá các tiêu chí đạt từ 80 điểm trở lên; điểm đánh giá của từng tiêu chí đạt ít nhất 70% điểm tối đa của tiêu chí. Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn trường CĐ chất lượng cao do Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cấp, có thời hạn 5 năm. Theo đề án “Phát triển trường CĐ chất lượng cao đến năm 2025” của Chính phủ, đến năm 2020, sẽ có khoảng 40 trường CĐ chất lượng cao và đến năm 2025 là 70 trường, đủ năng lực đào tạo một số ngành nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho hội nhập.n
T.Anh
Bình luận (0)