Y tế - Văn hóaThư giãn

Thế giới văn chương của Etgar Keret

Tạp Chí Giáo Dục

Tập truyện “Đột nhiên có tiếng gõ cửa” của nhà văn Etgar Keret (do Nhà Xuất bản Lao động ấn hành) gây sự chú ý với độc giả bởi cảm giác khó đọc nhưng lại hàm chứa những ý nghĩa cực kỳ thâm sâu nếu người đọc dành thời gian để thẩm thấu.

Bởi lẽ, câu chuyện của Etgar Keret thường để lại những cái kết lửng lơ, có thể có hoặc không. Truyện kể về một đôi trai gái vô tình gặp nhau, họ có thể yêu nhau hoặc không. Anh chàng người Mỹ đã có bạn gái có thể yêu hay lợi dụng cô. Còn cô gái người Israel có thể chỉ coi anh là một trải nghiệm hay cũng có thể yêu anh. Đó là một thứ tình cảm mơ hồ, chông chênh và cả hai đều ý thức rất rõ họ chẳng thể ở bên nhau được.

Nhưng chính điều có hoặc không ấy lại vô cùng thân thuộc khi nó là điều luôn nằm trong tâm tư của mỗi người. Nói cách khác, sự nhùng nhằng vô định ấy chính là góc khuất ẩn sâu trong tâm trí mỗi người. Ở đó, có người nhận ra nhưng vô phương thoát khỏi sự rắc rối phiền phức ấy; cũng có người vô thức sống chung vì không nhận diện được bản thân, dù đôi khi cũng cảm nhận mơ hồ.

Trong “Đột nhiên có tiếng gõ cửa”, ngoài cảm giác chông chênh khi yêu của các nhân vật, nhà văn Israel còn diễn tả sự cô đơn trong mỗi cá nhân, sự nhẫn tâm của con người, kể cả góc khuất của con người… bằng giọng văn châm biếm. Nhưng dù là gì thì tất cả đều rất gần gũi, mộc mạc tưởng chừng nó là một phần trong mỗi con người. “Một số người rơi từ tầng 3 một tòa nhà và cuối cùng chẳng bị gì ngoài vết bầm tím sau lưng. Trong khi đó, có người chỉ bước sai một bước khi xuống cầu thang và kết quả là một chân bị bó buộc” (trích trong truyện “Bầm tím”).

Mỗi câu chuyện là một bài học rất đời đáng để người đọc suy ngẫm. Nhà văn Etgar Keret dường như làm khó người đọc khi bắt đầu tiếp cận với truyện của ông. Song, khi đã bước chân vào thế giới đó, người đọc không khó nhận ra điều ông mang đến đơn giản là những gì xảy ra hằng ngày xung quanh cuộc sống của chúng ta. Nó chỉ khó với những ai đòi hỏi sự mạch lạc, trơn tru bằng những kết cấu cứng nhắc và đơn điệu. Những gì Etgar mang đến qua tác phẩm là sự biến hóa linh hoạt. Đôi lúc cảm giác những gì không đầu không đũa trong cách hành văn của ông lại chính là cách buộc độc giả phải kiên nhẫn và chịu trách nhiệm với hành vi đọc của mình. Dù vậy, ông không buộc độc giả phải cố tìm những bài học mang ý nghĩa đạo đức hay triết lý ẩn chứa trong câu chuyện của mình. Ông chỉ đơn giản muốn người đọc hiểu rằng hãy để cảm xúc của bản thân hòa vào truyện với những nỗi vui buồn rất đời bằng những sắc thái buồn, lạc lõng, nếu là nụ cười thì tiếng cười có dư vị đau xót. Ngay từ truyện ngắn đầu tiên “Đột nhiên có tiếng gõ cửa” (được chọn làm tên sách), Etgar ngầm nhắn nhủ: Khi thưởng thức truyện của ông, đôi lúc độc giả cần thoát khỏi thực tại mới cảm được hết.

“Đột nhiên có tiếng gõ cửa” gồm 37 truyện ngắn (có khi rất ngắn) mang đến nhiều góc nhìn thú vị. Nhà văn kể lại các diễn biến và kết thúc từng truyện theo lối tư duy sáng tác đầy phóng khoáng, không câu nệ vào thực tại, đôi khi mang màu sắc huyễn hoặc. Tuy nhiên, gốc rễ của thực tại vẫn bám chắc trong từng truyện.

Vừa hài hước, châm biếm vừa cay đắng, Etgar Keret tạo ấn tượng đặc biệt khi những tác phẩm của ông đều chạm vào cảm xúc tận cùng trong mỗi người đọc. Ông không đặt ra những chuẩn mực đạo đức, đôi khi còn lạnh lùng đến vô cảm như khi viết truyện về ngoại tình: thản nhiên, không cắn rứt . Tuy nhiên, ông luôn hy vọng tác phẩm của mình giúp người đọc muốn sống tốt đẹp hơn

Lam Anh (NLĐ)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)