Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trường sư phạm phải tái cấu trúc trong thời kỳ mới

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều giáo viên (GV) giảng dạy bộ môn tiếng Anh chưa có quyết định bổ nhiệm viên chức vì vướng phải quy định “tréo ngoe” của Sở Nội vụ, năm 2018 Bộ GD-ĐT sẽ thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới, vậy vai trò của các trường đào tạo ngành sư phạm phải thay đổi như thế nào?…

Đó là những vấn đề trọng tâm được đặt ra tại Hội nghị Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ đào tạo khối ngành sư phạm trên địa bàn TP.HCM do Sở GD-ĐT TP  tổ chức mới đây.

68 GV tiếng Anh chờ quyết định… viên chức

Theo quy định của Sở Nội vụ TP, từ năm 2014 việc tuyển GV tiếng Anh ngoài các tiêu chí chung cho tuyển dụng viên chức thì trường hợp này phải có thêm chứng chỉ B của một ngoại ngữ khác. Tuy nhiên, đại diện của các trường đào tạo khối ngành sư phạm cho rằng sinh viên mới tốt nghiệp khó có thể chuẩn bị kịp thời so với yêu cầu này. 

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – thẳng thắn cho hay: “Sở Nội vụ yêu cầu tuyển GV tiếng Anh phải có chứng chỉ B cho một ngoại ngữ khác thì nhà trường chưa tổ chức cho các em thi lấy chứng chỉ được mà phải sau năm 2018 mới có thể thực hiện. Trường ĐH Sư phạm TP.HCM hiện có đào tạo 15 tín chỉ ngoại ngữ thứ hai cho sinh viên chuyên ngành sư phạm tiếng Anh nhưng lại không tổ chức thi để cấp bằng. Với yêu cầu này, nhà trường phải tổ chức cho các em thi nhưng cần có thời gian chuẩn bị”.

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM phát biểu tại hội nghị

Đây không chỉ là mối quan tâm của các trường đào tạo GV mà còn là trăn trở của cơ quan tuyển dụng. Ông Nguyễn Huỳnh Long – Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT TP.HCM – cho biết: “Năm 2014, Sở GD-ĐT tuyển 644 GV THPT, GDTX, GDCN và các cơ sở trực thuộc Sở GD-ĐT. Những GV tiếng Anh trong tổng số được tuyển này đã công tác được 1 năm, danh sách đã được duyệt nhưng Sở GD-ĐT chưa thể trao quyết định bổ nhiệm viên chức vì vướng phải quy định này của Sở Nội vụ, trong khi đó trường đào tạo sư phạm lại không cấp chứng chỉ ngoại ngữ thứ hai. Vì vậy, năm nay Sở GD-ĐT TP đã ra thông báo tuyển dụng GV nhưng đang bỏ ngỏ mục này để chờ ý kiến của Sở Nội vụ”. Được biết, năm 2014 có 68 GV tiếng Anh vướng phải quy định ngặt nghèo này. Năm 2015, Sở GD-ĐT tiếp tục tuyển 549 GV THPT, GDTX, GDCN và các cơ sở trực thuộc Sở GD-ĐT. Ngoài ra, các quận huyện còn tuyển rất nhiều GV mầm non, TH, THCS, trong đó có tuyển dụng GV tiếng Anh.

Nói về vấn đề cấp thiết này, ông Lê Văn Nhung – Trưởng phòng văn xã, UBND TP.HCM – chỉ đạo: “Sở GD-ĐT cần có báo cáo cụ thể gửi lên UBND TP gấp để giải quyết tình trạng này chứ không thể để GV giảng dạy tiếng Anh tiếp tục hưởng 70-80% lương trong hơn 1 năm qua như vậy”.

Một đại diện của Sở Nội vụ cũng đề xuất: “Đây là quy định của Bộ Nội vụ nên Sở Nội vụ phải thực hiện. Tuy nhiên, Sở GD-ĐT có thể xin chủ trương cho những trường hợp này nợ chứng chỉ B ngoại ngữ khác và cam kết sẽ nộp bằng trong khoảng vài ba năm tới”.

Đổi mới đào tạo GV

Ngoài những vấn đề về tuyển GV, các đại biểu đặc biệt lưu tâm đến đào tạo đội ngũ sư phạm đáp ứng với yêu cầu mới, đặc biệt là khi Việt Nam đổi mới chương trình, sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT.

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng phân tích: Năm 2018, Việt Nam sẽ chính thức đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, mối quan tâm là chương trình THPT còn lại 8 môn, trong đó có 4 môn bắt buộc và 4 môn tự chọn. Ngoài ra, việc dạy học liên môn GV cũng cần phải thực hiện. Như vậy, nếu muốn tồn tại thì các trường đào tạo sư phạm phải cấu trúc lại chương trình đào tạo. Ngoài ra, các trường tham gia bồi dưỡng GV đáp ứng yêu cầu đổi mới cần liên kết chặt chẽ với nhau để có một chương trình thống nhất. Chẳng hạn, ĐH Sài Gòn và ĐH Sư phạm TP.HCM đều đào tạo GV mầm non, TH thì phải liên kết bồi dưỡng hoặc thiết kế lại chương trình đào tạo GV đáp ứng nhu cầu này.

Về phía các trường đào tạo GV khối ngành kỹ thuật để cung cấp nguồn GV dạy nghề cũng có nhiều góp ý cho chương trình đào tạo. “Muốn nâng cao chất lượng giáo dục thì phải nâng cao chất lượng đội ngũ GV thông qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn là điều kiện quan trọng. Ngoài ra, việc đào tạo đội ngũ GV dạy nghề cũng phải phối hợp với doanh nghiệp để khi ra trường GV nắm chắc được tay nghề mới hướng dẫn tốt cho sinh viên. Ở Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật đã làm thí điểm một số chương trình kết hợp với doanh nghiệp để 3 năm đầu sinh viên được đào tạo ở trường, năm cuối vừa thực tập vừa được đào tạo ngay tại doanh nghiệp”, PGS.TS Lê Hiếu Giang – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – chia sẻ.

Theo ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, thời gian qua, Sở GD-ĐT đã đặt hàng với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM để đào tạo GV quốc phòng, đặt hàng với Trường ĐH Sài Gòn để đào tạo GV mầm non có kỹ năng giữ trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi, liên kết với Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM để bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho GV chuyên nghiệp… “Những trường đào tạo GV trên địa bàn đã gắn kết với Sở GD-ĐT nhưng sự liên kết này cần phát triển mạnh hơn nữa để đào tạo nhân lực có bước đột phá…”, ông Thanh mong muốn.

Bài, ảnh: Dương Bình

Bình luận (0)