Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cần có môn xây dựng chương trình

Tạp Chí Giáo Dục

Muốn công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục thành công, các trường sư phạm không thể đứng ngoài cuộc mà cũng phải vận động để tự đổi mới.

Đổi mới trước hết là phải thay đổi chương trình đào tạo, có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu của giáo dục phổ thông. Điều này cũng phù hợp với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GD-ĐT với mục đích xây dựng lại chương trình đào tạo hợp lý tại trường ĐH. Chính vì thế, hơn ai hết đội ngũ giáo viên phải được đào tạo để có khả năng dạy học theo hướng phát triển năng lực khác hẳn với dạy truyền thụ kiến thức và kỹ năng cho học sinh như trước đây. Vì thế trong năm học 2014-2015, các trường ĐH sư phạm đã có nhiều hội nghị, hội thảo để bắt tay xây dựng chương trình đào tạo kịp phục vụ cho năm học 2015-2016. Theo đó các trường sư phạm, các trường có khoa sư phạm đã đưa ra ý kiến thống nhất (từ các hiệu trưởng) là cần phải đưa vào chương trình đào tạo giáo viên môn học về xây dựng chương trình. Đối với chúng ta đây là môn học hoàn toàn mới mẻ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tại các nước phát triển giáo viên có thể chủ động trong việc làm chủ chương trình giáo dục phổ thông và làm chủ lớp học. Muốn vậy giáo viên phải được học về cách xây dựng chương trình giảng dạy và từ đó có thể chủ động trong tất cả các hoạt động mà không còn sự lệ thuộc nào. Trong khi ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều trường sư phạm chưa có môn học này.

Để giáo viên có thể làm chủ tốt chương trình giảng dạy, nhất thiết họ phải được học về cách xây dựng chương trình. Ảnh: Anh Khôi

Có một câu hỏi được đặt ra là: Vì sao lại khẳng định vai trò của môn học xây dựng chương trình và sự cần thiết đưa nó vào chương trình đào tạo giáo viên? Câu trả lời là: Thực tế hoạt động giáo dục của giáo viên các nước phát triển đã cho thấy vai trò quan trọng của môn học xây dựng chương trình giúp họ chủ động và sáng tạo hơn khi thực hiện dạy học. Tại hội thảo so sánh của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM gần đây, nhiều giáo viên phổ thông đã nghi ngờ về chương trình lớp 10 (Úc) chỉ có trong 67 trang nhưng giáo viên ở tất cả các trường lại có thể tổ chức dạy học trong 70 tiết. Chuyện này không hề có ở chúng ta. Theo tôi, giáo viên nghi ngờ là phải vì từ trước đến nay họ đã quen với một chương trình có sẵn lại quá chi tiết đến từng giờ học, trong đó quy định những kiến thức nào được dạy học trên lớp đều được viết sẵn ra trong sách giáo viên. Điều này cũng không đáng trách vì giáo viên vẫn còn lầm tưởng sách giáo khoa luôn là pháp lệnh mà pháp lệnh là phải tuân theo. Cũng có người tưởng tượng ra rằng, nếu một ngày nào đó giáo viên không có sách giáo khoa trên tay bởi một lý do khách quan thì không biết thầy cô sẽ làm gì với học sinh trong buổi học không có sách giáo khoa ấy? Không lẽ cho các em ngồi chơi hay ra về? Điều này ở các nước có nền giáo dục tiên tiến rất dễ dàng vì môn xây dựng chương trình đã giúp giáo viên có một “kim chỉ nam” sáng suốt để họ luôn luôn biết làm chủ lớp học dù ở trong bất kỳ tình huống nào. Vì thế xây dựng chương trình là môn học bắt buộc phải có không thể nào thiếu được. Nếu chúng ta không bắt tay vào thực hiện thì quá chậm trễ.

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng

(Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Chỉ có môn học xây dựng chương trình mới tạo cơ hội tốt nhất để giáo viên chủ động trong hoạt động dạy học.

 

Bình luận (0)