Kỳ thi THPT quốc gia càng đến gần thì sự căng thẳng, lo lắng của thí sinh và người nhà càng tăng lên, nhất là năm nay, quy chế thi có rất nhiều điểm mới. Tuy nhiên, nhiều kẻ đã lợi dụng tâm lý này để trục lợi hoặc gây nhiễu loạn thông tin. Do đó, thí sinh cần tỉnh táo để chọn lọc được thông tin chính xác và có lợi.
Từ tin đồn thất thiệt
Ngày 8-6, một số trang tin điện tử đã đưa lên một số câu hỏi thi và khẳng định là trích từ đề thi đánh giá năng lực vào ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQG HN) năm 2015 mới được tổ chức gần đây. Trong đó có đưa ra một số câu hỏi không được dư luận đánh giá cao. Chiều ngày 8-6, ĐHQG HN đã trả lời chính thức về việc này. Theo đó, ĐHQG HN cho biết không công bố đề thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh ĐH chính qui vào ĐHQG HN năm 2015 trên bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào. Nói về một số câu hỏi đã được đăng như đã nói ở trên, ông Nguyễn Kim Sơn – Phó giám đốc ĐHQG HN, Trưởng ban chỉ đạo tuyển sinh ĐHQG HN năm 2015 – cho biết: Các thông tin được ghi là “trích đề thi vào ĐHQG HN năm 2015” mà nhiều trang báo điện tử, mạng xã hội đưa ngày 8-6 là hoàn toàn bịa đặt, không có thật, không có trong bộ đề thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh ĐH chính qui vào ĐHQG HN năm 2015. Ông Sơn khẳng định: “Trường có quan sát trên facebook của một số cá nhân tự nhận là đã tham gia kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh ĐH chính qui vào ĐHQG HN năm 2015 có trích dẫn một số câu hỏi được cho là đã xuất hiện trong đề thi. Qua kiểm tra rà soát, trường thấy một phần là hoàn toàn không có thực, một số chỉ trích dẫn theo trí nhớ méo mó, biến dạng, sai lệch, không chính xác”.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn khuyên thí sinh đừng tự gây áp lực với chính mình… Ảnh: I.T |
Đến thí sinh bị lừa mất đồ
Không chỉ tung tin đồn thất thiệt mà nhiều kẻ còn lợi dụng tâm lý hoang mang, lo lắng của thí sinh để trục lợi. Vừa qua, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn – Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam – đã làm một clip về những trường hợp có thật mà mình tư vấn. Có thể nói đó là ba ca tư vấn gần như cùng một kịch bản bị lừa… Thứ nhất là một chuyên viên tư vấn từng bị lừa mất xe đạp thời học sinh, một học sinh bị mất cặp và mất xe đạp, một học sinh nam bị mất bóng rổ và chiếc cặp cùng với túi tiền… Việc này không quá phổ biến nhưng xảy ra không phải chỉ là hy hữu… Quan trọng là học sinh có nói hay không cũng như có phản ánh hay không… vì tâm lý lo sợ, xấu hổ hay cũng không có đáng gì mà nói… Trao đổi với Giáo dục TP.HCM, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cho biết có tình trạng trên là do tâm lý tham điểm của học sinh, là do sự sợ hãi khi phải thi cử hay những lo lắng thái quá vì áp lực học tập của các em. Lẽ đương nhiên, cũng không thể không đề cập đến sự kỳ vọng của gia đình và những đòi hỏi của chương trình học hay thầy cô… Và một sự thật nữa là kẻ xấu luôn xuất hiện đúng lúc để có thể tận dụng cơ hội “ghi bàn” cho mình nhằm đạt được mục tiêu mà thôi… Đó là những biểu hiện dễ thấy nhất… Khi học sinh bị lừa thì điều dễ thấy nhất đó chính là sự sợ sệt và căng thẳng. Chính tâm lý này làm cho nhiều em rất dễ mất niềm tin, mệt mỏi, lo lắng khôn nguôi… Đó là chưa kể một số em căng thẳng hay thậm chí là hoảng loạn… Những rối nhiễu tinh thần có nguy cơ nảy sinh và suy cho cùng chính học sinh và gia đình các em là những người thiệt thòi nhất. Đặc biệt, sự mất mát niềm tin làm cho những người trẻ cảm thấy mất rất nhiều… Hơn thế nữa, tâm lý bực bội và sự tiêu cực trong cảm xúc có thể làm cho người bị lừa mà cụ thể là học sinh buồn chán hay dễ nảy sinh những phản ứng thiếu kiểm soát. Điều đó dẫn đến những phản ứng tâm lý thiếu cân bằng…
Thí sinh đừng tự gây áp lực cho mình
Như vậy, thí sinh không chỉ lo ôn luyện kiến thức mà còn phải đối mặt với những tác động của các yếu tố bên ngoài gây ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thi của các em. Về vấn đề này, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng việc học tập là một quá trình lâu dài, khó khăn nhưng có mục tiêu. Chinh phục một mục tiêu của chính mình nghĩa là đem đến cho mình một niềm vui. Điểm số cũng là một yêu cầu hấp dẫn nhưng không là tất cả. Đừng vì điểm số để có thể dễ bị mắc bẫy của chính mình và cái bẫy lớn nhất đó chính là lòng tham. Thứ nữa, nếu điểm số không tương ứng với thực lực thì cũng chẳng giải quyết được vấn đề của chính mình trong quá trình học. Vì thế, cần tự học, cần cố gắng, cần nỗ lực thay vì chỉ muốn điểm cao mà không cần phải phấn đấu hay chịu khó. Đó là sự mâu thuẫn quá lớn trong hành động và nghĩ suy… Do đó, để vượt qua “cửa ải” của kỳ thi năm nay, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn khuyên thí sinh đừng tự gây áp lực với chính mình, đừng tự đặt ra mục tiêu quá cao, đừng ép mình phải thế này hay thế khác mà chỉ cần cố gắng hết sức… thế là sự dễ chịu sẽ đến. Đó là chưa kể, chính mỗi cá nhân cần nhận ra hãy trang bị cho mình những kỹ năng sống cần thiết vì đó là chiếc khiên để giúp mình tuân thủ những giá trị sống và thoát những chiếc bẫy từ phía những người xấu trong cuộc sống… Mặt khác, cũng cần nhận ra rằng bản lĩnh cuộc sống cần được trui rèn. Chính việc mỗi cá nhân không ngừng hoàn thiện mình và không ngừng thử thách mới là cách để chúng ta trưởng thành hơn.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)