Giám thị đang làm thủ tục trước giờ thi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2014-2015 (ảnh chụp tại Hội đồng thi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM). Ảnh: Anh Khôi |
Ngày mai (11-6), gần 78.000 thí sinh tại TP.HCM sẽ bước vào kỳ thi tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2015-2016. Kỳ thi này có sự cạnh tranh khá cam go, vì vậy không ít thí sinh tỏ ra hồi hộp, lo lắng khi bước vào phòng thi dẫn đến kết quả không được như mong muốn.
Dưới đây là những lưu ý của các chuyên gia tâm lý giáo dục giúp các em giảm áp lực trong phòng thi.
ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):
5 cách giúp thí sinh giữ bình tĩnh
Khi vào phòng thi, nếu hồi hộp, mất bình tĩnh thì thí sinh có thể thực hiện một số biện pháp sau: Thứ nhất, các em có thể uống một ngụm nước để tự trấn an. Một ngụm nước không ăn thua, uống 2-3 ngụm, nuốt nước giống như nuốt nỗi sợ vào trong là cách trấn an hiệu quả nhất. Thứ hai, thí sinh nên tìm cái gì để nhai như mang theo vài viên kẹo sô-cô-la hoặc viên vitamin C để trong bịch nilon trong suốt để khi ăn hoạt động nhai sẽ là cách massage cho não, trấn an tinh thần. Thứ ba, thí sinh nên quay sang cười với người bên cạnh hoặc cười với cái gì cũng được. Nụ cười sẽ truyền tín hiệu về não, dập tắt trạng thái hồi hộp của não. Thí sinh cũng có thể trò chuyện vài câu với thí sinh bên cạnh trong lúc chờ đợi phát đề thi. Thứ tư, thí sinh nên ngồi thả lỏng toàn thân, bóp ngón, vặn người, xoa mắt, xoay thái dương… để thư giãn tinh thần. Cuối cùng, thí sinh thường hồi hộp do mình tự… hù mình khi cứ tưởng tượng linh tinh như thi rớt, không biết đề có khó không, không giải được thì làm sao, mình chết mất… Chính những suy nghĩ này làm cho não bất an và bật trạng thái báo động cho cơ thể, khiến cơ thể hồi hộp. Vì vậy, thí sinh nên nghĩ những gì tích cực hơn như nghĩ đến nội dung mà mình nắm chắc, hình dung ra cảnh mình sẽ làm bài tốt để bơm vitamin cho tâm trí, tự trấn an có gì ghê gớm lắm đâu…
Nếu gặp vấn đề về đề thi, mất tinh thần chiến đấu thì có thể có một số nguyên nhân và cách giải quyết như sau: Thấy đề dài, sinh ra nản nhưng các em nên biết đề dài thường là đề dễ, chỉ làm rối chúng ta với nhiều thông tin thôi nhưng nhiều thông tin thì lại có nhiều dữ liệu để giải, quan trọng là phải sắp xếp lại dữ liệu trong đề một cách có hệ thống. Cho nên, dài không có nghĩa là tất cả đều khó, chỉ có mình nghĩ nó khó mà thôi. Nếu mấy câu đầu khó, làm không ra hay bỗng dưng quên kiến thức là thấy mệt tim, hoảng loạn tinh thần thì bí câu này hãy tìm câu khác làm, đừng đeo bám mãi một câu mà chúng ta không tìm ra cách giải. Nếu bí tất tần tật các câu, hãy dừng lại, bỏ nó đi, hít thở thật sâu, massage mặt, nhai viên kẹo, uống ngụm nước coi như restar lại bộ não rồi đọc đề lại từ đầu. Nếu vẫn chưa tìm ra lối đi, cứ viết đại, giải đại rồi từ từ kiến thức được tập hợp, tư duy dần dần sáng suốt hơn. Đặc biệt, nếu đề khó đừng nản vì nó không chỉ khó với mình mà cả triệu thí sinh khác cũng đang thấy khó…
ThS. Đào Lê Hòa An (Trung tâm Đào tạo Kỹ năng sống Ý tưởng Việt):
Chuẩn bị những vật dụng giúp não tỉnh táo
Khi vào phòng thi, ngoài thẻ học sinh, bút viết…, các thí sinh nên chuẩn bị một số vật dụng có thể giúp não tỉnh táo, củng cố tinh thần, năng lượng để làm bài thi như: Vài thanh kẹo sô-cô-la vì trong sô-cô-la sẽ có chất đường glucô cung cấp năng lượng tức thời cho não và chất cafein giúp não tỉnh táo hơn. Một chai nước đã bóc vỏ để uống vì khi cơ thể khát nước thì não chắc chắn hoạt động không hiệu quả. Ngoài ra, thí sinh nên mang theo một chiếc đồng hồ để canh giờ bởi hội đồng thi sẽ nhắc nhở giờ thi khá thường xuyên nhưng khi tập trung làm bài các em có thể không nghe nên cách an toàn nhất là vẫn mang theo đồng hồ.
Thí sinh tự tin trao đổi bài sau khi thi tại kỳ thi vào lớp 10 năm vừa qua ở TP.HCM. Ảnh: A.Khôi |
Sát giờ thi, nhiều thí sinh vẫn cầm sách học nhưng điều này không mang lại hiệu quả gì cho các em mà trái lại còn làm các em phân tâm, mất bình tĩnh khi vào phòng thi. Vì vậy, trước ngày thi thí sinh nên nghỉ ngơi thư giãn, đặc biệt là đi ngủ sớm để giúp não hồi phục, tạo tinh thần thật thoải mái khi vào phòng thi.
Ngoài ra, thí sinh nên chú ý đến sức khỏe trong những ngày thi. Các em không nên ăn những đồ ăn lạ hoặc quán lạ như ghé ngay quán trước cổng hội đồng thi để ăn sáng vì thức ăn chưa quen, có thể làm rối loạn tiêu hóa. Cách tốt nhất là thí sinh nên ăn những loại thức ăn bình thường, không nên quá kiêng kỵ như không ăn chuối vì sợ trượt vỏ chuối, không ăn trứng vì sợ điểm 0…
Nhìn chung, thí sinh không nên tạo áp lực căng thẳng “thi là phải đậu” mà nên cho rằng thi là phải cố gắng hết khả năng, nếu không đỗ vẫn còn nhiều cơ hội khác thay vì mang tâm lý lo sợ, hãy thật thoải mái để chào đón kỳ thi.
Dương Bình
Không có đặc cách nên phải giữ gìn sức khỏe Trao đổi với Giáo dục TP.HCM, ông Hồ Phú Bạc, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT TP.HCM), cho biết buổi thi đầu tiên, các thí sinh có mặt lúc 6 giờ 30 để nghe chủ tịch hội đồng thi phổ biến quy chế thi, nhưng những buổi thi sau các em nên có mặt trước giờ thi khoảng 30 phút. Việc đến quá sớm làm thí sinh có thời gian tưởng tượng đến đề thi, nảy sinh tâm lý hồi hộp không đáng có. Ngoài ra, đây là kỳ tuyển sinh nên thí sinh không có bất cứ đặc cách nào. Vì thế, các em phải giữ gìn sức khỏe, ăn uống, đi lại cẩn thận để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra trước giờ thi. |
Bình luận (0)