Chúng ta đều biết rằng, quá trình học tập, thi cử là một chặng đường dài, khi đánh giá học sinh không chỉ là từ điểm thi mà xét cả quá trình học tập của các em nữa, nhưng bên cạnh đó, điểm số xét từ học bạ lại là vấn đề cần bàn luận.
Việc Bộ GD-ĐT đem điểm học bạ để xét trong kỳ thi quốc gia là một việc đáng hoan nghênh. Song, liệu các trường có thực hiện đúng chủ trương của bộ, thực hiện “học thật, thi thật, điểm thật” hay không? Và điều chắc chắn rằng, kẽ hở của điểm ảo không thể tránh khỏi đối với một số trường học. Vì sao nhiều trường lại tạo ra điểm ảo? Điều này không phải bàn luận tới vì chúng ta đều biết. Song, chính điểm ảo này rất nguy hiểm cho việc giáo dục học sinh trong tương lai, bởi giá trị ảo trong học tập sẽ dễ dẫn tới giá trị ảo trong cuộc sống. Bởi vậy, để tạo ra giá trị thật phải bắt nguồn từ những người đứng đầu của một ngôi trường, và tiếp đó là các giáo viên đứng lớp.
Tôi nhớ mãi câu nói của hiệu trưởng trường tôi với học sinh trong một buổi lễ chào cờ: “Cô phải công bằng với học sinh cả nước”. Lời nói của hiệu trưởng sáng hôm ấy rất chân thành, rất chí tình để học sinh thấm nhuần được giá trị của việc học thật, giá trị của sự công bằng. Cô đã dành thời gian khá nhiều để giải thích khá cặn kẽ cho học sinh toàn trường hiểu vì sao không thể cho điểm ảo, vì sao lại công bằng với tất cả học sinh cả nước. Đó là lời động viên, khích lệ để các em tích cực hơn trong học tập.
Sự nghiệp giáo dục cần lắm những người đưa đò giỏi chuyên môn và đẹp tâm hồn, từ đó những bài học mà người thầy gieo vào học sinh sẽ là hành trang để các em vững bước trên con đường chiếm lĩnh tri thức và rèn luyện đạo đức nhân cách khi bước đi trên đường đời. Sự công bằng trong giáo dục là một trong những yếu tố tạo nên nhân cách của con người.
Hoàng Thái Hùng (TP.HCM)
Bình luận (0)