Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Gặp tác giả trong Sách giáo khoa: Kỳ cuối: Hai bài thơ của Đoàn Minh Tuấn

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà văn Đoàn Minh Tuấn chia sẻ về tác phẩm của mình

Nói đến nhà văn Đoàn Minh Tuấn không thể không nhắc đến hai bài Phong cảnh đền Hùng, sách Tiếng Việt 5 tập 2 và Một sáng thu xưa, sách Tiếng Việt 5 tập 2, trích từ tập bút ký Núi sông hùng vĩ.

Dấu chân đi qua, kỷ niệm đẹp để lại

Hơn 60 năm cầm bút, gia tài văn học của nhà văn Đoàn Minh Tuấn đã có nhiều tác phẩm giá trị, được tái bản nhiều lần như Núi sông hùng vĩ, Bác Hồ – cây đại thọ, Nguyễn Tuân – khuôn mặt và tác phẩm, Em đội viên sáng mắt… Ông được nhà văn Nguyễn Tuân mệnh danh là “người hay thuộc lịch sử ta và những giai thoại lịch sử Việt Nam”. Mỗi tác phẩm đều là những đứa con tinh thần được ông chắt chiu từ quá trình tìm hiểu lịch sử, chắt lọc những điều tinh túy nhất để góp phần lưu giữ những giá trị truyền thống đẹp đẽ vốn có của dân tộc.

Nhà văn Đoàn Minh Tuấn hồi tưởng: “Vào năm 1968, tôi có dịp được cùng cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm đền Hùng. Cảm xúc trước vẻ đẹp thiên nhiên của nơi này và được nghe những chia sẻ của cố Thủ tướng đã tạo cảm hứng cho tôi viết nên tập bút ký Núi sông hùng vĩ”. Tác phẩm còn thêm phần giá trị khi hai đoạn trích Phong cảnh đền HùngMột sáng thu xưa được trích từ Núi sông hùng vĩ được chọn in trong sách giáo khoa đã khiến cái tên Đoàn Minh Tuấn đến gần hơn với độc giả mọi lứa tuổi.

Sinh ra tại một làng quê nghèo của miền Trung, thuộc Tịnh Khê, Sơn Tịnh – Quảng Ngãi, nhà văn Đoàn Minh Tuấn là một trong những cây bút tiêu biểu của nền văn học kháng chiến. Hăng hái đi theo cách mạng, tham gia vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, ông đã viết nên những tác phẩm góp phần cùng các thế hệ thanh niên thời bấy giờ bảo vệ Tổ quốc. Nhiều lần được đặt chân đến Phú Thọ, dấu chân đi qua, kỷ niệm đẹp để lại khi mảnh đất thiêng liêng của đất nước đã cho ông nhiều cảm xúc sáng tác. Ngay từ lần đầu tiên đặt chân tới đây, ông đã bị hút hồn. Biết bao thế hệ học trò đã thuộc những câu văn miêu tả thiên nhiên ở nơi này của nhà văn Đoàn Minh Tuấn: “Đền Thượng nằm chót vót trên đỉnh núi Nghĩa Cương. Trước đền, những khóm hải đường đâm bông rực đỏ, những cánh bướm nhiều màu sắc bay rập rờn như đang múa quạt xòe hoa trước sân. Lăng của các vua Hùng ẩn trong rừng cây xanh gần đền Thượng”. “Bước qua 495 bậc đá lần lượt qua các đền Giếng, đền Hạ, đền Trung và đền Thượng như đi qua cả chiều dài lịch sử với những chiến công hiển hách của cha ông. Tận nghe truyền thuyết trăm voi chầu về Đất Tổ và những câu chuyện về Bác Hồ đã khơi gợi trong tôi nguồn cảm hứng mãnh liệt và Núi sông hùng vĩ ra đời”, nhà văn Đoàn Minh Tuấn chia sẻ.

Lặng lẽ cầm bút

Chia sẻ về những kỷ niệm từ khi tác phẩm của mình được trích để đưa vào giảng dạy trong nhà trường, nhà văn Đoàn Minh Tuấn vui vẻ kể lại: “Nhiều lần tôi rất xúc động vì được các cháu nhỏ bày tỏ niềm thích thú khi được học đoạn trích Phong cảnh đền HùngMột sáng thu xưa. Các cháu nội, ngoại của tôi cũng rất vui khi đến trường được học tác phẩm của ông mình. Tuy nhiên, cũng không ít chuyện “dở khóc dở cười” xung quanh hai đoạn trích này mà chung quy cũng tại cái tên thôi”.

Tác phẩm Núi sông hùng vĩ của nhà văn Đoàn Minh Tuấn

Ở tuổi 84, nhà văn Đoàn Minh Tuấn vẫn lặng lẽ cầm bút. Thỉnh thoảng người ta vẫn thấy ông xuất hiện trong những buổi giao lưu, trò chuyện tại nhiều hội thảo, trường học. Với ông, niềm hạnh phúc đôi khi rất bình dị như có một em thiếu nhi ríu rít hỏi ông về đoạn trích được học trong sách giáo khoa.

Khi đó, con trai của ông đang học lớp 5, một hôm vừa đi học về, bé đã chạy vào nhà tìm ông và khóc thút thít. Gặng hỏi mãi mới biết là hôm đó ở lớp, cô giáo không dạy bài Một sáng thu xưa vì cô đọc báo thấy có tin ông Đoàn Minh Tuấn vừa bị bắt do phạm tội nên cô không muốn cho học sinh đọc tác phẩm của ông nữa. Bạn bè trêu chọc, con trai xấu hổ chạy về nhà buồn bã. Nghe xong chuyện, nhà văn Đoàn Minh Tuấn vội vã đến trường học để làm rõ chuyện. Những hiểu nhầm rồi cũng qua đi khi bài báo đó chỉ là sự trùng hợp giữa cả họ và tên của một người xa lạ nào đó với tác giả.

Một đời cầm bút, nhà văn Đoàn Minh Tuấn luôn cần cù, sáng tạo để đem tác phẩm của mình đến gần với độc giả mọi lứa tuổi.

Bài, ảnh: Yên Hà

Về tác phẩm Núi sông hùng vĩ, cố giáo sư Hoàng Như Mai, thầy giáo cũ của nhà văn Đoàn Minh Tuấn đã khen rằng “cách viết… có gia công tìm hiệu quả của các sử liệu cũ và mới nhưng có chừng mực, có chọn lọc… luôn vận dụng quan điểm lịch sử, phương pháp khoa học để luận bình”.

 

Bình luận (0)