Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN: Người lao động cần có kỹ năng gì?

Tạp Chí Giáo Dục

Cuối năm 2015, Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, việc này sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho người lao động.

Tuy nhiên, nếu không chuẩn bị đầy đủ các kỹ năng trong thời kỳ mới, lao động Việt Nam có thể thua-ngay-trên-sân-nhà khi phải cạnh tranh với lao động nước ngoài chứ chưa nói đến việc ra nước ngoài làm việc.

Tạo thêm môi trường sử dụng tiếng Anh

Ngoài kỹ năng nghề nghiệp, để có thể cạnh tranh với lao động các nước khác, lao động Việt Nam nhất thiết phải có trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh và kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giao tiếp, tác phong công nghiệp… Tuy nhiên, trình độ ngoại ngữ của sinh viên ở các trường ĐH, CĐ hiện nay được nhiều chuyên gia báo động khi chương trình đào tạo đang nặng về lý thuyết mà thiếu tính thực hành, dẫn đến việc khi ra trường sinh viên gặp nhiều khó khăn, thậm chí là không giao tiếp được bằng tiếng Anh.

Về vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho rằng: “Ngoại ngữ, trong đó chủ yếu là tiếng Anh được sinh viên tích lũy từ thời phổ thông, cộng với 3-5 năm học ĐH, CĐ, đó là chưa kể việc các em đi học thêm ở bên ngoài. Tuy nhiên, quá trình đào tạo lại nặng về văn phạm, giao tiếp ít, không được tiếp xúc với người bản xứ nên các em rụt rè, không mạnh dạn giao tiếp. Vì thế, nếu có môi trường sử dụng tiếng Anh thật sự, chắc chắn sinh viên sẽ phát huy được khả năng của mình”.

Sinh viên đăng ký tìm việc làm tại một ngày hội hướng nghiệp việc làm do Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức tổ chức

Về phía các trường đào tạo cũng có những nỗi khổ riêng. Ông Nguyễn Lê Đình Hải, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Nguyễn Trường Tộ, cho hay: “Riêng với trường CĐ nghề, do trình độ đầu vào sinh viên đã thấp, lại có sự phân hóa không đồng đều nên các trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức dạy ngoại ngữ. Tuy nhiên, chúng tôi luôn cố gắng để sinh viên ra trường có trình độ ngoại ngữ tương đương chuẩn, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động”.

Trong khi đó ông Trần Anh Tuấn cho rằng: “Các trường nên dành thời gian mời chuyên viên nước ngoài đến giao lưu với sinh viên. Đồng thời, trong chương trình đào tạo nên tăng cường khả năng nói, giao tiếp nhiều hơn là nặng về kiến thức văn phạm. Đồng thời, giáo viên cũng nên đổi mới để vừa vững kiến thức, vừa tốt về kỹ năng tổ chức để sinh viên tăng tính giao tiếp bằng ngoại ngữ trong lớp học”.

Trải nghiệm để rèn tác phong công nghiệp

Cùng với ngoại ngữ, ông Trần Anh Tuấn cho rằng kỹ năng mềm rất quan trọng trong thời kỳ hội nhập, đặc biệt là khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN. Kỹ năng ở đây không chỉ là giao tiếp, làm việc nhóm mà còn là tác phong công nghiệp. Tuy nhiên, ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: “Người lao động, đặc biệt là sinh viên mới ra trường chưa quen với xã hội công nghiệp, làm việc còn rời rạc, thiếu tính kỷ luật, tác phong công nghiệp yếu nên doanh nghiệp không hài lòng. Vì thế, ngoài dạy kỹ năng sống trong nhà trường, bản thân sinh viên cần tăng cường các hoạt động xã hội, hoạt động làm thêm để trải nghiệm cuộc sống, học hỏi thêm kỹ năng”.

Thực tế hiện nay nhiều trường ĐH, CĐ, thậm chí là TCCN trên địa bàn TP.HCM đã đưa kỹ năng sống vào giảng dạy như một chương trình chính khóa. Cụ thể, Trường TC Kỹ thuật và nghiệp vụ Nam Sài Gòn đã thành lập hẳn một bộ phận giáo dục cộng đồng chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, nội dung chương trình và cụ thể hóa chương trình đào tạo huấn luyện kỹ năng sống; đồng thời đưa vào chương trình đào tạo của trường như những môn học chính khóa khác. Thời gian thực hiện chương trình đào tạo kỹ năng sống đối với hệ tuyển THCS là 3 năm (tương ứng với 6 học kỳ), THPT là 1,5 năm (tương ứng với 3 học kỳ).

Ông Nguyễn Trí Dũng, Hiệu trưởng Trường TC Kỹ thuật và nghiệp vụ Nam Sài Gòn, cho biết: “Qua quá trình đào tạo kỹ năng sống, ý thức rèn luyện của các em đã nâng lên một bước, theo đó các em chủ động và tích cực hơn trong cuộc sống cũng như học tập. Bên cạnh đó, ý thức tổ chức kỷ luật trong lao động, bảo vệ môi trường, chấp hành nội quy… của các em cũng tăng lên rõ rệt”.

Trường CĐ Nguyễn Trường Tộ cũng là một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác đào tạo kỹ năng sống cho sinh viên, đặc biệt là trong hơn một năm nay. “Cuối năm nay, chúng ta gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, lao động Việt Nam sẽ tăng cường tính cạnh tranh với lao động các nước khác. Vì thế, ngoài vững chuyên môn, nhà trường đã mở lớp đào tạo kỹ năng mềm cho các em. Ở lớp học này, các em sẽ được học theo từng chuyên đề như làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng lắng nghe…”, ông Nguyễn Lê Đình Hải chia sẻ.

Bài, ảnh: Minh Châu

“Người lao động, đặc biệt là sinh viên mới ra trường chưa quen với xã hội công nghiệp, làm việc còn rời rạc, thiếu tính kỷ luật, tác phong công nghiệp yếu nên doanh nghiệp không hài lòng. Vì thế, ngoài dạy kỹ năng sống trong nhà trường, bản thân sinh viên cần tăng cường các hoạt động xã hội để học hỏi thêm kỹ năng sống…”, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nói.

 

Bình luận (0)