Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Sống chết cùng Rừng Sác

Tạp Chí Giáo Dục

Trong Lễ khen thưởng cấp Nhà nước, được tổ chức tại TP.HCM mới đây, có người cựu chiến binh già mắt rưng rưng nhòe lệ bởi danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) được Đảng và Nhà nước trao tặng. Ông là Trung tá Vũ Đình Bạch (1943, quê xã Thụy Trường, Thái Thụy, Thái Bình) – người chiến sĩ đặc công Rừng Sác thuộc Trung đoàn 10 anh hùng, người làm cho Mỹ – ngụy điên đảo nhưng phải cúi đầu khuất phục.

Chiến sĩ Rừng Sác kiên cường

Mới đây, “quê lúa” Thái Bình lại vinh dự có một người con tiếp theo được nhận danh hiệu AHLLVTND, đó là Trung tá Vũ Đình Bạch, ông Bạch xúc động: “Tôi đi B năm 1964, có mặt tại chiến trường Rừng Sác 1965, trận địa chính của Trung đoàn 10 gắn liền với mảnh đất Rừng Sác, một vị trí chiến lược quan trọng, bàn đạp hiểm yếu tấn công vào sào huyệt đầu não của Mỹ – ngụy tại Sài Gòn từ hướng Đông Nam. Tôi đánh Mỹ – ngụy trên 50 trận, trong đó có 2 trận đánh tôi không bao giờ quên nhưng tôi và những đồng đội còn sống luôn day dứt: Có trận đang cùng đồng đội tiến ra trận địa, bất chợt chỉ nghe tiếng nói đứt quãng “anh Bạch ơi, em bị cá sấu táp rồi…”, thấy bọt nước cuộn trào và máu đồng đội đỏ loang cả một vùng nước, nước mắt tuôn trào nhưng bất lực vì bí mật, không ai dám nổ súng giải nguy cho đồng đội! Rừng Sác vào những năm 60 của thế kỷ trước còn rất hoang sơ, cây cối rậm rạp, trước khi Trung đoàn 10 được thành lập vào tháng 4-1966, số cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ ở đó cũng chưa nhiều và thường phải ăn mặc như người địa phương. Họ được chia thành những tốp nhỏ, tự học tập cách chèo xuồng, bắt tôm, bắt cá để sinh sống. Bộ đội Rừng Sác không chỉ thường xuyên phải đối mặt với sự bố ráp, càn quét của địch mà còn phải chống chọi trước sự khắc nghiệt của môi trường rừng ngập mặn và mối hiểm nguy rình rập của cá sấu, rắn độc. Mối nguy hiểm thường trực này được chính các bộ đội ta phải thốt lên “giặc thì không sợ nhưng sợ nhất cá sấu”.

Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân và ông Vũ Đình Bạch trong ngày ông Bạch nhận danh hiệu AHLLVTND

Nhấn chìm “thủy quái”

Để bảo vệ an toàn cho sông Lòng Tàu, Mỹ và chính quyền Sài Gòn tuyên bố “làm cỏ, lột da rừng Sác” bằng những cuộc càn quét, bắn giết đẫm máu nhưng chủ yếu là những người dân vô tội bị hứng chịu, ngoài ra Mỹ – ngụy còn dội bom B52, pháo hạm và chất độc hóa học nhằm tiêu diệt Rừng Sác. Ác liệt, gian khổ không gì kể siết nhưng ông Bạch và Trung đoàn 10 vẫn quấy rối, đánh đắm nhiều tàu địch. Trận đánh làm vang danh những người chiến sĩ đặc công Rừng Sác, làm tiêu hao lớn sinh mạng binh sĩ Mỹ, khiến cho Mỹ – ngụy run sợ, đó là trận đánh tiêu diệt tàu Baton Rugiơ Victory trên sông Lòng Tàu (23-8-1966). Victory là con “thủy quái”, tàu vận tải quân sự vừa tối tân vừa có sức chở lớn của Mỹ (khi đó Mỹ chỉ có 10 chiếc, 1 chiếc bị đánh đắm tại chiến trường Triều Tiên). Tải trọng 1 vạn tấn, Victory được mệnh danh “kho nổi di động” chứa máy bay, xe tăng, súng pháo, thiết bị quân sự, lương thực đủ loại. Vũ khí mà ông Bạch và đồng đội dùng để tiêu diệt Victory là hai quả thủy lôi sừng chạm (KB), mỗi trái nặng 1.075kg.

8 giờ 15 phút sáng ngày 23-8-1966, một đoàn gần 10 chiếc tàu lớn nhỏ của địch hùng hổ ngược sông tiến về Sài Gòn. Chợt con “thủy quái” xuất hiện với thân tàu đồ sộ, ông và đồng đội mừng không kể siết. Vừa đến vòng cua, con tàu chợt khựng lại. Đuôi tàu lắc lư nặng nề dịch sang trái, đưa cả một cái thân to lớn vào luồng lạch, ông Bạch và đồng đội hồi hộp chờ giây phút quyết định số phận chiếc tàu Mỹ. Kỹ thuật viên thực hiện qui trình chính xác, hai quả thủy lôi phát hỏa, một tiếng nổ lộng óc vang rền, không gian và một luồng khói đen cuộn lên kín đặc khoảng trời. Chiếc tàu bị một lực đẩy cực mạnh làm rung chuyển cả dòng sông, hai bức tường nước khổng lồ bốc cao, nuốt chửng cả con tàu bị phủ dưới một luồng lửa cực lớn. Lát sau, trên mặt sông ngầu đục chỉ còn trơ lại cái đài chỉ huy trống trơn với lá cờ Mỹ đẫm nước, te tua rũ xuống. Ngay hôm sau báo chí Sài Gòn, báo chí phương Tây tới tấp đưa tin chiến sự với hàng tít: “Sáng 23-8 quân giải phóng đã đánh chìm tàu vận tải quân sự Mỹ trên sông Lòng Tàu cách Sài Gòn 20 cây số về phía Đông. Victory “chết chìm” dưới đáy sông Lòng Tàu mang theo 100 xe tăng, 3 máy bay phản lực, hàng trăm khẩu pháo, hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm và hơn 100 lính Mỹ…

Bài, ảnh: Lê Quang Huy

Lập chiến công lừng danh này, ông Vũ Đình Bạch được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, danh hiệu “Dũng sĩ đánh giao thông”, “Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú”… Hiện nay, người con trai giữa của ông là Thiếu tá Vũ Chí Linh, đang làm Trợ lý cán bộ của Phòng Tuyên huấn Quân khu 3, người con trai út Vũ Chí Hòa là cán bộ kiểm soát không lưu đường dài thuộc Hàng không Việt Nam”.

 

Bình luận (0)