Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

26 điểm thi tại cụm ĐHQG TP.HCM

Tạp Chí Giáo Dục

Với gần 24.000 thí sinh, năm nay ĐHQG TP.HCM sẽ bố trí 26 điểm thi THPT quốc gia tại cụm do đơn vị chủ trì. Các điểm thi này chủ yếu tập trung tại trường THCS, THPT và ĐH trên địa bàn các quận: 1, 10, Bình Thạnh, Tân Bình.

Điểm thi Trường ĐH Bách khoa đông nhất với hơn 3.500 thí sinh dự thi. Kế đến, điểm thi Trường THPT Gia Định tổ chức cho 1.920 thí sinh; điểm thi Trường ĐH KHTN có gần 1.500 thí sinh; điểm thi Trường THPT Hoàng Hoa Thám cũng có gần 1.500 thí sinh. Các điểm thi còn lại có từ vài trăm đến 1.000 thí sinh dự thi.

Trong tổng số thí sinh dự thi tại cụm ĐHQG TP.HCM, thí sinh tỉnh Đồng Nai đông nhất với hơn 11.600 em. Thí sinh TP.HCM gần 10.600 em. Còn lại, số thí sinh tự do trên 1.600 em…

Theo thống kê, có hơn 23.000 thí sinh đăng ký thi môn toán, hơn 21.000 thí sinh thi môn văn. Môn lịch sử ít thí sinh đăng ký nhất, chỉ có 1.915 em. Môn địa lý cũng chỉ có gần 4.000 thí sinh đăng ký. Còn môn sinh học trên 5.000 thí sinh. Đặc biệt, môn ngoại ngữ có gần 21.000 thí sinh đăng ký dự thi. Môn vật lý trên 17.000 thí sinh đăng ký. Môn hóa học có hơn 13.000 thí sinh đăng ký. Mới đây, ĐHQG TP.HCM đã ban hành quy định xét tuyển ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2015. Theo đó, quá trình tuyển sinh sẽ gồm 2 phần: Đánh giá năng lực và xét tuyển. Trong đó, những năng lực được đánh giá sẽ gồm: Học tập, tư duy và năng khiếu, hoạt động xã hội. Phần xét tuyển kết hợp tính hệ thống của ĐHQG TP.HCM và quyền chủ động của các trường; có tính toàn diện và thể hiện yêu cầu đặc thù của từng ngành, trường, vùng. Tiêu chí xét tuyển gồm kết quả đánh giá năng lực và các tiêu chí phù hợp khác thể hiện tính tự chủ của các trường trong tuyển chọn.

Thí sinh dự thi vào ĐHQG TP.HCM năm trước

Theo PGS.TS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐHQG TP.HCM, năm 2015, phương án xét tuyển của ĐHQG TP.HCM được xây dựng trên cơ sở tiêu chí năng lực học tập (kết quả kỳ thi THPT quốc gia, kết quả học tập THPT) kết hợp với điểm ưu tiên theo khu vực và đối tượng. Các tiêu chí về năng lực tư duy, năng lực hoạt động xã hội sẽ được xem xét triển khai vào các năm sau.

Thí sinh xét tuyển vào ĐHQG TP.HCM cần tốt nghiệp THPT hoặc trung cấp; hạnh kiểm từ loại khá trở lên. Với thí sinh xét tuyển ĐH thì điểm trung bình tổng cộng 5 học kỳ (lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) từ 6,5 trở lên; thí sinh xét tuyển CĐ từ 6 trở lên. Ngoài ra ĐHQG TP.HCM còn tuyển thẳng, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển với chỉ tiêu không quá 5% tổng chỉ tiêu của ngành/nhóm ngành.

Đồng thời, ĐHQG TP.HCM còn áp dụng chính sách ưu tiên trong tuyển sinh để xét tuyển các thí sinh THPT có thành tích học tập xuất sắc, tốt nghiệp THPT năm 2015 thuộc 5 trường THPT đứng đầu trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm trước. Theo đó, học sinh có hạnh kiểm tốt trong các lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 được đăng ký vào một ngành của một trường thành viên thuộc ĐHQG TP.HCM. Bên cạnh đó, các em phải đáp ứng một trong 2 tiêu chuẩn: Đạt học sinh giỏi các lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12; đã tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia trong quá trình học THPT đồng thời có kết quả học tập lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 từ loại khá trở lên. 

Đặc biệt, để đăng ký vào ĐHQG TP.HCM năm nay, thí sinh phải có bài viết bằng tay trên giấy A4, trình bày lý do muốn học tại trường; mối quan tâm đến ngành học; mục tiêu học tập, nghề nghiệp; đóng góp cho xã hội của bản thân; có thư giới thiệu của giáo viên trường THPT nơi thí sinh học lớp 12…

Bài, ảnh:  Thục Trân

Thí sinh xét tuyển vào ĐHQG TP.HCM cần tốt nghiệp THPT hoặc trung cấp; hạnh kiểm từ loại khá trở lên. Với thí sinh xét tuyển ĐH thì điểm trung bình tổng cộng 5 học kỳ (lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) từ 6,5 trở lên; thí sinh xét tuyển CĐ từ 6 trở lên.

 

Bình luận (0)