Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Lệch lạc về “thần tượng” của giới trẻ…

Tạp Chí Giáo Dục

Gần đây, báo chí và các phương tiện thông tin rộ lên những dòng tin về giới trẻ, trong đó có không ít học sinh đã có những hành vi, cử chỉ, phát ngôn tỏ ra “ngưỡng mộ” những “tay anh chị” có “số má” ngoài xã hội… Nhìn những tay ngổ ngáo, xăm trổ đầy mình đi nghênh ngang, các em nhỏ chạy theo xuýt xoa, trầm trồ chỉ trỏ; chạm được vào người của “anh” là một “vinh dự” đã làm cho các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng, bức xúc…

Sự lệch lạc trong nhận thức của giới trẻ về “thần tượng” không thể là vô hại mà có thể mang lại những hậu quả lâu dài…  Các em sẽ bắt chước từ hành vi, lời nói, việc làm của những “thần tượng” mà mình “yêu thích”!

“Thần tượng”, theo nghĩa gốc là “Tượng thần: thường dùng để ví cái được tôn sùng, chiêm ngưỡng” (Từ điển Tiếng Việt – Trung tâm từ điển học – NXB Đà Nẵng, 1997, trang 893). Ở đây, “thần tượng” của giới trẻ thường là những mẫu người nổi tiếng, thành đạt nên các em say mê, thích thú, muốn bắt chước, làm theo, học theo để được như vậy! “Thần tượng” của các thế hệ trẻ trước đây là những tấm gương yêu nước, những anh hùng, những con người giàu lòng nhân ái, biết sống quên mình vì mọi người… Đó là những tấm gương vượt lên hoàn cảnh, không chịu đầu hàng số phận để “vượt lên chính mình” như nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký… Và còn biết bao tấm gương, biết bao “thần tượng” đã góp phần định hướng lý tưởng sống đẹp cho nhiều thế hệ.

Nhưng vì sao một bộ phận giới trẻ, trong đó có những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường; lại “tôn sùng, chiêm ngưỡng” những mẫu người ăn chơi lêu lổng, vi phạm pháp luật? Sự lệch lạc, ngộ nhận trong suy nghĩ, chỉ theo cảm tính; thấy cái lạ, khác người, khác đời là “chạy theo” mà không có sự cân nhắc, suy nghĩ kỹ!

Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể trong nhà trường (Chi bộ, Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên Tiền phong) chưa  thực sự phát huy hết vai trò của mình trong việc giáo dục đạo đức cho các em. Đó là lòng yêu quê hương, gắn bó với quê hương, lòng yêu nước, lòng trung thành thông qua những danh nhân lịch sử, những tấm gương trong các lĩnh vực đời sống.

Có thể do chương trình còn nhiều bất cập, chưa dành thời gian thích đáng cho những hoạt động này chăng? Vì thế chúng ta chỉ lo dạy chữ, nặng về dạy chữ mà coi nhẹ việc dạy làm người! Thần tượng không ở đâu xa mà ở ngay lớp mình, trường mình. Đó là những tấm gương học giỏi, rèn luyện tốt; đó là những tấm gương thầy cô giáo, hết lòng thương yêu học sinh; luôn trăn trở về hoàn cảnh mỗi học trò và tìm cách giúp đỡ trong khả năng của mình…

Thần tượng của trường tôi là hình ảnh các thế hệ học trò thành đạt, những huy chương, những thủ khoa trên bảng “Gương mặt tài hoa” nơi sảnh của trường… Mỗi ngày học sinh bước qua, mỗi ngày nhìn hình ảnh đàn anh, đàn chị đi trước để học tốt hơn, làm theo tốt hơn để đạt được ước mơ, khát vọng của mình!

Trưng Sa Đông

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)