Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Tấm lòng của những người thầy

Tạp Chí Giáo Dục

Là đơn vị hợp nhất giữa Trung tâm GDTX và Trung tâm Dạy nghề huyện Phong Điền từ năm 2017, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Phong Điền (đặt tại thị trấn Phong Điền) liên tục là lá cờ đầu của TP.Cần Thơ trong công tác phân luồng và đào tạo nghề.

Tiết dy toán ca thy Trn Thanh Sang (thy Lê Hoàng Nghĩa ngi bàn đu, bìa trái)

Có dịp cùng thầy Lê Hoàng Nghĩa (Phó Giám đốc trung tâm) dự một tiết dạy của thạc sĩ toán Trần Thanh Sang tại lớp 12, tôi bất ngờ trước không khí thân thiện của lớp. Hôm ấy thầy Sang dạy bài “Dùng phương pháp đồ thị hoặc bảng giá trị để giải bất phương trình mũ”. Là một trong những bài khó trong chương trình toán lớp 12, nhưng với phương pháp truyền thụ dễ hiểu, trong đó có ứng dụng CNTT: Thầy dùng phần mềm vẽ hai đồ thị trên cùng một hệ trục tọa độ Oxy, đã giúp học viên (HV) thấy rõ sự chênh lệch giá trị của hai hàm số tại một giá trị hoành độ của chúng, và khoảng giá trị của biến số. Các đồ thị nêu được tính đúng đắn của mệnh đề toán học dưới dạng bất phương trình, vốn phức tạp đến nỗi không thể giải bằng phương pháp bình thường mà phải giải bằng đồ thị. Bài tập dưới dạng trắc nghiệm thường có các đồ thị và các câu hỏi tương ứng. HV dựa vào đồ thị chọn đáp án đúng mà không cần dùng phép giải cổ điển. Lớp học sinh động, nhưng lại như một gia đình, các HV gọi thầy Sang là “tía” xưng “con”, còn thầy thì như người cha: khen ngợi khi HV trả lời đúng và nhẹ nhàng uốn nắn đối với câu trả lời sai…

Tận tụy, hết lòng vì HV là điểm chung của tập thể sư phạm ở Trung tâm GDNN-GDTX huyện Phong Điền, gồm 27 CB-GV, trong đó có 3 thạc sĩ. Trung tâm có diện tích 12.347m2, khu vực GDTX có 7 phòng học, 2 phòng bộ môn, 1 thư viện, 1 phòng tin học với 24 máy vi tính, 1 hội trường, 2 khu thực tập nghề; khu làm việc của lãnh đạo trung tâm và khối hành chính. Trong khi đó, khu vực GDNN có 4 phòng học, 1 phòng hành chính, 2 phòng làm việc của lãnh đạo và cơ sở may xuất khẩu. Trung tâm đảm nhiệm công việc khá phức tạp: phân luồng và dạy nghề lao động nông thôn, bằng cái tâm và tri thức của người thầy, trung tâm từng bước vượt qua trở ngại, trở thành lá cờ đầu của TP.Cần Thơ. Dù đa số HV có đầu vào hạn chế, nhiều em vì hoàn cảnh phải vừa học vừa làm, nhưng nhiều năm liền trung tâm nằm trong top dẫn đầu về tỷ lệ tốt nghiệp THPT. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 chỉ rớt 1 em; kỳ thi năm 2018 có 99/101 HV tốt nghiệp; trung tâm được báo cáo điển hình tại Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ về công tác giảng dạy và ôn tập cho HV lớp 12.

Thầy Lê Hoàng Nghĩa cho biết: Hàng năm, Ban Giám đốc (BGĐ) trung tâm đến các trường THCS trong huyện gặp học sinh và phụ huynh để thông tin về những ưu điểm khi học văn hóa và học nghề. Sau khi hoàn thành tuyển sinh lớp 10, trung tâm tổ chức kiểm tra trình độ, phân loại HV để có kế hoạch phụ đạo những em bị mất kiến thức. Môn toán có nhiều HV mất căn bản nhất, BGĐ bố trí dạy thêm 3 buổi chiều/tuần, thầy Sang phụ đạo miễn phí thêm cho các em vào thứ bảy. Chương trình học nghề TC chỉ hơn 2 năm, BGĐ thu xếp để HV hoàn thành chương trình vào hè lớp 11 để khi lên lớp 12, các em dành toàn thời gian cho học tập. Những HV có tiến bộ trong học tập và rèn luyện được BGĐ khen thưởng và gửi thư khen đến phụ huynh. Đối với HV lớp 12, BGĐ cho đăng ký môn tự chọn từ khi thi kiểm tra giữa học kỳ I, họp tổ chuyên môn thống nhất phương pháp ôn tập từng môn. Giáo viên các bộ môn ôn tập theo chuẩn kỹ năng kiến thức, cấu trúc đề thi của Sở GD-ĐT và Bộ GD-ĐT và theo từng chủ đề. Bên cạnh đó, BGĐ phân công nhân viên theo dõi sĩ số từng buổi, nếu có hiện tượng vắng nhiều thì nhắc nhở, động viên, thông báo cho phụ huynh. Thầy Lê Hoàng Nghĩa nhấn mạnh: “Trung tâm hỗ trợ những HV có hoàn cảnh khó khăn như tập vở, xe đạp, học bổng, tạo sân chơi lành mạnh cho các em bằng cách thành lập CLB bóng chuyền, cầu lông… Thầy cô các bộ môn phải nắm được đặc điểm, tâm sinh lý và hoàn cảnh gia đình từng HV để tạo điều kiện cho HV đi học và ôn tập; chia nội dung từng chuyên đề, trong đó có nội dung dạy trên lớp, nôi dung giao cho HV làm bài tập ở nhà, hướng dẫn các em cách sử dụng SGK kết hợp sử dụng sách bài tập để ôn tập phù hợp và hiệu quả”.

Thy Nguyn Văn Hoàng (Giám đc trung tâm) đang trao đi vi công nhân trong cơ s may

Thầy Nguyễn Văn Hoàng (Giám đốc trung tâm) cho biết thêm: Trung tâm tranh thủ chính sách miễn 100% học phí cho học sinh THCS chuyển sang học nghề nên HV không phải đóng học phí khi học văn hóa và học nghề. Thời gian qua, trung tâm có HV đạt giỏi cấp thành phố môn toán, nhiều HV sau khi tốt nghiệp THPT đã trúng tuyển các trường ĐH, trường quân sự. Số HV hoàn thành TC nghề đều có việc làm. Thành quả trên từng bước làm chuyển biến nhận thức của đông đảo người dân về phân luồng và GDNN. Hàng năm trung tâm đều tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Năm học 2018-2019, có 326 HV, trong đó lớp 12 có 50 em. Có 150 HV (lớp 10 và lớp 11) đang theo học TC nghề các ngành: Sửa chữa ô tô, chế biến thủy sản, điện gia dụng do trung tâm liên kết đào tạo với các trường: CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ, CĐ Nghề Cần Thơ, TC Giao thông vận tải miền Nam. Một số công ty xuất khẩu lao động đã làm việc với trung tâm, theo đó, sau khi học xong nghề và tốt nghiệp THPT, những em có nguyện vọng xuất khẩu, công ty sẽ bố trí giáo viên dạy tiếng Nhật và lo hồ sơ xuất cảnh cho các em.

Từ khi sáp nhập, trung tâm luôn đạt chỉ tiêu đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn. Năm 2018, trung tâm đã khai giảng 14 lớp cho 560 lao động, đạt 100% chỉ tiêu. Các lớp dạy nghề (gồm nông nghiệp và phi nông nghiệp) đều gắn với mục tiêu phát triển kinh tế của huyện Phong Điền là phát triển nông nghiệp chất lượng cao và du lịch sinh thái. Lớp dạy nghề phi nông nghiệp có may công nghiệp, may gia dụng và đan dây nhựa. Người lao động học xong các lớp may được trung tâm tặng máy may. Nếu có nguyện vọng sẽ được nhận vào làm tại xưởng may xuất khẩu ở xã Giai Xuân, hoặc cơ sở may đặt tại trung tâm, là chi nhánh của Công ty May xuất khẩu Phước Thới 2. Chị Huỳnh Thị Cát Phượng (quản lý phân xưởng may đặt ở trung tâm) trao đổi: Cơ sở có 80 công nhân. Chủ yếu may áo gió xuất khẩu. Lương trả theo sản phẩm, mức lương thấp nhất là 3,5 triệu/tháng; cao nhất gần 9 triệu đồng/tháng. Công ty đài thọ bữa ăn trưa cho công nhân…”. Tương tự, chị Trần Thị Nhung (ngụ xã Nhơn Nghĩa) cho biết: Tôi  có 2 con, cháu trai lớn 15 tuổi, học Trường THCS Nhơn Nghĩa. Cháu nhỏ 10 tuổi học lớp 5. Nhà không có đất sản xuất, chồng làm phụ hồ, trước đây tôi ở nhà nấu rượu bán và nuôi heo, cuộc sống khó khăn. Từ khi làm việc tại xưởng may, cuộc sống gia đình tôi ổn định và có tích lũy, lo cho con ăn học đầy đủ.

Trong thành công của trung tâm có sự hỗ trợ của các ban ngành, đặc biệt là sự chỉ đạo của UBND huyện và Phòng LĐ-TB&XH. Theo đó, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo đào tạo nghề, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong chính quyền các cấp, ban ngành và người dân. Hàng năm, BGĐ trung tâm phối hợp Ban chỉ đạo tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp tình hình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. “Chúng tôi yêu cầu các cơ sở đào tạo phải gắn dạy nghề với giải quyết việc làm, chú trọng những mô hình sản xuất nông nghiệp cần được nhân rộng. Hàng năm có khoảng 600 phiếu đăng ký học nghề của bà con, trong đó nghề phi nông nghiệp chiếm 55%, nông nghiệp chiếm 45%”, thầy Nguyễn Văn Hoàng chia sẻ.

Khu vc dy văn hóa cho hc viên

Ông Lê Hoàng Dũng (Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền) nhận xét: “Huyện có 26.051 hộ với 103.171 người. Trung tâm GDNN-GDTX huyện đã giúp tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, hạ tỷ lệ hộ nghèo còn 2,16%, giúp Phong Điền là đơn vị đầu tiên của TP.Cần Thơ đạt huyện nông thôn mới và thực hiện thành công Nghị quyết 07 của Thành ủy: xây dựng Phong Điền trở thành đô thị sinh thái. Năm 2018 toàn huyện có 59 cơ sở du lịch sinh thái, tăng 17 cơ sở so với năm 2017. Các đơn vị này đầu tư quy mô, bài bản, thu hút rất đông khách du lịch. Đặc biệt, thực hiện chính sách miễn học phí, trung tâm đã đẩy mạnh phổ cập giáo dục THPT và tạo hướng đi tương lai cho các em, trong đó đa phần là con em hộ nghèo, cận nghèo, hoặc có hoàn cảnh đặc biệt. Hiện huyện đã lập kế hoạch xây mới cơ sở cho trung tâm, dự kiến gần 50 tỷ đồng”.

Trước thềm xuân mới, thầy Nguyễn Văn Hoàng phấn khởi nói: “Năm 2019, trung tâm tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy đối với GDTX;  mở 10 lớp đào tạo ngắn hạn cho 350 lao động nông thôn, trong đó có 5 lớp phi nông nghiệp: 1 lớp dạy lái xe hạng B2, 2 lớp may công nghiệp, 2 lớp du lịch và 5 lớp nông nghiệp. Với các mô hình dạy nghề này, hầu hết HV học xong sẽ có việc làm tại các doanh nghiệp, hoặc sản xuất tại gia đình”.

Đan Phưng

 

 

Bình luận (0)