Trước những đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018 cả trong chương trình giảng dạy cũng như kiểm tra, đánh giá, đồng thời để “tiệm cận” hơn với người học, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) đã tổ chức một buổi chuyên đề bàn về việc khen thưởng, kỷ luật học sinh sao cho phù hợp. Nhiều giáo viên cho rằng đã đến lúc cần phải thay đổi về phương thức khen thưởng, kỷ luật học sinh.
Giáo viên Trường THCS Nguyễn Du bày tỏ quan điểm trong chuyên đề
Theo thầy Dương Đức Lăng (giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, Q.1), Thông tư 08 về khen thưởng, kỷ luật học sinh phổ thông đã được ban hành cách đây trên 30 năm. So với sự thay đổi của giáo dục và xã hội, rất nhiều hình thức khen thưởng, kỷ luật được nêu ra trong thông tư đã không còn phù hợp. Do đó, nếu giáo viên cứ cứng nhắc áp dụng thông tư, vô hình trung sẽ mang lại những yếu tố “phản giáo dục”. “Lỗi vi phạm của học sinh thường là do tính cách chưa ổn định. Vì thế, nếu kỷ luật nặng quá sẽ ảnh hưởng đến tâm lý học sinh, còn kỷ luật nhẹ quá thì lại khiến học sinh “lờn”. Nên chăng, các quy định về khen thưởng, kỷ luật học sinh phải có sự thay đổi, để giáo viên có thể “giơ cao, đánh khẽ”, bằng những hình thức kỷ luật mang tính tích cực…”.
Nêu về các hình thức kỷ luật tích cực, thầy Lăng cho hay: khi học sinh vi phạm, có thể để cho học sinh tự nhận các hình thức kỷ luật, xử lý. Chẳng hạn, nếu không học bài, làm bài, học sinh sẽ tự nhận số lần chép phạt mà mình cho là chính đáng; Học sinh đi học trễ thường xuyên có thể phạt các em đứng trước lớp đọc thơ, đọc công thức toán, hát karaoke, tham gia các hoạt động thể dục thể thao của lớp, của trường… vừa gần gũi mà vừa không khiến học sinh “mất mặt”.
“Ngay cả với hình thức bêu tên học sinh vào sổ đầu bài rồi mang ra “phán xét”, kỷ luật trong buổi sinh hoạt chủ nhiệm cũng không còn phù hợp. Thậm chí, cả cách gọi “học sinh cá biệt” cũng không còn phù hợp. Thay vào đó, với những học sinh hay vi phạm khuyết điểm, nên có những hình thức kỷ luật mang tính giáo dục như phạt học sinh làm các công việc công ích của trường như trồng cây, chăm sóc bồn hoa, trực nhật lớp vào ngày nghỉ để tránh bị bạn bè chê cười. Cạnh đó, là những hình thức “phạt” mang tính cộng đồng cao như tạo điều kiện để học sinh tham gia các hoạt động thiện nguyện của trường, lớp, địa phương tổ chức để hướng học sinh đến những giá trị sống tích cực. Trên hết là thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lý, hỗ trợ để học sinh sửa chữa khuyết điểm”, thầy Lăng đề xuất.
Đối với việc khen thưởng, thầy Lăng nhận định, tâm lý học sinh hiện nay, nhất là học sinh bậc THCS, THPT các em rất “ngại” giáo viên khen trước lớp. Bởi, như vậy, chỉ cần vô tình các em mắc một sai phạm nào đó sẽ dễ bị “bạn bè mang ra làm trò cười”. Do đó, giáo viên không nên “lạm phát” lời khen mà tùy từng học sinh, tùy trường hợp. “Khi hướng tới giáo dục toàn diện học sinh, bên cạnh việc giáo dục kiến thức cần chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng. Vì thế, cũng cần phải có cơ chế để các nhà trường tạo ra nhiều hoạt động giáo dục, tạo điều kiện cho học sinh phát huy thế mạnh của học sinh để đa dạng hơn các hình thức khen thưởng. Tuy nhiên, việc khen thưởng cũng không nên quá lạm dụng, tránh mất tác dụng của việc nêu gương”, thầy Lăng bày tỏ.
Trên 34 năm làm công tác giảng dạy, cô Lê Thị Lài (giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, Q.1) đánh giá, có 3 vi phạm nặng nhất mà học sinh thường mắc trong trường học: Gian lận thi cử; Thiếu lễ phép; Bạo lực. Với các hành vi này, nếu giáo viên “áp” theo khung kỷ luật của Thông tư 08 sẽ là rất nặng nề, thậm chí mang tính nhục mạ học sinh. Trong khi đó khó nhất trong việc kỷ luật học sinh đó là làm sao để các em có sự chuyển biến từ nhận thức đúng đắn. “Muốn các em chuyển biến, bắt buộc kỷ luật phải bằng các hình thức phù hợp, gắn sát với tâm sinh lý của học sinh như để các em viết cảm nhận về hành vi của mình, cho chính các học sinh vi phạm tham gia các hoạt động giám sát trong trường như làm sao đỏ, thanh niên xung kích. Có như vậy, việc kỷ luật mới mang tính giáo dục, từ đó học sinh sẽ phục và thay đổi”.
Thậm chí, cô Lài cho hay, khi kỷ luật đuổi học học sinh, vô tình, chính nhà trường đã “đẩy” các em ra ngoài môi trường giáo dục, “tiếp tay” cho người xấu có cơ hội lôi kéo, dụ dỗ các em. “Việc kỷ luật nên mang tính răn đe, phòng ngừa giáo dục chứ không nên mang tính chà đạp, bêu xấu, xúc phạm, nhục mạ học sinh như bêu tên trước cờ, trước lớp, trước hội đồng… Cần phải có các hình thức kỷ luật mang tính tích cực. Từ chính những vi phạm của học sinh, giáo viên có thể nêu chính sự việc đó (không nêu tên học sinh) trước lớp để thảo luận, phân tích thành một chuyên đề giúp học sinh tránh sai sót”.
“Để tránh các vi phạm và giáo dục học sinh, công tác tư vấn tâm lý trong trường học phải được đẩy mạnh. Không những thế, mỗi giáo viên cũng cần là một “tâm lý viên” để nắm bắt, giải tỏa và thấu hiểu những vấn đề của học sinh mình. Phát huy vai trò của hòm thư góp ý trong trường học, khuyến khích các em bày tỏ quan điểm…”, cô Lài góp ý.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)