Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sách ngôn tình, nỗi lo không của riêng ai!: Giới trẻ có lý do đọc

Tạp Chí Giáo Dục

Hết sức công tâm, chúng ta không khuyến khích đọc sách ngôn tình nhưng phải nhìn nhận có rất nhiều cái hay cái đẹp sách này mang đến mà nhà trường đã không làm được cho học sinh, gia đình không cung cấp cho con em mình.

Không là người bảo vệ loại sách này nhưng tôi xin trình bày cái được của chúng. Đầu tiên là trau dồi ngôn ngữ. Học sinh sử dụng được từ ngữ mượt mà, nhiều hình ảnh mà chưa chắc môn văn đã có thể giúp các em trong thời gian dài. Học sinh có thể thành “thi sĩ”, các em thấy cơn mưa không còn là mưa mà giọt “lệ đá”, nắng là “nắng thủy tinh”, gió là “hơi thở” ai đang hát… Như vậy, đâu thể quy kết cho sự sai lệch trong văn hóa đọc của giới trẻ. Chúng ta hay thấy hiện tượng, thực trạng không phù hợp rồi ngăn cấm, ngăn ngừa…, nhưng càng ngăn cấm càng gây tò mò. Không có gì sai khi kiểm soát chặt, hạn chế xuất bản, không khuyến khích. Song, có một nguyên tắc mà trường học và cơ quan văn hóa quên là “hãy hun đúc hơn là ngăn ngừa”. Thấy nhiều cái hay, cái đẹp tích cực mà sách ngôn tình cung cấp cho bạn đọc trẻ, các cơ quan hữu quan, đặc biệt là ngành giáo dục và văn hóa có thể xây dựng chương trình hành động nhằm nâng cao ý thức đọc, các thể loại sách cần đọc. Chúng ta cần thẳng thắn và công bằng hơn đối với giới trẻ, đừng xem họ không biết gì rồi đặt họ sang một bên chỉ nói chuyện cho người “già” nghe.

Xin đừng lên án, đừng dè bỉu, đừng chê bai các bạn trẻ khi chính mình chưa biết sách đó viết gì. Hãy gần gũi họ và hãy gắng đọc xem cái các bạn ấy đọc để cùng luận bàn.

Nguyễn Minh Thanh

(GV Trường THCS Hưng Long, Bình Chánh, TP.HCM)

Bình luận (0)