Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hơn 40.000 chỗ học cho thí sinh rớt lớp 10

Tạp Chí Giáo Dục

Mỗi năm Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức tuyển hơn 100 học sinh tốt nghiệp THCS. Đây là một trong những trường có nhiều chương trình liên kết với Singapore, Hàn Quốc…

Năm học 2015-2016, các trường THPT công lập trên địa bàn TP.HCM tuyển gần 65.000 chỉ tiêu. Trong khi đó, kỳ tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua có hơn 77.000 thí sinh chính thức dự thi. Vậy nếu rớt lớp 10 công lập, phụ huynh nên hướng con em chọn loại hình trường nào để tiếp tục phát triển tương lai?

Nhiều chỗ học ở các loại hình khác

Ngồi chờ con thi trước cổng trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), chị Nguyễn Thị Thu Ba ở quận 3 lo lắng nói: “Con tôi chọn nguyện vọng 1 vào Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm, nguyện vọng 2 vào Trường THPT Thủ Thiêm bên quận 2 và nguyện vọng 3 là một trường THPT có điểm chuẩn thấp hơn nhưng không biết có vào được trường nào không. Tôi được biết năm học trước Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm lấy khoảng 25 điểm nhưng cách tính điểm dự kiến vào lớp 10 do giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn cháu chỉ được 20 điểm. Nếu rớt cả 3 nguyện vọng, tôi chưa biết cho cháu học ở đâu vì nếu học trường ngoài công lập thì điều kiện gia đình không thể đáp ứng”.

Đây cũng là tâm trạng chung của nhiều phụ huynh khi sức học của con em họ còn yếu. Tuy nhiên, theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, nếu rớt lớp 10 công lập, học sinh vẫn còn hơn 40.000 chỗ học ở các loại hình trường khác. Trong đó, các trường THPT ngoài công lập tuyển hơn 20.000 chỉ tiêu; TCCN tuyển 12.050 chỉ tiêu; GDTX tuyển 8.580 chỉ tiêu. Đó là chưa kể các trường TCCN thuộc nhiều bộ/ngành Trung ương quản lý tuyển hàng trăm chỉ tiêu.

Năm 2015 là năm đầu tiên cả nước thực hiện kỳ thi THPT quốc gia, trong đó điểm đặc biệt là học viên GDTX sẽ thi chung với học sinh THPT. Phân tích về lợi thế khi học hệ GDTX, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nhấn mạnh: “Năm nay, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, trong đó bằng tốt nghiệp của GDTX và THPT đều giống nhau, không còn ghi xếp hạng hay loại hình tốt nghiệp trên bằng tốt nghiệp nữa”.

Thực tế, chất lượng đào tạo ở các trung tâm GDTX tại TP.HCM đã được nâng lên rất nhiều trong những năm gần đây. Bằng chứng là tỷ lệ học viên tốt nghiệp phổ thông, đỗ vào ĐH, CĐ ngày càng tăng; một số học sinh học trường THPT cũng chuyển sang học ở trung tâm GDTX do thấy các lợi thế như học văn hóa ngang nhau mà số môn học lại ít hơn (GDTX chỉ học 6 môn)…

Nhiều tiềm năng khi học nghề

TP.HCM luôn đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh nhưng nhìn chung Sở GD-ĐT luôn có định hướng khuyến khích học sinh học nghề. Ông Nguyễn Tiến Đạt chia sẻ: “Vào trường nghề, học sinh vẫn được học văn hóa theo chương trình GDTX nên khi ra trường, các em vừa có bằng tốt nghiệp THPT, vừa có bằng tốt nghiệp nghề để tham gia vào thị trường lao động hoặc thi lên các bậc học cao hơn”.

Năm nay Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng TP.HCM tuyển hàng trăm học sinh sau THCS học chương trình nghề 9+4. Ảnh: M.Tâm

Thực tế, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chính sách cho học sinh sau THCS đi học nghề, theo đó, dù học nghề ở trường công hay trường tư, các em sẽ được miễn 100% học phí. Đó là chưa kể nhiều trường thực hiện nhiều chính sách khác như tặng học bổng cho học sinh đạt thành tích cao trong học tập, cho học sinh nghèo…

Nói đến học nghề, hiện nay học sinh không chỉ được nhận bằng trong nước mà có cả bằng cấp quốc tế khi nhiều trường TCCN trên địa bàn TP.HCM đã mạnh dạn liên kết chương trình đào tạo quốc tế hoặc liên kết với doanh nghiệp ở nước ngoài để khi tốt nghiệp, các em còn có thể đi tu nghiệp hay học tiếp ở nước ngoài. Cụ thể, Trường TC Ánh Sáng hiện đang liên kết đào tạo với cơ sở giáo dục ở Nhật Bản để đào tạo theo đơn đặt hàng với hai ngành: Y sĩ và điều dưỡng. Ông Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Tốt nghiệp THCS, học sinh học một trong 2 ngành này chỉ mất khoảng 3,5 năm là các em đã có bằng tốt nghiệp TCCN. Ngoài ra, các em còn được đào tạo tiếng Nhật miễn phí để có thể sang nước này làm việc. Dù cơ hội có nhiều nhưng đầu vào các em không phải thi mà chỉ cần nộp học bạ THCS và bằng tốt nghiệp để nhà trường duyệt”. Tương tự, Trường TC Kỹ thuật Nghiệp vụ Nam Sài Gòn cũng liên kết với một viện giáo dục ở Đức để đào tạo ngành điều dưỡng. Sau khi tốt nghiệp, những học sinh ưu tú sẽ được sang Đức thực tập và nếu làm tốt có thể được giữ lại làm việc lâu dài…

Bài, ảnh: MINH CHÂU

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, nếu rớt lớp 10 công lập, học sinh vẫn còn hơn 40.000 chỗ học ở các loại hình trường khác.

 

Bình luận (0)