Hàng tỉ đồng 1 m2 nhưng không phải muốn sang nhượng là có, giá sạp ở các chợ như Bến Thành, An Đông, Tân Bình… khiến không ít người sốc.
Giá chuyển nhượng một sạp ở chợ Bến Thành có thể lên mức hàng chục tỉ đồng. ẢNH: ĐỘC LẬP
Qua đó cũng có thể thấy một phần nào doanh thu từ những sạp chỉ 1 – 2 m2 này.
Trong vai người có nhu cầu mua lại sạp để ra bán hàng, chúng tôi đã có nhiều vòng khảo sát tại một số chợ lớn ở TP.HCM như Bến Thành, An Đông, Tân Bình… và những mức giá được trao đổi khiến người có nhu cầu “chóng mặt”.
“Sạp đó giá hàng chục tỉ đồng là bình thường”
Ở khu vực bán quần áo gần phía cửa Đông (nhìn ra đường Tạ Thu Thâu, Q.1), chúng tôi được giới thiệu một gian hàng đang bán áo thun nam nữ các loại có diện tích 1 m x 1,5 m. Chủ sở hữu sạp tuyên bố “đúng giá 100 cây vàng, thấp hơn không bán”. Quy đổi theo giá vàng SJC hiện tại thì quầy hàng này có giá tương đương 3,7 tỉ đồng. Cách khu vực này không xa, một quầy có diện tích tương tự nhưng nằm khuất bên trong mới được bán vào cuối năm 2018 với giá 700 triệu đồng. Người chủ mới dự định mua để bán lại kiếm lời chứ không phải để ra kinh doanh nên hiện vẫn đang đóng cửa.
|
Tại khu vực bán đồ mỹ nghệ, trà cà phê gần cuối chợ Bến Thành, chị Hạnh, một người buôn bán lâu năm, chỉ vào một sạp đôi, diện tích khoảng 1,5 x 3 m, cho biết giá không dưới 7 tỉ đồng nhưng hiện chủ cửa hàng cũng chưa muốn bán. Thấy chúng tôi “mắt chữ O, miệng chữ A”, chị Hạnh cười chỉ tay ra mấy sạp bán bánh mứt, giày dép ở trục chính giữa chợ, nói: “Các sạp đó giá lên hàng chục tỉ đồng là bình thường. Nhưng lúc này cũng ít thấy rao bán”.
Chị N.Phượng – chủ một sạp áo quần trên đường Lê Minh Xuân, cho biết mới sang lại ngay cận Tết Nguyên đán một sạp trong chợ Tân Bình với giá gần 3 tỉ đồng cho diện tích gần 2 m2, tính trung bình khoảng 1,5 tỉ đồng cho 1 m2.
Một số thông tin rao bán chuyển nhượng sạp chợ trên mạng. ẢNH CHỤP MÀN HÌNH
Đây cũng là mức giá cao nhất tại chợ do sạp ở vị trí cực đẹp và “không dễ có”. Hay tại chợ An Đông (Q.5), một ki ốt có diện tích 2,1 m2 nằm ở vị trí bên trong lòng chợ tại tầng 2 (khu vực bán áo quần) có giá tầm 700 triệu – 1 tỉ đồng.
Sạp cùng diện tích nhưng ở vị trí góc, giá có thể lên 2 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo bà T.Thanh, một tiểu thương lâu năm tại chợ này, những vị trí mặt tiền, đẹp rất hiếm người bán lại. “Thường mấy sạp vị trí đẹp, hết đời người mẹ lớn tuổi không bán hàng nữa thì để lại cho con cái bán, hoặc ai không có con cái nối nghiệp thường cho thuê 15 – 20 triệu đồng/tháng để sống”, bà T.Thanh nói..
Than ế nhưng giá sạp vẫn cao
Dù nhiều tiểu thương luôn than buôn bán ngày càng ế vì cạnh tranh, nhất là phải cạnh tranh với hoạt động bán hàng qua mạng, nhưng nghịch lý là giá mua bán các sạp cũng như giá cho thuê liên tục tăng. Chị D.H, chủ sạp rộng 1,2 m2 nằm trong con hẻm đường Đông Hồ (bên hông chợ Tân Bình) cũng cho hay, chị đã từng sang nhượng quầy sạp 1 tỉ đồng cách đây 5 năm, nhưng vị trí nằm trong “góc kẹt” nên khách tỉnh ít vào lấy hàng, doanh số giảm dần. Sau đó 2 năm, chị ra đây thuê sạp trả 20 triệu đồng/tháng, thuế khoán 4,2 triệu đồng/tháng, tiền thuê kho bỏ hàng 2,5 triệu đồng/tháng và tiền thuê một nhân viên bán hàng 8 triệu đồng/tháng để bán sỉ đồ lót và đồ bơi. “Tổng cộng một tháng chi tầm 32 – 35 triệu đồng. Nhắm mắt mỗi ngày phải “nộp hụi chết” hơn 1 triệu đồng, lời lãi tính sau. Tuy nhiên, cũng hiếm có tháng nào lỗ, nhưng lãi cao và bán đắt hàng như 4 – 5 năm trước thì không còn”, chị D.H cho biết.
Tại quầy quần áo của chị N.Phượng ở chợ Tân Bình, gần 10 giờ sáng chủ nhật, chị Xuyến là khách hàng từ Long An ghé lấy áo khoác nhưng chủ quầy thông báo chỉ còn hàng cũ. Hàng mới chưa về vì các nhà sản xuất trong nước hay Trung Quốc đều “ăn tết dài ngày lắm, cuối tháng giêng (tầm đầu tuần sau 3.3) hàng mới về đến TP.HCM”. Không có hàng mới, nhưng chị Xuyến cũng mua hàng có tổng trị giá đến 3,2 triệu đồng.
“Tôi có nhiều mối lấy hàng ở các tỉnh miền Trung, chủ yếu giao dịch qua điện thoại và hàng hóa gửi đi thường xuyên”, chị N.Phượng, chủ quầy cho biết. Đó là lý do dù bề ngoài không thấy nhộn nhịp nhưng hằng tháng các quầy có doanh số khá lớn vì đây là các chợ đầu mối, hàng hóa chuyển đi khắp cả nước.
Riêng tại chợ Bến Thành, các quầy hàng chủ yếu bán lẻ cho khách du lịch và khách trong nước. Dù nhiều tiểu thương vẫn than buôn bán ngày càng ế ẩm hơn nhưng giá thuê hay sang sạp vẫn không hề giảm. Giá thuê phổ biến ở chợ này khoảng 15 triệu đồng/tháng. Những sạp đôi, vị trí đẹp giá thuê lên đến 60 – 70 triệu đồng/tháng.
Với giá thuê này, cộng tiền lương của 2 nhân viên bán hàng biết ngoại ngữ khoảng 25 triệu đồng/tháng, dù không ai biết được mức lợi nhuận của các sạp hàng ở đây là bao nhiêu nhưng theo các tiểu thương, để chấp nhận chi phí đó, mỗi tháng các sạp hàng này phải có doanh thu cả tỉ đồng mới có lời.
Để có được doanh thu và lợi nhuận khủng, nhiều người bán sẵn sàng nói thách và hét giá trên trời khiến khách trả giá kiểu nào cũng hớ. Cô Hồng, một tiểu thương lâu năm tại chợ Bến Thành, thừa nhận tình trạng nói thách với “giá trên trời” do nhiều người chấp nhận mua lại hoặc thuê sạp giá cao, khiến nhiều khách hàng không dám quay lại chợ.
Doanh số khủng, mức lợi nhuận cao khiến các sạp chợ ở Bến Thành, An Đông hay Tân Bình vẫn là giấc mơ được sở hữu của nhiều người.
An Yến – Lam Nghi/TNO
Bình luận (0)