Dù ở mức độ nhẹ hay nặng, bệnh trầm cảm luôn để lại những hệ lụy trong cuộc sống của mỗi cá nhân, ảnh hưởng đến khả năng làm việc, học tập và những kỹ năng cần thiết phải đương đầu trong cuộc sống của con người.
Một bệnh nhân bị trầm cảm đang được điều trị tâm lý tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM. Ảnh: T.L |
Những biểu hiện của bệnh
Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Quỳnh – Trung tâm Hỗ trợ tâm lý cộng đồng SPC cho biết, người bị trầm cảm ở mức độ nhẹ có thể chữa trị được mà không cần thuốc nhưng khi ở dạng nặng nhất, trầm cảm có thể dẫn đến tự tử.
Theo thạc sĩ Quỳnh, trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến, đặc trưng bởi sự buồn rầu, mất thích thú hoặc khoái cảm, cảm giác tội lỗi hoặc giá trị bản thân thấp, rối loạn giấc ngủ, ăn uống và kém tập trung trong hành vi và suy nghĩ. Trầm cảm có thể kéo dài hoặc tái phát làm suy giảm đáng kể khả năng lao động, học hành hoặc đối diện với mọi tình huống trong cuộc sống hàng ngày của một con người nào đó. Dù ở mức độ khác nhau nhưng thời gian đầu, người bị trầm cảm thường có biểu hiện bất thường về thần kinh như cảm giác lo lắng vô cớ bất kỳ lúc nào, ban đêm trằn trọc khó ngủ, thức dậy sớm hơn bình thường hoặc thèm ngủ mà không ngủ được. Những người bị trầm cảm dạng khởi phát luôn buồn chán, bi quan, không thích thú với công việc hàng ngày và không cố gắng trong lao động chân tay và cả lao động trí óc.
BS Phạm Văn Trụ – Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho hay, biểu hiện người bị trầm cảm giảm chú ý, khó tập trung, hay lơ đãng “nhớ nhớ quên quên” dẫn đến giao tiếp kém linh hoạt hơn so với người bình thường. Không chỉ suy nhược về tinh thần, trầm cảm còn làm cho con người suy kiệt thể chất do chán ăn, ăn uống không ngon miệng, sụt ký, lao tâm dẫn đến lao lực. Khi trầm cảm kéo dài, “người trong cuộc” có thêm ý nghĩ tội lỗi với người thân, mặc cảm tự ti vì thấy mình vô dụng, nguy hiểm hơn là có những nghĩ ngợi liên quan đến chết chóc, quyên sinh thoáng qua trong đầu mà đau xót hơn là cuối cùng có hành vi tự sát.
BS Trụ khẳng định, có nhiều lý do dẫn đến trầm cảm nên chưa xác định được nguyên nhân nào chính xác nhất, tuy nhiên thông qua những biểu hiện của bệnh nhân, gốc rễ chủ yếu bao gồm yếu tố di truyền, giới tính, ảnh hưởng từ bệnh tật như mất ngủ, chấn động tâm lý do hoàn cảnh gia đình hay công việc, stress… Ít ai tin rằng trầm cảm bởi ảnh hưởng từ yếu tố di truyền tuy nhiên theo một số nghiên cứu, nếu bố mẹ mắc bệnh trầm cảm thì con cái cũng có nguy cơ cao hơn người bình thường. Thực tế còn chứng minh hầu hết người bị trầm cảm lại thuộc về phái nữ nên tỷ lệ chị em mắc bệnh trầm cảm cao gấp 2 lần so với nam giới.
Người sống lạc quan có thể vượt qua trầm cảm
BS Trụ cho biết, nghiện internet, mê game cũng là nguyên nhân khiến các bạn trẻ trầm cảm nhiều hơn. Nếu những người sống lạc quan có thể vượt qua được “cửa ải” trầm cảm thì những người “nhìn cuộc đời bằng màu tối” không thể nào chiến thắng được nỗi ám ảnh lâu dài về một cú sốc tinh thần nào đó…
BS Phạm Văn Trụ – Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho biết, nghiện internet, mê game cũng là nguyên nhân khiến các bạn trẻ trầm cảm nhiều hơn. Nếu những người sống lạc quan có thể vượt qua được “cửa ải” trầm cảm thì những người “nhìn cuộc đời bằng màu tối” không thể nào chiến thắng được nỗi ám ảnh lâu dài về một cú sốc tinh thần nào đó… |
Thạc sĩ Quỳnh chia sẻ, HS mắc chứng trầm cảm do nhiều nguyên nhân chủ yếu là từ áp lực học hành, GV chưa hiểu HS đôi khi có lời xúc phạm đến danh dự các em. Bất đồng trong quan hệ gia đình mà chủ yếu do cha mẹ gây ra hoặc kỳ vọng quá nhiều và con cái nhưng sau đó lại không được như ý muốn. Điều đáng tiếc là các em không có ai xung quanh để chia sẻ mà thường tự giải quyết một cách tiêu cực. Rất nhiều HS trầm cảm không được điều trị sớm do cha mẹ không được nhận biết ngay từ đầu. Ở độ tuổi này khả năng kiềm chế tâm lý của các em còn hạn chế do những thay đổi về hormone tăng trưởng trong giai đoạn dậy thì nên dễ bị rối loạn cảm xúc, hay tổn thương, thường nổi nóng và không hứng thú với việc học hành. Điều quan ngại hơn, nguy cơ tái phát ở trẻ em cao, đợt sau nặng hơn đợt trước và có thể dẫn tới ý nghĩ quyên sinh cho nhẹ lòng.
Hiện nay, HS đang đối diện với rất nhiều vấn đề khó khăn trong cuộc sống hằng ngày như: bạo lực học đường, quan hệ với bạn bè, thầy cô, bố mẹ, áp lực học tập cùng với những kỳ vọng của cha mẹ, của xã hội đối với các em.
Trong khi đó, lứa tuổi HS là giai đoạn của quá trình hình thành và phát triển mạnh mẽ về nhân cách, trải nghiệm cuộc sống chưa nhiều, năng lực giải quyết vấn đề khó khăn còn hạn chế, trước áp lực nhiều mặt của cuộc sống dễ gây cho các em trầm cảm. Theo lời khuyên của thạc sĩ Quỳnh, giai đoạn này rất cần sự quan tâm của gia đình, bạn bè và nhà trường có thể động viên, gỡ rối giúp các em vượt qua những áp lực từ cuộc sống hằng ngày để giới trẻ không còn mắc chứng trầm cảm và hạn chế được số lượng HS đi đến những kết cục đau buồn.
Nguyễn Hoàng Anh
Bình luận (0)